Ký ức một vùng chiến địa 

Hòn Đất là một “địa chỉ đỏ” trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc cả hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, giai đoạn 1969-1975, địch thường xuyên bổ sung lực lượng, đồn trú nơi đây hàng chục nghìn tên (gồm Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, các liên đoàn biệt động, bảo an, dân vệ ngụy...). Chúng lập ấp, dồn dân, tăng cường càn quét. Sau Hiệp định Paris (năm 1973), Mỹ-ngụy xây dựng nhiều căn cứ kiên cố trên toàn vùng, nhằm khống chế, kiểm soát mọi hoạt động của ta.

Vào thời điểm đó, bộ đội địa phương được củng cố, phát triển mạnh và được bổ sung quân từ miền Bắc vào, không ngừng mở rộng phạm vi chiến đấu, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động chiến đấu hiệu quả của Tiểu đoàn Đặc công Z28B (phiên hiệu A11), Sư đoàn 1 (thành lập tháng 7-1969 tại biên giới Tây Ninh-Campuchia), cấp tốc huấn luyện, bổ sung kịp thời cho Khu 9, phối thuộc với lực lượng Tỉnh đội Long Châu Hà, hoạt động khắp vùng An Giang, Kiên Giang ngày nay và địa bàn biên giới Campuchia.

leftcenterrightdel

Những dòng nhật ký anh Hùng để lại trước lúc hy sinh. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Khu vực này có tính chất địa bàn phức tạp, các đồn bốt địch đóng dày đặc tại các vị trí yết hầu, quan trọng như đồn Kênh 5, Kênh Mới, Lình Huỳnh, Vàm Rầy, Ba Xoài, Núi Đất, Hang Hòn, căn cứ cụm quân trường Chi Lăng (núi Cấm), căn cứ Ô Tà Sóc, Mỹ Lâm, Sóc Xoài... Trong đó, đồn Kênh 5 đóng tại xã Nam Thái Sơn, một vị trí quan trọng trong vùng rốn lũ tứ giác Long Xuyên. Tại đồn này, những tên được Mỹ đào tạo, cài cắm, khét tiếng gian ác thường xuyên lùng sục, bắt bớ, tra tấn, gây nhiều oan trái, nợ máu với nhân dân. Do đó, ta quyết tâm “nhổ bỏ” đồn Kênh 5 để mở đường cho những trận đánh lớn, giải phóng khi có thời cơ.

Cùng bộ đội địa phương, Tiểu đoàn Đặc công A11 đã tiến hành hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt, tiêu hao, bức hàng 12 tiểu đoàn, 21 đại đội địch với quân số khoảng 4.500 tên, phá hủy 14 khẩu pháo cối, 12 xe quân sự, đánh sập 4 cầu và nhiều phương tiện khác của địch, được Bộ tư lệnh Miền tặng 12 chữ vàng: “Mưu trí, dũng cảm, tự lực, tự cường, xuất quân là thắng”, Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Nợ duyên người trai Hà Nội

Liệt sĩ Đỗ Như Hùng quê thôn Nhân Trạch, xã Phú Lương, quận Hà Đông (nay là phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội), nhập ngũ tháng 12-1970, khi vừa tròn 18 tuổi. Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Quốc Ái, nguyên cán bộ Xí nghiệp Vận tải Hà Đông (đã nghỉ hưu), là đồng đội của liệt sĩ Hùng, các anh cùng nhập ngũ và huấn luyện ở Thanh Hóa, Bắc Giang 3 tháng trước khi vào Tây Nam Bộ theo đường Trường Sơn. Vào tới nơi, các anh được biên chế về Tiểu đoàn Đặc công A11, hoạt động ở vùng Long Châu Hà. Lúc ra đi, đơn vị có hơn 500 anh em, phần lớn tuổi đời rất trẻ và chưa có người yêu. Đến ngày giải phóng, toàn tiểu đoàn hy sinh 382 đồng chí, trong đó có liệt sĩ Hùng. Chị Đỗ Thị Hạnh, em gái của liệt sĩ Đỗ Như Hùng vẫn nhớ như in những kỷ niệm về anh trai mình: “Anh ấy đẹp trai, da trắng, rất hiền và thư sinh. Ngày đi học, tối về anh tranh thủ dạy chữ cho các bạn nhỏ trong thôn, ai cũng quý mến nhưng anh ấy chưa biết yêu!”.

Những năm hoạt động chiến đấu, việc đi lại, trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công A11 ở Long Châu Hà chủ yếu dựa vào dân, sống trong dân, trong đó có gia đình má Sáu Già (mẹ của 6 người con, có 3 người là liệt sĩ, chồng mẹ cũng là liệt sĩ; chị Trần Thị Nhung là con út, còn gọi là Út Nhung). Căn nhà của má Sáu giữa bưng, cách đồn Kênh 5 chừng hơn 1km, là cơ sở trú ẩn bí mật của các chiến sĩ đặc công A11. “Trung đội của anh Hùng đã ở đó. Các anh cán bộ về đây nghiên cứu tình hình và xin mẹ tôi cho đi tới về lui trong nhà. Các anh ở hầm ngoài vườn, dưới mấy rặng tre và cây cối, bờ mương nước. Hồi ấy, ám hiệu đèn dầu sáng là không có địch, nếu nhà nào cũng tắt đèn nghĩa là có địch đang lùng sục, nhòm ngó hoặc bọn chỉ điểm”, chị Trần Thị Nhung nhớ lại.

Chị Nhung kể, thời điểm đó, chị đang ở tuổi 18 đầy mộng mơ. “Lúc các anh mới đến, tôi nào để ý gì đâu! Nghe kể đặc công xuất quỷ nhập thần, đánh nhiều nơi, trong đó có đồn Vàm Rầy đêm 19-5-1973, diệt 8 tên, bắt sống 4 tên, thu nhiều vũ khí. Trận đó ác liệt lắm. Bộ đội A11 muốn lập công mừng sinh nhật Bác Hồ nên quyết tâm đánh bằng được, không để địch kịp ứng phó. Trong số các anh, người gan dạ, lì đòn nhất là anh Hùng. Tôi mến anh luôn từ hồi đó”, chị Nhung cho biết.

Khi bén duyên nhau, anh Hùng kể về quê hương miền Bắc, về phố phường Hà Nội, dự định ngày đất nước thống nhất đón chị Nhung ra chơi, mua lụa Hà Đông làm quà cho má Sáu, chị Ba Hương. “Những lúc anh em tôi cải trang đi tải gạo, làm ruộng, hái rau, bông điên điển, tôi chèo xuồng, anh Hùng ngồi thấp xuống lòng ghe. Hai chúng tôi lách qua những con rạch khi trời nhập nhoạng hoặc mờ sáng, con nước ròng là về tới bụi tre đầu nhà, chui vô hầm”, chị Nhung nhớ lại.

leftcenterrightdel

  Chị Trần Thị Nhung bên bờ Kênh 5 ở quê nhà. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

Trong niềm xúc động, chị Nhung nhớ về cái đêm oanh liệt ấy: “Để tập kích đồn Kênh 5, đơn vị anh Hùng chỉ hơn chục người thôi. Tôi thấy các anh bí mật chuyển vũ khí gấp rút, nói phải nổ súng trong đêm 22-12. Chính thằng chỉ huy đồn Kênh 5 là người xã này, đến cướp nhà cũ của chúng tôi, đuổi cả nhà vô trại. Má nhất quyết không đi. Chúng đánh đập, chửi bới, cuối cùng chúng tôi phải dời ra đám đồng bưng ngoài rìa làng”. Chị Nhung kể tiếp: “Chúng dựng nhà chỉ huy, hệ thống hàng rào, lô cốt kiên cố, đắp bao cát lên cao. Buổi tối, trước giờ các anh xuất kích, má tôi nấu cơm, mang xuống hầm cho các anh ăn. Các anh lấy nhọ nồi bôi khắp người, đắp lên mặt, chỉ mặc mỗi quần xà lỏn và ra đi. Tôi đứng ở cửa, anh Hùng đi sau cùng. Đến trước mặt, anh dừng lại dúi vào tay tôi chiếc mũ tai bèo và nói nhỏ: “Út giữ giùm anh. Sáng mai trở về anh xin lại, nhiều thứ trong đó!”.

Chừng 2 giờ sáng, súng nổ ngoài bưng. Ban đầu là những tiếng to như trái phá, liên hồi, sau là tiếng tiểu liên AK, lựu đạn. Má, chị Ba và tôi trong lòng như lửa đốt. Mờ sáng thì các anh về. Anh Bột (cha của cầu thủ bóng đá Phạm Thành Lương, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội) báo tin: “Toàn phân đội đánh rát, ta luồn sâu vào đồn mà chúng không biết. Chúng tháo chạy ra ngoài tán loạn. Lực lượng chúng đông, lại có ứng cứu chi viện và phản công mạnh nên ta không hạ được đồn, phải nhanh chóng rút ra”. Lúc đó thiếu hai người là anh Hùng và anh Hưng. Anh Hùng bị mảnh đạn găm vào ngực, bò được ra rặng tre ngoài bưng để rút nhưng không kịp, anh kiệt sức và hy sinh tại đó. Còn anh Hưng hy sinh tại đầu lô cốt địch. Sáng hôm sau, lũ ác ôn định buộc thi thể các anh vào xuồng máy bêu quanh mấy con rạch để thị uy, nhưng má và chị em tôi đấu tranh, đòi thưa lên cấp trên, chúng không dám nữa nhưng đòi thế nào chúng cũng không trả xác. Sau hai ngày, má con tôi bí mật ra bới về chôn trong vườn nhà mình. Sau giải phóng, mộ các anh được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Thái Sơn; năm 1983 được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Hòn Đất. Cuối năm 2008, theo nguyện vọng của cụ Trần Thị Tư (mẹ anh Hùng), phần mộ của anh được chuyển về yên nghỉ tại quê nhà”.

Đưa anh về quê nhà

Với sự giúp đỡ tận tình của chị Út Nhung, chị Ba Hương cùng đồng đội và gia đình, sau 3 lần chuyển chỗ nằm là hành trình gần 2.000km đưa anh Hùng từ Hòn Đất ra Hà Nội. Chiều 15-12-2008, liệt sĩ Đỗ Như Hùng được truy điệu, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Anh Phạm Thành Út, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công A11, đồng đội của liệt sĩ Hùng, chồng của chị Nhung, cho biết: “Lo sau này chúng tôi không còn nữa, trong khi tâm nguyện gia đình liệt sĩ muốn đưa anh về quê mà không toại nguyện thì có tội với vong linh anh và gia đình, quê hương, bởi vậy, dù khó khăn nhưng chúng tôi cùng gia đình vẫn cố gắng cất bốc hài cốt để đưa anh về quê hương”.

Chúng tôi thực sự cảm mến, xúc động trước nghĩa tình của gia đình má Sáu, chị Út Nhung, chị Ba Hương, những người con dũng cảm, kiên cường bám trụ chiến đấu vì mảnh đất quê hương và luôn coi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội như con em trong nhà, đùm bọc, yêu thương, che chở, chăm lo khi sống và bảo vệ, giữ gìn phần mộ khi hy sinh. Chuyến trở về của liệt sĩ thêm thắt chặt tình quân dân cá nước, thấm đẫm ân tình của gia đình chị Nhung. Hình ảnh người trai Hà Nội và tình yêu vừa chớm nở trong trái tim thôn nữ miệt vườn mãi đẹp và tươi nguyên như nét mực nắn nót trong những dòng nhật ký anh để lại: “... Dù cho đi đó, đi đây/ Làm sao quên được quê này Kênh 5...”!

NGUYỄN MINH ĐỨC