Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội), đến tuổi trưởng thành, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông Dương Viết Cầu xung phong nhập ngũ và được biên chế về Tổ ấn loát (Phòng Mật mã, Bộ Tổng Tham mưu), làm nhiệm vụ dịch mật mã phục vụ các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp.

Tổ ấn loát có 3 người, đóng quân tại nhà ông Dương Văn Đôn, người dân tộc Tày, ở bản Lanh, xã Phượng Vĩ Hạ (nay là xã Kim Phượng), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, một cơ sở cách mạng tại địa phương. Hầu hết các gia đình trong bản Lanh đều nghèo, cuộc sống đạm bạc, thức ăn hằng ngày chủ yếu là ngô, khoai, sắn... nhưng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Gia đình ông Dương Văn Đôn cũng không ngoại lệ. Khi tôi hỏi ông chăn sui là gì và vì sao lại có tên gọi đó, ông Cầu bảo: “Chăn được làm từ vỏ cây sui (có nơi gọi là cây cọng). Cây sui được trồng ở vùng rừng núi Việt Bắc, có thân to và cao. Sui là loại cây gỗ tạp, vỏ to dày, trong vỏ cấu tạo rất nhiều lớp xơ như những sợi chỉ quấn chặt nhau tạo nên độ xốp lớn. Thân cây sui có nhiều nhựa trắng như sữa và có độc, người xưa đã dùng loại nhựa này để tẩm vào tên dùng đánh giặc và săn thú. Trong kháng chiến chống Pháp, nước ta còn rất nghèo, làm gì có chăn bông, chăn len, chăn dạ như bây giờ. Đồng bào Việt Bắc để giữ sức khỏe và chống chọi với cái rét khắc nghiệt nơi núi rừng đã dùng vỏ cây sui làm thành những tấm chăn đắp. Vì nhựa cây sui độc nên các loại côn trùng rất sợ mùi của chăn sui, vì thế bộ đội ta yên tâm có giấc ngủ ngon mà không sợ các loại côn trùng cắn, đốt”.

leftcenterrightdel
Chiếc chăn sui được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: PHẠM HÀ 

Tận mắt chứng kiến quá trình làm ra một chiếc chăn sui, ông Cầu không khỏi cảm phục sự tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa của đồng bào Tày. Để làm được một tấm chăn sui phải rất kỳ công. Người dân vào rừng chọn cây sui to, thẳng, cỡ hai vòng tay ôm, sau đó ngả xuống và cắt lấy đoạn đẹp nhất dài chừng 2m hoặc hơn mang về chôn thẳng đứng giữa sân đất, phần gốc ở trên, phần ngọn xuống dưới, sau đó dựng giàn giáo xung quanh và dùng búa gỗ để đánh chăn sui. Đây là công việc hết sức vất vả, cực nhọc, lại đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo và thận trọng để tránh nhựa cây sui. Người dân thường tự chế một loại kính bằng vải màn để bảo vệ đôi mắt. Khi phần thịt vỏ cây bị loại ra hết, người ta dùng dao hoặc kéo cắt dọc thẳng đứng từ trên xuống dưới phần xơ, rồi đem ra suối giặt cho hết nhựa và phơi khô hẳn rồi cuộn ngược, cuộn xuôi nhiều lần cho mềm, phủi sạch bụi mới có một tấm chăn sui màu trắng ngà rất ấm, dài 2m, rộng khoảng 1,8m, đủ cho hai, ba người đắp.

Những năm kháng chiến chống Pháp, quân trang cho bộ đội rất hạn chế, chỉ được cấp phát chăn chiên Nam Định và cũng phải 2 đến 3 người đắp chung một chiếc. Bộ đội ta đi công tác thường vào nhà dân ngủ nhờ. Ủng hộ cách mạng, thương yêu Bộ đội Cụ Hồ, bà con không ngần ngại nhường chăn sui cho bộ đội đắp, bảo đảm giấc ngủ ấm áp giữa núi rừng giá lạnh. Có nơi, nhân dân còn tặng bộ đội tấm chăn sui, nhưng thường thì anh em cảm ơn và xin gửi lại để khi nào có dịp quay về sẽ lại được “đắp cùng” chứ không dám nhận.

Ngày 30-4-1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới bản Lanh giao nhiệm vụ cho Tổ ấn loát của ông Cầu. Lần ấy, không may Đại tướng bị sốt rét, phải nghỉ lại qua đêm tại gia đình ông Dương Văn Đôn. Ông Đôn đem chiếc chăn sui của gia đình đắp cho Đại tướng đến khi qua cơn sốt và trở lại an toàn khu tiếp tục chỉ đạo các chiến dịch. Sau đó, ông Đôn kiên quyết tặng chiếc chăn cho Tổ ấn loát. Và họ đã sử dụng chiếc chăn này trong những mùa đông từ năm 1952 đến 1954. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô, vì đơn vị đóng quân gần nhà ông Cầu nên Tổ ấn loát giao chiếc chăn sui cho ông bảo quản. Sau nhiều năm lưu giữ như một báu vật, đến năm 2005, ông Cầu đã tặng lại Bảo tàng Hậu cần quân đội chiếc chăn sui làm hiện vật trưng bày.

TRẦN THỊ SÂM (Phó giám đốc Bảo tàng Hậu cần)