N’Trang Lơng sinh năm 1870, tại một buôn nhỏ của người M’nông nằm nép mình bên dòng Đắk R’tih (phía Bắc cao nguyên Đắk Lắk). Ông là một tù trưởng có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong vùng. Đầu năm 1909, khi thực dân Pháp mở cuộc bình định các buôn, làng M’nông nhằm chuẩn bị cho việc thành lập cái gọi là “Tỉnh M’nông, S’tiêng tự trị” ở Tây Nguyên, nhiều người M’nông, S’tiêng, Gia Rai, Ba Na... không chịu nổi sự đàn áp, khủng bố của quân địch đã phải bỏ buôn, làng chạy vào rừng lánh nạn.

Thấu hiểu nỗi thống khổ của đồng bào, N’Trang Lơng đã thuyết phục và quy tụ một số tù trưởng, già làng quyết định ở lại bám trụ, chọn khu rừng già ngay tại vùng thượng nguồn con suối Búc Xô để xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Ban đầu có khoảng 150-170 người, song chỉ trong thời gian ngắn, đội nghĩa binh của N’Trang Lơng đã phát triển lên hơn 5.000 người, phần lớn là người M’nông và S’tiêng. Không giống như nhiều thủ lĩnh khác, N’Trang Lơng chia lực lượng nghĩa binh của mình làm hai bộ phận: Nghĩa quân tập trung và nghĩa quân tại chỗ. Nghĩa quân tập trung thoát ly ở ngoài rừng (tương tự như bộ đội chủ lực ngày nay). Lực lượng này bao gồm những trai tráng khỏe mạnh, thiện chiến, thoát ly sản xuất, trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh; mỗi thủ lĩnh nắm trong tay khoảng 200 nghĩa binh và có căn cứ riêng. Các đội quân đó đều đặt dưới quyền chỉ huy chung của N’Trang Lơng. Nghĩa quân tại chỗ ở trong các buôn làng (tương tự như bộ đội địa phương sau này). Đây là lực lượng đông đảo dựa vào các “làng chiến đấu” vừa lao động sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ buôn, làng; phối hợp chiến đấu và chi viện cho nghĩa quân tập trung. Các “làng chiến đấu” này được N’Trang Lơng cho xây dựng một cách khá độc đáo theo mô hình: Thành lũy truyền thống của người M’nông. Mỗi một làng chiến đấu như vậy, N’Trang Lơng đều cho tổ chức một đội vũ trang; chỉ huy đội vũ trang đó có thể là già làng, hoặc cũng có thể được lựa chọn trong số trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn trong buôn, làng.

Không chỉ là một thủ lĩnh giàu lòng yêu nước và có uy tín, N’Trang Lơng còn là nhà tổ chức quân sự tài ba. Trong đội quân của mình, ngoài phiên chế lực lượng thành hai bộ phận chủ yếu như đã nêu ở trên, N’Trang Lơng còn tổ chức ra Đội Bal Ty Lah Bôn Lan. Lực lượng đặc biệt này vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, do thám phát hiện những cuộc càn quét của quân địch rồi báo tin cho các đội nghĩa quân; vừa là sợi dây liên lạc giữa các thủ lĩnh và các đội nghĩa binh. Đội quân đặc biệt này còn có nhiệm vụ bám cơ sở tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn tham gia phong trào chống thực dân Pháp. Một số thư tịch và điền dã cho biết, vốn là một thủ lĩnh coi trọng công tác vận động quần chúng, nên trong nhiều trường hợp, đích thân thủ lĩnh N’Trang Lơng cùng vợ con và cả một số thủ lĩnh khác trực tiếp đưa Đội Bal Ty Lah Bôn Lan đến các buôn, làng vận động đồng bào các dân tộc.

Một trong những lý do bảo đảm cho Phong trào N’Trang Lơng tồn tại tới gần 25 năm trong điều kiện luôn bị địch khủng bố, bao vây, phong tỏa ngặt nghèo chính là nhờ vị thủ lĩnh của phong trào đã biết cách tổ chức và bảo đảm hậu cần cho lực lượng nghĩa binh hàng nghìn người một cách khoa học, hiệu quả. Ông là vị thủ lĩnh biết cách tạo dựng và huy động được nguồn hậu cần nhân dân tại chỗ một cách hiệu quả. Tùy theo quy mô, N’Trang Lơng bằng uy tín của mình đã vận động được dân làng nuôi quân một cách tự nguyện. Ai có gì đóng góp nấy, mỗi buôn, làng bảo đảm hậu cần cho một đội nghĩa binh; tại mỗi khu vực (thường vài ba buôn), ông cho xây dựng một kho lương dự trữ. Ngoài ra, những lúc yên, để đỡ gánh nặng cho dân, N’Trang Lơng yêu cầu nghĩa quân đều phải tăng gia, tự túc.

Dưới sự lãnh đạo tài ba của thủ lĩnh N’Trang Lơng, mặc dù quân địch tìm mọi cách đàn áp phong trào, nhưng thế và lực của nghĩa binh vẫn phát triển ngày một lớn mạnh. Từ năm 1912, cái tên N’Trang Lơng nhanh chóng lan tỏa rộng khắp. Một phong trào chống thực dân Pháp mang tên “Phong trào N’Trang Lơng” đã bùng lên ở hầu khắp các buôn, làng. Khởi nguồn từ bộ lạc M’nông ở phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, phong trào chống thực dân Pháp mang tên vị thủ lĩnh đã nhanh chóng lan rộng khắp Tây Nguyên và sang cả vùng thượng du tỉnh Kratie (Campuchia).

leftcenterrightdel

Tượng đài anh hùng N'Trang Lơng tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: THU KIÊN 

Lo sợ trước sự phát triển của Phong trào N’Trang Lơng, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã cho quân mở các cuộc tiến công căn cứ của nghĩa quân và mở các cuộc càn quét, đàn áp đồng bào, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn. Trong một cuộc tiến công quy mô lớn tàn phá buôn Bu Par, quân địch đã giết chết vợ, con của N’Trang Lơng. N’Trang Lơng đã cho quân rút về căn cứ dự phòng Dak Huich, phân tán lực lượng vào rừng sâu; đồng thời tổ chức các đội luồn về các buôn, làng vận động nhân dân thực hiện kế “vườn không nhà trống”. Từ các căn cứ trong rừng sâu, lợi dụng sự chủ quan và sơ hở của địch, trong những năm 1912-1915, N’Trang Lơng đã chỉ huy nghĩa binh tiến hành nhiều trận chiến đấu giành thắng lợi oanh liệt, trong số đó có thể kể đến như: Trận đánh hạ đồn Poutrosra ở chân núi Nam Lia; trận tập kích đoàn xe tiếp tế của Henri Maitre; trận “trá hàng” hạ đồn Bumerra... Liên tục trong hai năm 1916-1917, N’Trang Lơng đã chỉ huy nghĩa quân bẻ gãy nhiều cuộc hành binh lớn của quân địch, giữ vững địa bàn, duy trì sự tồn tại và phát triển của phong trào chống Pháp ở Tây Nguyên trong một thời gian dài.

Từ năm 1928, thực hiện chính sách đẩy mạnh việc khai thác triệt để tiềm năng thuộc địa, chính quyền thực dân đã tăng cường lực lượng quân sự lên Tây Nguyên. Tại đây, chúng thành lập “Tiểu đoàn pháo thủ sơn phòng Nam Tây Nguyên”, gấp rút mở tuyến đường 14 nối từ Sài Gòn lên Tây Nguyên; đồng thời sử dụng không quân hỗ trợ và phối hợp với bộ binh liên tiếp mở các cuộc càn quét nhằm dập tắt phong trào chống Pháp tại cao nguyên. Chúng ráo riết tung quân lùng sục, sử dụng mọi chiêu bài mua chuộc, dụ dỗ... hòng cô lập nghĩa quân và tiêu diệt thủ lĩnh N’Trang Lơng. Bằng uy tín và tư duy quân sự sắc sảo của một vị thủ lĩnh, N’Trang Lơng đã chỉ huy nghĩa quân bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của quân địch, tổ chức được nhiều trận đánh giành thắng lợi quan trọng, trong số đó có thể kể đến như: Trận tiến công đội quân làm đường của Natille (tháng 5-1931); trận thắng này đã gây gián đoạn kế hoạch mở đường lên Tây Nguyên của thực dân Pháp; hay như cuộc tiến công bẻ gãy chiến dịch càn quét bình định của Toàn quyền Đông Dương Pasquier (mùa khô 1931-1932); trận tiêu diệt Cứ điểm 65 (tháng 1-1933)...

Sau các sự kiện trên, Toàn quyền Pasquier và Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Pháp ở Đông Dương Billot đã vạch một kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo “làm yên tĩnh Tây Nguyên bằng mọi giá”. Theo đó, một lực lượng lớn binh sĩ Việt và Khmer tinh nhuệ được Bộ chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương tuyển chọn từ các đơn vị thiện chiến nhất đưa lên tăng cường cho Tây Nguyên. Trong một tương quan lực lượng quá chênh lệch, N’Trang Lơng chủ trương cho nghĩa quân rút vào rừng sâu để bảo tồn lực lượng; đồng thời tổ chức các nhóm nhỏ ngày đêm quấy rối, phục kích tiêu diệt và gây hoang mang cho quân đồn trú của địch. Không thể nào dập tắt được phong trào và tiêu diệt được thủ lĩnh N’Trang Lơng, thực dân Pháp đã cho lập thêm một số đồn binh ở khu vực người M’nông nhằm tăng cường kiểm soát, cô lập lực lượng của N’Trang Lơng và khống chế sự lan tỏa của phong trào.

Đầu năm 1933, để giành lại thế chủ động và quyết không thể nhường địa hạt các buôn, làng cho địch, N’Trang Lơng tổ chức nhiều trận đánh địch. Trong trận quyết chiến ngày 20-3-1933, một số thủ lĩnh của N’Trang Lơng đã anh dũng hy sinh, một số khác không may rơi vào tay giặc, trong đó có thủ lĩnh R’Dinh, được coi là “cánh tay phải” của ông. Sau tổn thất to lớn này, N’Trang Lơng cố gắng tìm mọi cách duy trì hoạt động của nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của N’Trang Lơng, suốt cả năm 1934 và đầu năm 1935, nghĩa quân liên tục tổ chức được nhiều trận tiến công quân địch, trong đó có một số trận gây tiếng vang lớn như các trận tập kích đồn Rolan, đồn Bu Koh...

Giữa lúc lực lượng của nghĩa quân đang từng bước được củng cố lại thì ngày 20-5-1935, do một kẻ nội phản dẫn đường, quân địch bất ngờ ập vào “đại bản doanh” của N’Trang Lơng. Mặc dù ông đã bình tĩnh chỉ huy nghĩa quân kiên cường chống trả nhưng do bị tập kích bất ngờ, tương quan lực lượng lại quá chênh lệch, nên đã không thể giành được thắng lợi. Các trợ thủ của ông đều chiến đấu đến cùng, số bị bắt, số hy sinh một cách anh dũng. Trong trận chiến này, thủ lĩnh N’Trang Lơng bị thương nặng và rơi vào tay giặc. Ngày 25-6-1935, chúng đã đê hèn giết N’Trang Lơng.

Là một tù trưởng giàu lòng yêu nước, có chí căm thù giặc sâu sắc, N’Trang Lơng đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bằng uy tín và tài năng quân sự thiên bẩm của mình, N’Trang Lơng đã giương cao ngọn cờ đoàn kết các dân tộc và trở thành một vị thủ lĩnh nổi tiếng, đồng thời là linh hồn của phong trào chống thực dân Pháp tại Tây Nguyên trong suốt gần 25 năm.

TRẦN VĨNH THÀNH