QĐND - Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Trường Sĩ quan Lục quân đóng ở Soi Mít, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trường đang huấn luyện thì máy bay giặc Pháp đến bắn phá suốt ngày. Cạnh đó, nước sông Công dâng cao, lương thực đã cạn, chỉ còn đủ 2 tháng. Để bảo toàn lực lượng và đào tạo cán bộ cho thời kỳ Tổng phản côngsắp tới, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương quyết định đưa trường sơ tán sang Trung Quốc.

Sau khi được bạn đồng ý và hứa hết lòng giúp đỡ, ngày 1-6-1950, nhận lệnh của Bác, toàn bộ cán bộ, học viên, nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân khẩn trương hành quân sang Trung Quốc. Chiếu trên bản đồ, theo đường chim bay, nơi sơ tán chỉ cách Soi Mít, Thái Nguyên 300km. Nhưng phải trèo đèo, lội suối, nhiều chỗ phải tránh địch nên chặng đường hành quân lên tới gần 400km.

Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn. Ảnh: Nguyễn Đình

Trường đóng quân tại Nghiên Sơn, thuộc Côn Minh, tỉnh lỵ Vân Nam, một vùng căn cứ kháng chiến của Trung Quốc, địa bàn rất quan trọng tiếp giáp biên giới Trung - Việt. Lúc này quân Tưởng đã chạy ra Đài Loan, ta và bạn phối hợp truy quét hàng triệu tên thổ phỉ và lũ đặc vụ Quốc dân đảng. Đêm đêm, bộ đội ta phải canh gác cẩn mật đề phòng bọn đặc vụ phản động. Có đêm, chúng nổ súng bắn thủng chiếc kẻng thông hiệu của đơn vị.

Sơ tán sang Trung Quốc, Trường Sĩ quan Lục quân tổ chức thành một trường tổng hợp. Trường Lục quân Quảng Ngãi, Trường Pháo binh, một số trường quân chính cũng được sáp nhập vào. Có thể nói, nhà trường bây giờ đã chuyển một bước lớn về chất, từ huấn luyện đánh du kích và chiến thuật bộ binh đơn thuần với súng trường, bao gạo sang tác chiến binh chủng hợp thành. Đây cũng là lần đầu tiên toàn quân tổ chức lại quân đội. Nhiệm vụ của nhà trường là huấn luyện cán bộ toàn quân tập trung về học thống nhất chính quy, có điều lệnh. Chỉnh huấn cho các tiểu đoàn lục quân, cán bộ sơ, trung cao cấp. Nhà trường đào tạo cả thể công, văn công, quân nhạc. Văn công, thể công lấy nòng cốt của Pháp để lại. Thể công không chỉ có đá bóng mà tập luyện các môn khác để rèn luyện thể lực, với tinh thần "Khỏe để chiến đấu thắng lợi". Đội kèn khố xanh của Pháp do ta cảm hóa nay làm nòng cốt để đào tạo quân nhạc.

 

Gọi là tổng hợp bởi khóa này tập hợp nhiều lực lượng, kể cả lực lượng bán vũ trang; cải tạo thành phần sĩ quan Pháp. Đạo Cao Đài, Hòa Hảo hoạt động trong Nam có cả một đội quân để bảo vệ đạo và lãnh địa của họ. Được ta cảm hóa, một số sĩ quan đạo Cao Đài, Hòa Hảo cũng chịu gian khổ, vượt rừng núi sang Vân Nam học quân sự. Một số sĩ quan Pháp về với ta cũng có mặt tại Vân Nam. Đáng chú ý có quan ba Thụ, lãnh đạo lính khố đỏ của Pháp; Vũ Hiển được Pháp đưa vào đào tạo tại trường sĩ quan Xanh-xuya. Khi về với cách mạng, ta tận dụng trình độ quân sự, tạo điều kiện để họ cống hiến cho Tổ quốc. Trương Cao Phong, quan hai của đoàn quân Ba Viên chạy loạn sang Trung Quốc, khi ta giành chính quyền, họ theo cách mạng, tình nguyện đứng về hàng ngũ ta cùng đánh Pháp. Hay nhất, độc đáo nhất là ta sử dụng những sĩ quan được Pháp đào tạo, bởi họ biết về quân sự. Hầu hết trước khi về với ta họ mới cấp úy, sau này nhiều người đã lên đến cấp đại tá như Vũ Hiển, giữ chức Tham mưu trưởng Liên khu 3.

 

Trong số cán bộ, học viên có khá nhiều văn nghệ sĩ. Nhà văn Văn Phác; các nhạc sĩ Doãn Quang Khải, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trọng Loan, Xuân Khoát; họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ; ca sĩ Kiều Miên, Tường Vy. Kiều Miên là nữ ca sĩ của Đài Phát thanh Đông Nam Á được giác ngộ, xin về với cách mạng.

 

Ngày 30-9-1950, đồng chí Lê Thiết Hùng, Hiệu trưởng cùng tôi là Hiệu ủy viên, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 lên Quân khu Tây Nam họp bàn kế hoạch thành lập bộ khung huấn luyện hỗn hợp Việt Nam - Trung Quốc để huấn luyện chính quy các binh chủng hợp thành; thông báo quyết định của Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ nhà trường thành lập các trạm để học viên vận chuyển vũ khí về nước.

 

Giữa lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: Họ dạy cái gì cứ học. Học sống, vận dụng chết. Tức là dạy gì học nấy, nhưng vận dụng có chọn lọc theo cách của ta, không sợ giáo điều.

 

Ngày 23-10-1950, nhà trường tổ chức mít tinh trọng thể, khai giảng lớp học đầu tiên. Từ trên Đoàn chủ tịch nhìn xuống, tôi thấy 5 tiểu đoàn học viên xếp thành từng khối thống nhất và đẹp mắt. Khí thế bộ đội lên rất cao, ai cũng mong học tập thật tốt để về đánh Pháp, lập nhiều chiến công dâng lên Bác Hồ kính yêu.

 

Sau 6 tháng huấn luyện, đào tạo, khóa 6 làm lễ tốt nghiệp. Số cán bộ tốt nghiệp khóa 6 được bố trí cho các sư đoàn tham gia chiến dịch Đông Xuân - Tây Bắc. Xong một khóa, các thủ trưởng nhà trường họp rút kinh nghiệm, thấy học 6 tháng ít quá. Thế là từ khóa 7 tăng lên 1 năm. Đặc biệt là chính trị, khóa 6 có 16%, từ khóa 7 có 46%. Thời gian học quân sự, chính trị được nâng lên. Vì chiến trường của ta gian khổ, phức tạp, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể chiến đấu được. Còn quân sự ngoài chiến thuật đánh công kiên, còn học tác chiến binh chủng hợp thành cấp chiến dịch; tăng thời gian thực hành dã ngoại. Có một kỷ niệm đến nay tôi vẫn nhớ, chính là sau các đợt học tập chính trị, Doãn Quang Khải, học viên khóa 6 đã sáng tác bài hát: Vì nhân dân quên mình. Ngay lập tức, bài hát được phổ biến rộng rãi trong toàn trường.

 

Tình hình kháng chiến trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ. Chiến trường đang cần gấp cán bộ, nhất là sĩ quan chỉ huy, thế là khóa 7 dự kiến học 1 năm nay rút xuống còn 6 tháng. Khóa 8 vừa mới khai giảng thì ta mở Chiến dịch Tây Bắc, nên cũng phải rút ngắn để kịp tham gia Chiến dịch Tây Bắc - Điện Biên.

 

Giữa lúc tình thế khẩn trương thì nhà trường nhận được bức thư của Hồ Chủ tịch. Bác viết:

 

“Thu Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn lại đang bị giặc đè nén.

 

Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to, Bác rất vui lòng.

 

Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.

 

Quyết tâm tiêu diệt địch,

 

Quyết tâm giữ vững chính sách,

 

Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi.

 

Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.

 

Thư của Bác làm chúng tôi phấn chấn, ai cũng mong muốn được về sớm nhất để tham gia chiến dịch.

 

Số cán bộ 2 khóa 6, 7 ra trường được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí về nước. Súng bộ binh thì bộ đội mang vác, còn một số pháo 105mm phải tháo ra, bao gói. Bộ đội ta lên rừng khai thác tre vầu, bí mật đóng bè, cho pháo lên rồi chuyển theo dòng sông về Điện Biên Phủ an toàn.

