QĐND - Năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, chàng thanh niên Nguyễn Viết Dũng bước sang tuổi 19, lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị đặc công nước, trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Những đêm đông luyện tập vượt sông, cái lạnh thấm vào tận xương; khi nằm giữa bãi sình lầy cả ngày trời, mặc cho muỗi và các loài côn trùng thi nhau cắn… đã tôi luyện thêm ý chí gan dạ, bản lĩnh và tinh thần kiên cường, bền bỉ, dũng cảm của người chiến sĩ đặc công. Huấn luyện xong, ông được điều chuyển về Trung đoàn Đặc công rừng Sác. Đơn vị của ông hoạt động ở vùng Đông Nam Bộ với nhiệm vụ tham gia đánh các tàu và kho của địch để chúng không thể vận chuyển vũ khí, xăng dầu, đạn dược vào các chiến trường. Tại đây, Nguyễn Viết Dũng đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, nhiều lần đối mặt với hiểm nguy và cùng đồng đội đánh chìm 4 tàu vận tải của địch. Đồng thời, tham gia chống càn ở khu vực Đồng Nai và đánh chìm 2 tàu chiến của địch trên sông Thị Vải.

Ông Dũng vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên xung trận, vừa hồi hộp, vừa có chút lo âu giữa cảnh trời nước mênh mông, mưa quất vào mặt. Lần ấy, đồng chí Đại đội trưởng Phạm Ngọc Bảy, người đồng hương Phùng Bá Điền và ông được lệnh vượt sông vào cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu) để đánh chìm tàu địch. Ông cùng hai đồng đội nhận nhiệm vụ trinh sát, nắm rõ quy luật hoạt động, sau đó tìm cách tiếp cận tàu vận tải của địch. Chớp thời cơ địch sơ hở, ba người đẩy khối mìn hơn 100kg áp sát mạn tàu, chỗ gần khoang máy, hẹn giờ nổ và rút lui an toàn mỗi người theo một hướng. Tại nơi trú ẩn, ông Dũng hồi hộp chờ đợi... Rồi một tiếng nổ lớn làm vang động cả vùng sông nước. Lửa trùm cả mặt sông, cột khói bốc cao nghi ngút. Tiếng còi báo động hú vang, ca nô, tàu và máy bay của địch lũ lượt kéo đến nhưng đã muộn. Nhiệm vụ cấp trên giao đã hoàn thành, trở về cứ, ba chiến sĩ gặp lại nhau, nghẹn ngào.

Ông Nguyễn Viết Dũng bên những huân, huy chương được tặng thưởng.

Trầm ngâm hồi lâu, ông Dũng chia sẻ tiếp, với lính đặc công, nhất là đặc công nước phải có ý chí sắt đá, vì luôn phải hoạt động trong môi trường nguy hiểm, trong nhiều tình huống, ranh giới sống-chết rất mong manh. Địa bàn hoạt động của các chiến sĩ đặc công rừng Sác thường là trong vùng địch khống chế nên sự che chở, cưu mang của đồng bào luôn có ý nghĩa sống còn. Trong một trận đánh, do nước sông chảy mạnh, ông và đồng đội bị dạt ra cửa biển. Tại đây, ông đã bám vào một chiếc thuyền đánh cá, được chủ thuyền cho nằm sát ở đáy thuyền rồi phủ tấm dù lên che kín và chở về cứ. Ông Dũng cũng không thể nào quên kỷ niệm với vợ chồng bà Ba và ông Năm Kiệm. Cả hai đều tham gia hoạt động cách mạng, họ chiến đấu trong đội quân du kích địa phương. Lúc bụng chửa vượt mặt, bà Ba vẫn theo chồng ra cứ. Rồi bà sinh hạ một cậu bé ngay giữa cánh rừng quân ta đang trú ẩn. Cậu bé ấy được vợ chồng ông Năm Kiệm đặt tên là Dũng để bày tỏ sự ngưỡng mộ với người lính đặc công rừng Sác.

Năm 1974, ông Dũng bị thương và được chuyển ra Bắc điều trị. Thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông và các thương binh cùng ôm lấy nhau reo hò sung sướng. Rồi nước mắt chợt tuôn rơi, giờ phút ấy ông nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Trở về cuộc sống đời thường ở xóm 8, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Viết Dũng lại tích cực đóng góp tâm sức để xây dựng quê hương. Ông từng là Đội trưởng đội sản xuất, nhiều năm làm Bí thư chi bộ, hiện tại là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Xuân. Trong chiến đấu là chiến sĩ gan dạ, dũng cảm; trong làm ăn sản xuất, ông Dũng là người nhiệt tình, năng động, dám nghĩ dám làm. Dưới sự điều hành của ông, HTX làm ăn ngày càng hiệu quả với việc phát triển các loại hình dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Những dịp rảnh rỗi, ông lại vào thăm chiến trường xưa, thăm lại bà Ba, nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn kể vanh vách chuyện của mấy chục năm về trước. Và cậu bé Dũng cất tiếng khóc chào đời giữa cứ điểm chiến đấu nay đã là người đàn ông 43 tuổi. Dạo bước giữa Nghĩa trang rừng Sác, ông Dũng lại bùi ngùi nhớ về những đồng chí, đồng đội năm xưa đang yên nghỉ...

Bài và ảnh: TƯỜNG HIẾU - NGUYỄN LÊ