Nguyên khí cội nguồn trên đất phương Nam

Trong không khí lễ hội đầu xuân mới, chúng tôi tìm về Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong khuôn viên Công viên để dâng hương tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ. Từ Xa lộ Hà Nội, chiếc cổng chào và tấm biển chỉ dẫn du khách vào tham quan Công viên được bố trí khá khiêm nhường, nhưng không gian bên trong lại có sức hấp dẫn, cuốn hút mê hồn. Trái ngược với không khí ồn ã, tấp nập người-xe bên ngoài, môi trường sinh thái và hệ thống các công trình kiến trúc lịch sử-văn hóa trong Công viên mang đến cho chúng tôi cảm giác an yên, thiêng liêng, khang thịnh.

Ông Phạm Ngọc Viên, 72 tuổi, người trông coi, chăm lo công việc nhang đèn tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng được mọi người gọi là ông từ. Vừa bước vào khu vực hành lễ, chúng tôi được ông từ Viên cẩn thận, chu đáo hướng dẫn các thao tác dâng hương theo phong tục tín ngưỡng ở chốn tôn nghiêm. Gắn bó với công việc mang ý nghĩa tâm linh tại đây ngay từ những ngày đầu công trình khánh thành, đưa vào sử dụng, ông từ Phạm Ngọc Viên coi đó là một cơ duyên lớn trong đời. “Trước đây tôi làm ông từ tại Đình thần Thái Bình. Từ khi chính quyền TP Hồ Chí Minh xây dựng Đền tưởng niệm các Vua Hùng, tôi được cơ quan chức năng tín nhiệm điều về đây. Dù mới xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 10 năm nhưng nơi đây đã trở thành một địa chỉ linh thiêng, mỗi ngày có rất nhiều người dân và du khách tìm đến dâng hương tưởng niệm. Tôi thường xuyên chăm lo nhang đèn, góp phần giữ lửa cho nguyên khí cội nguồn dân tộc hội tụ, lan tỏa trên đất phương Nam”, ông Viên nói.

leftcenterrightdel
Cổng vào Đền tưởng niệm các Vua Hùng. 

Khu tưởng niệm các Vua Hùng là công trình tín ngưỡng trọng điểm, nằm ở vị trí trung tâm của Công viên, được xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi cao. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt về bốn hướng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiện đại của những khu đô thị ven bờ các dòng sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu, Nhà Bè... Đây là đền thờ Vua Hùng có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam, được thiết kế, xây dựng theo phong cách kiến trúc đương đại kết hợp cổ kính, kế thừa những nét tinh hoa của đình, chùa Việt Nam; lăng tẩm, đền đài Cố đô Huế và chất phóng khoáng, nghĩa tình của văn hóa sông nước Nam Bộ. Vật liệu đặc trưng sử dụng xây dựng đền thờ là gỗ và đá. Từ kết cấu nội, ngoại thất của khu đền cho đến các lối ra vào, lên xuống, cảnh quan môi trường xung quanh... đều là đá và đá, tạo cảm giác vững chãi, gợi sự giao hòa âm dương, trời đất trong đời sống tín ngưỡng của con người. Đá xây đền được lựa chọn, khai thác, vận chuyển về từ các núi đá ở Bình Phước, Bình Định, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng... Chính vì vậy, dù là công trình xây dựng trong thời hiện đại nhưng không gian kiến trúc và cảnh quan đền thờ mang nét cổ kính, trầm mặc, có chiều sâu. Những bậc đá rêu phong bao phủ. Những con đường rợp bóng tre ngà mát rượi ríu ran tiếng chim, rì rào tiếng gió...

Con đường ngược núi vào đền được gọi là Đường Tre. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, tác giả thiết kế công trình tâm sự rằng, ông muốn tái hiện ở đây những sắc thái đặc trưng của văn hóa làng quê Việt truyền thống nên đã chọn tre làm cây chủ đạo. Hàng vạn gốc tre được trồng, nay đã phát triển thành hàng, thành lũy xanh rì. Tiếng tre kẽo kẹt đưa võng dưới nắng vàng tạo cảm giác linh thiêng, gần gũi, chứa chan hoài niệm... Bên cạnh đó, những loại cây lâu năm và những hàng cọ được trồng từ giống cọ của vùng quê Phú Thọ đến nay đã mang dáng dấp cổ thụ, hình thành những khu vườn xanh mát bao bọc xung quanh đền thờ.

Đầu năm mới Quý Mão 2023, mùa lễ hội trên đất phương Nam diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở khắp các địa phương. Khu tưởng niệm các Vua Hùng đón hàng vạn lượt người dân, du khách trong và ngoài nước. Từ Tết Nguyên đán đến ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5... là những thời điểm du khách phương Nam dập dìu về dâng hương tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ. Từ năm 2014, theo đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với tỉnh Phú Thọ là nơi có Đền Hùng giữ vai trò chủ thể, Lễ Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba được tổ chức cùng thời điểm tại các đền thờ Vua Hùng trong cả nước. Tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động lễ hội, tín ngưỡng trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Ba.

Thiêng liêng một cõi sơn hà...

Ngoài Đền tưởng niệm các Vua Hùng và một số công trình khác đã hoàn thành, hiện các hạng mục khác của Công viên đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện trên tổng diện tích hơn 400ha. Toàn bộ Công viên nằm trên địa bàn phường Long Bình, TP Thủ Đức và một phần diện tích của TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo thiết kế, Công viên là một quần thể các công trình kiến trúc tiêu biểu, được bố trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, chia thành 4 khu vực tương ứng với 4 chủ đề lịch sử dân tộc: Cổ đại, trung đại, cận đại và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hạng mục công trình được bố trí, xây dựng theo hệ thống lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc; hành trình khai khẩn, kiến thiết vùng Sài Gòn-Gia Định và Nam Bộ. Công viên được coi như một bảo tàng mở, tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và sắc thái văn hóa truyền thống vùng đất phương Nam. Nơi đây được ví như một Việt Nam thu nhỏ, một Nam Bộ-Sài Gòn-Gia Định thu gọn bằng câu chuyện của lịch sử và cấu trúc các thiết chế văn hóa truyền thống. PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Việc quy hoạch, xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc tại Công viên có ý nghĩa đặc biệt to lớn về công tác giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, thái độ tri ân của thế hệ hôm nay và mai sau đối với tiên tổ và các bậc hiền nhân...”.

Cảnh quan môi trường, không gian tự nhiên của Công viên được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn sắc thái đặc trưng địa lý thời kỳ khai khẩn. Đến đây, chúng tôi được hướng dẫn trải nghiệm hành trình trên những con đường đất, nguyên sơ sỏi đá dọc những cánh rừng men theo sườn núi, đồi. Những con kênh, rạch chảy xuyên qua từng trảng dừa nước, rừng nguyên sinh mang vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ... Hoạt động trồng cây gây rừng để tăng mảng xanh cho các khu vực trong Công viên đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Việc kết cấu các hạng mục công trình theo 4 khu vực nêu trên giúp người dân và du khách tiện lợi, thoải mái trong các hoạt động trải nghiệm, sống cùng lịch sử.

Một trong những địa chỉ linh thiêng trong Công viên là đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đặt nền móng cho công cuộc khai khẩn, xây dựng, phát triển vùng đất Sài Gòn-Gia Định từ 325 năm trước. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm 2016, gắn kết với khu tưởng niệm các Vua Hùng, hình thành quần thể công trình kiến trúc đền thờ bên bờ dòng kênh còn vẹn nguyên hệ sinh thái tự nhiên hoang sơ.

Từ đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chúng tôi men theo con đường đất cổ xưa xuyên qua cánh rừng tràm đến với không gian văn hóa tín ngưỡng Phật giáo. Đó là chùa Bửu Long (còn gọi là Thiền viện Tổ đình Bửu Long), thuộc hệ phái nguyên thủy Phật giáo Nam Tông. Đây là công trình kiến trúc đặc biệt, pha trộn những nét tinh hoa của kiến trúc chùa chiền ở Thái Lan, Ấn Độ và kiến trúc đình, chùa Việt Nam thời phong kiến.

leftcenterrightdel
Đường Tre trong Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc ở TP Hồ Chí Minh. 

Trong không khí du xuân, hệ thống các công trình lịch sử, văn hóa tín ngưỡng ở Công viên vừa mang đậm giá trị đạo đức xã hội, tâm nguyện được tri ân công đức tiên tổ, ông cha, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vãng cảnh của đông đảo người dân và du khách. Chính vì vậy, Công viên là địa chỉ du lịch về nguồn, du lịch tín ngưỡng nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh và cả vùng Nam Bộ.

Hòa mình trong không gian xanh mát, linh thiêng của Công viên giúp hồn người có được những khoảnh khắc an yên, thanh tịnh, để mỗi người nạp thêm năng lượng, tiếp thêm động lực từ nguyên khí quốc gia. Dâng nén nhang thơm, vái lạy tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ và các bậc hiền tài miền mây trắng, lòng chúng tôi lại trào dâng lời Bác dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bài và ảnh: QUỲNH NGA