Tôi gặp Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc 1952-Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức tại thành phố Yên Bái vào tháng 10-2022. Ông lên đọc tham luận rõ ràng, khúc chiết, rồi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ngoài lề rất sinh động.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể: “Tham gia Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, tôi là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ phối thuộc với Đại đoàn 308 bao vây Phân khu Nghĩa Lộ, đánh địch rút chạy. Khi Nghĩa Lộ được giải phóng ngày 18-10-1952, đơn vị chúng tôi cùng một đại đội bạn được dân quân địa phương dẫn đường truy kích địch rút chạy về hướng Sơn La. Nhưng do địa hình hiểm trở, chúng tôi không kịp chặn đánh địch, chúng đã rút thoát được về Sơn La... Chưa đánh được trận nào trong chiến dịch nên đơn vị chúng tôi, ai cũng cảm thấy tiếc nuối. Khoảng đầu tháng 11-1952, Tiểu đoàn 16 chúng tôi nhận nhiệm vụ cùng các đơn vị của Trung đoàn 141 trong đội hình Đại đoàn 312 tham gia đợt 2 của chiến dịch. Chúng tôi rất phấn khởi chuẩn bị chiến đấu.

Nhiệm vụ của Trung đoàn là tiến công tiêu diệt cứ điểm đồn địch ở Pa Lay (nay thuộc xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trên tuyến phòng thủ hữu ngạn sông Đà của địch. Cứ điểm này địch lập ra nhằm ngăn chặn bộ đội ta tiến công trên hướng đi Phù Yên, về Mộc Châu, Sơn La. Chúng tôi lúc này đóng quân ở Quang Huy (nay thuộc xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Để đánh Pa Lay, chúng tôi phải hành quân vượt qua sông Đà trong tiết trời mùa đông giá rét, lạnh buốt. Thực hiện nhiệm vụ, Đại đoàn tổ chức lực lượng công binh bắc cầu phao cho bộ đội vượt sông. Song lòng sông Đà rộng, lại có mưa từ đầu nguồn nên nước lũ đổ về khiến cầu phao làm bằng tre nứa bị cuốn trôi. Trong khi đó, máy bay trinh sát của địch liên tục quần thảo, điểm nào nghi có bộ đội ta trú quân là chúng lập tức đánh phá”.

leftcenterrightdel

 Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Ảnh: HƯƠNG THU      

“Vậy thưa bác, ta phải vượt sông bằng cách nào, có dựa vào thuyền của dân được không?”, tôi hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Ông bảo: “Việc hành quân là bí mật. Với lại dân ở xung quanh thưa thớt, song cũng có mấy chiếc thuyền, chủ yếu là thuyền độc mộc của đồng bào để đi lại trên sông. Nhiệm vụ vượt sông rất cấp bách, nếu chậm, ta mất thời cơ tiêu diệt đồn địch, vì địch sẽ rút chạy về Sơn La. Hơn nữa, nếu phải kéo dài chiến dịch, việc bảo đảm hậu cần cho các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do xa hậu phương”. Khi ấy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 Nam Long và Chính ủy Trung đoàn 141 Mạc Ninh tổ chức họp Ban chỉ huy Trung đoàn ngay bờ sông Đà, quyết định không chờ công binh bắc cầu phao xong mà tổ chức cho bộ đội bơi qua sông. Đây là quyết định rất táo bạo. Sau đó, Trung đoàn trưởng Nam Long một mình bơi trước qua sông để thăm dò. Ông Tài đề nghị bơi cùng Trung đoàn trưởng, vừa để cùng trinh sát độ sâu lòng sông, sức sóng, vừa sẵn sàng hỗ trợ Trung đoàn trưởng khi có tình huống.

“Trước khi đồng ý để tôi bơi cùng, anh Nam Long hỏi khả năng bơi của tôi thế nào. Tôi kể với anh rằng, trước khi nhập ngũ, tôi đã là vận động viên bơi toàn Đông Dương! Thế là chúng tôi bơi một mạch qua sông, rồi bơi về”, ông Tài kể.

Sau đó, Trung đoàn 141 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 16 vượt sông trước, đánh chiếm đầu cầu bên hữu ngạn, tiến nhanh về Pa Lay, bao vây, không cho địch rút chạy. Ông Tài về phổ biến nhiệm vụ cho Tiểu đoàn, lựa chọn các đồng chí bơi tốt, tình nguyện vượt sông trước. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được chọn, hợp thành một đại đội vượt sông. Do tiểu đoàn trưởng bơi không tốt nên Đảng ủy Tiểu đoàn chỉ định Phó bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Nguyễn Hữu Tài trực tiếp làm Bí thư Chi bộ Đại đội vượt sông, đồng chí Bạch Đăng Hội làm Đại đội trưởng, chỉ huy bộ đội vượt sông. Tất cả khẩn trương làm công tác chuẩn bị, chặt chuối rừng, tre nứa làm bè mảng. Khi vượt sông, quần áo, vũ khí, đạn dược, lương thực chất lên bè mảng. Cứ 3 người một tổ do đảng viên, cán bộ làm tổ trưởng, sẵn sàng cứu giúp nhau khi có tình huống hoặc bị nạn. Tiểu đoàn còn thành lập hai tổ cứu hộ, gồm những người to khỏe, bơi tốt, đi về phía hạ lưu để sẵn sàng cứu hộ những ai bị sóng nước cuốn đi. Tinh thần quyết tâm vượt sông của cán bộ, chiến sĩ đại đội rất cao, không quản ngại hy sinh để kịp thời gian nổ súng, hoàn thành nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Hữu Tài (hàng trước, thứ hai, từ phải sang) với các đại biểu dự hội thảo 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952. Ảnh: HƯƠNG THU      

Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại: “Đêm 17-11-1952, toàn đơn vị tổ chức bơi vượt sông. Tất cả chúng tôi cởi quần áo gói lại để trên bè mảng. Đêm đông, nước sông lạnh buốt, nhưng mặc cho giá rét, chúng tôi đều không quản ngại. Sau hơn một giờ đồng hồ, đơn vị chúng tôi lần lượt vượt qua sông với vũ khí, trang bị đầy đủ. Khi tập hợp đơn vị để hành quân bao vây đồn Pa Lay, kiểm đếm còn thiếu một chiến sĩ. Đội cứu hộ báo về là không thấy ai bị cuốn xuống phía hạ lưu. Vì nhiệm vụ gấp, chúng tôi hạ mệnh lệnh hành quân ngay. Gần một giờ sau, trong hàng quân có tiếng lao xao, tôi cho bộ đội tạm dừng, kiểm tra. Hóa ra, đồng chí chiến sĩ tôi tưởng đã hy sinh đang tức tốc chạy về phía tôi, trên người chả có quần áo gì. Sau mới biết, đồng chí này bơi khá, chủ quan không bám vào bè mảng nên bị sóng nước cuốn về phía hạ lưu khá xa. Anh vật lộn với sóng nước, lên bờ thì đơn vị đã di chuyển nên vội vã đuổi theo, may là tìm được đơn vị”.   

Trên đường hành quân, đơn vị cử một tổ trinh sát đi trước. Tổ trinh sát đã bắt được một lính địch đào ngũ. Qua khai thác, ta nắm thêm được tình hình địch và hành quân, hoàn thành nhiệm vụ bao vây địch trước khi trời sáng.

Đồn Pa Lay là một trong những cứ điểm trong hệ thống phòng ngự của địch, nhằm ngăn chặn quân ta tiến công ra Mộc Châu, Sơn La và Đường số 6. Lực lượng địch đồn trú có một đại đội lính lê dương, chủ yếu là người Maroc và một đại đội lính ngụy, do một tên quan ba Pháp chỉ huy. Cứ điểm của địch xây dựng trên quả đồi rộng, có nhiều lô cốt, hầm ngầm, cùng hệ thống hào hình vòng tròn, xung quanh bố trí hàng rào dây thép gai và các bãi mìn, vật cản nổ. Để tiêu diệt đồn Pa Lay, Trung đoàn 141 sử dụng hai tiểu đoàn tiến công. Tiểu đoàn 11 ở hướng chủ yếu; Tiểu đoàn 16 ở hướng thứ yếu, nhưng có nhiệm vụ đánh vào cổng chính đồn để thu hút địch. Tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ dự bị, sẵn sàng đánh viện binh của địch.

4 giờ ngày 20-11-1952, Trung đoàn 141 ra lệnh nổ súng. Các hướng tiến công, bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm, song địch dựa vào công sự, hỏa lực, chống trả quyết liệt. Ông Tài đi cùng Đại đội trưởng Bạch Đăng Hội, chỉ huy mũi tiến công đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ phần lớn cứ điểm, địch co cụm chống cự. Bộ đội gọi địch đầu hàng bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Trước sức tiến công mãnh liệt và kêu gọi đầu hàng với chính sách khoan hồng, số quân địch sống sót còn lại buộc phải đầu hàng. Ta bắt được tên quan ba Pháp là Borile, chỉ huy đồn Pa Lay, cùng nhiều tù binh, thu toàn bộ vũ khí, chiến lợi phẩm của địch. Trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

Việc làm chủ Pa Lay đã khích lệ bộ đội chiến đấu, tạo điều kiện cho Đại đoàn 312 tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trên giao, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

XUÂN GIANG