 

Có thể nói, Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi hẹn hò, nơi hội tụ của các cán bộ ưu tú Trường Sĩ quan Lục quân. Các thủ trưởng nhà trường Lê Thiết Hùng, Trần Tử Bình đều nhận nhiệm vụ ra mặt trận Điện Biên. Đồng chí Đàm Quang Trung, Tiểu đoàn trưởng lớp trung sơ cấp về nước nhận nhiệm vụ Đại đoàn phó Đại đoàn 312.

 

Ngày 6-4-1954, tôi được giao nhiệm vụ đưa chuyên gia pháo binh và học viên khóa 8 rút ngắn thời gian huấn luyện về bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là đợt bổ sung thứ ba. Mệnh lệnh của Tổng cục Chính trị kèm theo lá thư đồng chí Lê Thiết Hùng yêu cầu đưa ngay chuyên gia pháo binh và học viên khóa 8 về gấp chiến dịch, nếu chậm mùa mưa ập đến nước ngập hết chiến hào thì cả ta và địch cũng phải chết. Vì tình hình gấp nên tôi cùng mấy chuyên gia, học viên khóa 8 được đi máy bay Đa-cô-ta từ Vân Nam đến Nam Ninh, sau đó đi xe lửa rồi chuyển đến trạm xe Việt Nam, có ô tô đón đoàn về Tổng cục Chính trị đang đóng quân dưới một cánh rừng đại ngàn.

 

Đồng chí Trần Nam Trung, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gặp Đoàn, anh giao cho tôi tiếp đoàn chuyên gia. Tôi đến gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đi cùng anh Thanh đến chỗ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi báo cáo ngắn gọn tình hình đào tạo cán bộ ở Vân Nam, việc vận chuyển về nước phục vụ chiến dịch. Đại tướng rất vui, khen ngợi Ban chỉ huy nhà trường năng động và sáng tạo. Đại tướng gọi cấp dưỡng đến chuẩn bị chiêu đãi khách đúp-ra-sông (tiếp Pháp, nghĩa là gấp đôi). Cấp dưỡng rất mừng vì vừa có con ngựa bị hổ vồ. Bữa ăn hôm ấy có rá cơm đầy do được tăng gấp đôi, nấu bằng gạo đỏ. Thịt ngựa được anh nuôi chế biến nhiều món. Đại tướng mời mọi người vào bàn. Tiếng nói cười vang lên dưới tán rừng Mường Phăng.

 

Tại Sở Chỉ huy chiến dịch, tôi được bố trí làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về bố trí chuyên gia, sắp xếp cán bộ cho các sư đoàn chiến đấu Điện Biên Phủ; lập kế hoạch vận chuyển vũ khí, đặc biệt là pháo binh, cơ giới và tham gia hội nghị sơ kết đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Từ cuối tháng 4-1954, tình hình chiến dịch đi vào giai đoạn ác liệt. Tuy ta đã giành được thế chủ động trên các hướng, các mũi tiến công nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Sở Chỉ huy căng như sợi dây đàn. Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, nhiều khi chỉ kịp ăn qua loa. Đặc biệt là thiếu ngủ. Đại tướng làm việc suốt ngày đêm, họp liên miên, có cuộc kéo dài đến 12 giờ đêm mà vẫn chưa nghỉ. Nhìn gương mặt gầy với đôi mắt sâu vì thiếu ngủ của Đại tướng, chúng tôi rất thương.

 

Chiều 7-5-1954, đồng chí Đàm Quang Trung, Đại đoàn  phó Đại đoàn 312 điện báo với anh Giáp:

 

-  Báo cáo Tổng Tư lệnh, Đờ Cát đã đầu hàng.

 

Tay vẫn cầm ống nghe, Đại tướng cẩn thận hỏi lại:

 

- Đã sờ được lon chưa? 

 

Tiếng đồng chí Đàm Quang Trung nói như reo:

 

- Sờ được rồi!

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong chiến công oai hùng ấy, có sự đóng góp của cán bộ, học viên, nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân.

NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG (Theo lời kể của Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn)