Tháng 10-1961, sau khi tốt nghiệp khóa 11 (1958-1961) ngành Thông tin liên lạc, Trường Sĩ quan Lục quân, tôi được nhà trường giữ lại, bồi dưỡng để trở thành giáo viên-Thiếu tá Nguyễn Đình Cát (sinh năm 1933, hiện trú tại thôn An Điền Xuân, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) mở đầu câu chuyện. Gần 3 năm trợ giảng, hướng dẫn học viên thực hành, dẫn học viên đi thực tập, thực tế ở đơn vị trước khi thi tốt nghiệp, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhà trường tặng giấy khen.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đình Cát.

Tháng 8-1964, sau khi hoàn thành đợt hướng dẫn học viên khóa 12 đi thực tế, tôi được Ban giám hiệu nhà trường điều động về Tiểu đoàn 5, bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội 4. Đây là "trung đội quốc tế" gồm các học viên người Campuchia, tập kết ra miền Bắc học tập. Học viên của nước bạn đều là cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, du kích, sang Việt Nam từ năm 1954, theo Hiệp định Geneva. Các học viên đã có thời gian học văn hóa và tiếng Việt, rồi chuyển về đào tạo sĩ quan khóa 13, Trường Sĩ quan Lục quân. Trung đội 4 có 3 tiểu đội, Ban chỉ huy Trung đội 4 gồm tôi là Trung đội trưởng; đồng chí Thiếu úy Lamlay (người Campuchia) là Trung đội phó; các đồng chí Thanh Korut, Danh Non, Kim Sumon là học viên kiêm chức Tiểu đội trưởng. Tôi được chỉ định là Bí thư chi bộ.

Dù có nhiều năm học tập văn hóa ở Việt Nam nhưng do nhớ quê hương và còn cách trở ngôn ngữ nên ban đầu các học viên tiếp thu bài giảng rất chậm. Học môn thu phát báo vụ, tôi phải kèm cặp từng học viên rất vất vả. Học viên phải nắm vững kỹ thuật thu phát báo, thuần thục tín hiệu, ký hiệu chữ cái, chữ số. Khi một số học viên thu phát báo đạt tốc độ từ 50 đến 60 chữ/phút, tôi chuyển các học viên đó đến lớp dạy tốc độ thu phát cao hơn của nhà trường và tiếp tục kèm các đồng chí còn lại. Vất vả, nhưng nhiệm vụ trên giao quan trọng và xác định trách nhiệm, góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nên tôi ngày đêm cố gắng, giúp các học viên hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Sang năm học thứ hai, các học viên Campuchia đã có nhiều tiến bộ. Thật vinh dự là vào tháng 12-1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm Trường Sĩ quan Lục quân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành thời gian đến thăm lớp học của trung đội người Campuchia của tôi. Khi Đại tướng đến, đi cùng là đồng chí Hiệu trưởng Bằng Giang, tôi đang hướng dẫn lớp học thu phát tín hiệu nâng cao. Tôi bước đến chào báo cáo Đại tướng. Sau đó, Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình lớp học, về các học viên bạn, động viên chúng tôi nỗ lực khắc phục khó khăn để giúp bạn đào tạo nên những cán bộ có chuyên môn giỏi...

Quản lý và hướng dẫn học viên nước bạn Campuchia, tôi có nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ một lần vào thứ bảy, ngày 8-12-1963, đã 10 giờ đêm mà các học viên còn tụ tập uống rượu. Tôi lựa lời nói với Trung đội phó Lamlay khuyên các đồng đội đi ngủ để giữ kỷ luật và trật tự chung. 

Hôm sau sinh hoạt trung đội, tôi phân tích, giảng giải về trách nhiệm của các học viên trong học tập vì đất nước, vì cách mạng Campuchia. Ly Samuon, một học viên của lớp đến bên tôi thổ lộ: "Đồng chí ở với anh em chúng tôi vất vả quá. Chúng tôi thấy buồn vì đã để đồng chí phê bình, nhắc nhở và hứa sẽ phấn đấu để khắc phục khuyết điểm, học tập đạt kết quả tốt nhất".

Sau lần ấy, các bạn học viên Campuchia có ý thức sinh hoạt và học tập tiến bộ hơn. Khi bế mạc khóa học, chúng tôi vinh dự được đón đồng chí Achar Mean (Sơn Ngọc Minh), Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer (Campuchia) đến dự và nói chuyện. Chủ tịch Achar Mean bày tỏ sự cảm ơn đến nhà trường và chúng tôi đã huấn luyện, đào tạo những hạt giống đỏ cho cách mạng Campuchia. Còn tôi rất hạnh phúc sau những vất vả ở "trung đội quốc tế", góp công sức nhỏ bé của mình cho cách mạng Campuchia và vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU