Tháng 12-2011, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Tu Vũ, chúng tôi cùng các cựu chiến binh (CCB) từng tham gia trận đánh lịch sử năm nào có dịp hành quân về xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ thăm lại chiến trường xưa. Cảnh sắc nơi đây đã biến đổi nhiều nhưng những dấu ấn về trận đánh vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các CCB.
Đứng bên chứng tích năm xưa, chỉ tay về hướng con sông chảy qua trước mặt, Đại tá Đỗ Hạp, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 88 (cư trú ở quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Tu Vũ là cứ điểm nằm bên tả ngạn sông Đà, trên đường liên tỉnh Hòa Bình-Phú Thọ ở bình độ 20. Vị trí này dài khoảng 300m, chiều ngang hẹp, địa hình bằng phẳng. Cứ điểm Tu Vũ khá kiên cố, do tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc số 1 (1/2è RTM) được tăng cường một đại đội thuộc tiểu đoàn ngụy Mường số 6, một phân đội tăng thiết giáp chiếm đóng”.

leftcenterrightdel

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 Tu Vũ.  Ảnh: TUẤN TÚ

 

Ngày 1-12-1951, Tổng Quân ủy họp mở rộng thông qua kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Hòa Bình. Sau khi thảo luận cân nhắc, Tổng Quân ủy quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cụm căn cứ Tu Vũ-Núi Chẹ, đồng thời đánh địch vận chuyển trên sông Đà. Nhiệm vụ mở màn chiến dịch được trao cho Đại đoàn 308. “Mặc dù Trung đoàn 88 vừa không thành công trong trận Chùa Cao (Chiến dịch Hà Nam Ninh) nhưng nhận định đơn vị đã được rèn luyện nhiều trong đánh công kiên nên đại đoàn vẫn tin tưởng sử dụng đơn vị chúng tôi tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ”, Đại tá Đỗ Hạp nhớ lại.
Là người có mặt tại Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ trực tiếp do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao, Đại tá Đỗ Thế Nhân, nguyên Trưởng tiểu ban tác chiến Trung đoàn 88 (cư trú ở ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội) kể: “Khi giao nhiệm vụ, Đại tướng căn dặn: Trận đầu phải thắng, chỉ được thắng! Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhưng phải quyết tâm vượt qua, vượt qua được thì trung đoàn sẽ trưởng thành. Trung đoàn trưởng Thái Dũng báo cáo lực lượng đã đủ, có sự phối thuộc của một liên đội pháo 75mm, chỉ cần chọn đúng điểm đột phá. Còn Chính ủy Đặng Quốc Bảo khẳng định với Đại tướng, đơn vị đã làm tốt công tác tư tưởng. Lần trước, trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được Tổng Quân ủy chọn mở màn chiến dịch nên bộ đội rất phấn khởi”.
Phương án đề ra là tấn công Tu Vũ theo chiều ngang với các phân khu A-B-C. Như vậy, ta sẽ chia cắt địch khiến chúng không thể hỗ trợ được cho nhau: Tiểu đoàn 29 đột phá chính diện (khu A), Tiểu đoàn 23 mũi thứ yếu (khu B), Tiểu đoàn 322 (khu C) mũi phối hợp đến giờ G cùng lúc tấn công. 17 giờ ngày 10-12-1951, Trung đoàn trưởng Thái Dũng hạ lệnh cho các đơn vị xuất phát vào chiếm lĩnh trận địa. Do địa hình trống trải, có nhiều đường ngang tắt, đội hình hành quân vào chiếm lĩnh trận địa bị ùn tắc. Khoảng 20 giờ, bộ phận sơn pháo 75mm và cối 82mm gặp địch phục kích. Đội hình tiến quân của trung đoàn đã bị lộ khi chưa vào đến vị trí xuất phát tiến công. Pháo binh của địch từ các căn cứ ở Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp, Đan Thê dồn dập bắn tới mỗi lúc một mạnh trong khi hỏa lực của chúng từ trong cứ điểm cũng kháng cự quyết liệt, tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Cả trung đoàn bị “phơi lưng” dưới làn pháo dày đặc của địch. Đường dây liên lạc liên tiếp bị đạn pháo địch làm đứt, mạng thông tin hữu tuyến không bảo đảm được từ 19 giờ đến 22 giờ phải dùng liên lạc chạy chân. Tình hình vô cùng khó khăn. Dưới những làn hỏa lực ác liệt của pháo binh địch, các cán bộ ở Sở chỉ huy trung đoàn đã được cử đến các đơn vị để tăng cường chỉ huy và củng cố lại đội hình: Trung đoàn phó Nam Hà xuống đơn vị sơn pháo 75mm; đồng chí Hoàng, Phó tiểu ban tác chiến xuống Tiểu đoàn 23 để thay thế Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh...

leftcenterrightdel

Tượng đài chiến thắng Tu Vũ được đầu tư xây dựng và khánh thành cuối năm 2017. Ảnh: ĐỨC SỸ

 

Với tinh thần anh dũng, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn quyết tâm tiếp cận mục tiêu, triển khai lực lượng, hình thành thế bao vây, cắt gỡ hàng rào dây thép gai, dùng hỏa lực chế áp quân địch, thọc sâu chia cắt tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch. CCB Ngô Tiến Rạng, nguyên Trung đội phó Trung đội 5, Đại đội 227, Tiểu đoàn 322 (cư trú ở Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) kể: “Khi còn cách hàng rào dây thép gai khoảng 200m có khả năng tiếp cận thuận lợi nên dù bị lộ, chúng tôi vẫn vừa đào công sự vừa vọt tiến. Khoảng 22 giờ, anh em vượt qua khoảng cách đó vào chiếm lĩnh trận địa nhưng không liên lạc được với trung đoàn. Chờ đến 23 giờ 5 phút, do hỏa lực của địch quá dữ dội, đồng chí Nam Hà lúc đó là Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng hạ lệnh cho Tiểu đoàn 322 nổ súng tiêu diệt địch ở khu C. Địch phản kích, bị tiêu diệt một số, số còn lại bỏ chạy sang khu A và khu B. Tiểu đoàn 322 đã làm chủ hoàn toàn khu C nhưng phải đến một giờ sau thông tin liên lạc thông suốt mới nhận được lệnh phát hỏa của trung đoàn”.

Đến 4 giờ ngày 11-12-1951, Trung đoàn 88 hoàn toàn làm chủ cứ điểm Tu Vũ, mở “cánh cửa thép” để đại quân ta vượt sông Đà, bao vây tiêu diệt địch ở Hòa Bình. Đại tá Đỗ Thế Nhân nhớ lại, chỉ hai ngày sau chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân đến trinh sát lại trận địa và nghiên cứu tình hình. Trung đoàn 88 thất bại ở Chùa Cao nhưng lần này đã vượt qua lưới lửa bắn chặn, giành chiến thắng. Nói về trận đánh, sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết “Chiến thắng Tu Vũ ngày 10-12-1951 là trận công kiên lớn mở đầu thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình, góp nhiều kinh nghiệm quý cho các trận đánh, các chiến dịch tiếp sau”.

SONG THANH