Sau thời gian huấn luyện, tháng 12-1971, Nguyễn Văn Yên cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được bổ sung vào Đại đội 29 (Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 117, Đoàn 27 Đặc công Miền). Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Yên được tăng cường về Đại đội 929 (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 119, Đoàn 27 Đặc công Miền) có nhiệm vụ bao vây, tiến đánh địch ở mặt trận Thủ Đức, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn.

Ông Yên nhớ lại: “Đại đội 929 của tôi được giao nhiệm vụ đánh hai căn cứ địch là đồn Bình Mỹ 1, Bình Mỹ 2 (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), là cửa ngõ phía bắc, cách trung tâm Sài Gòn 30km theo Quốc lộ 13. Đây là khu quân sự được địch bố phòng hết sức cẩn mật, được bao bọc bởi 5 hàng rào dây thép gai, dày đặc mìn cóc, mìn vướng nổ và một vành đai trắng để ngăn chặn và phát hiện sự tiếp cận của quân ta đột nhập, tấn công vào căn cứ. Dân cư vùng này thưa thớt vì bị bọn Mỹ-ngụy dồn dân vào các ấp chiến lược”.

Theo như các trinh sát đi nắm tình hình địch, mỗi đồn có từ 50 đến 60 tên. Ban ngày đi càn quét, ban đêm co cụm lại để canh phòng bảo vệ chi khu quân sự. Địch ở mỗi đồn trang bị 3 khẩu trung liên, một số súng phóng lựu M79, còn lại là tiểu liên M-16, lựu đạn... Để tiêu diệt hai mục tiêu trên, Đại đội 929 có 7 ngày làm công tác chuẩn bị. 17 giờ ngày 5-4-1975, Đại đội 929 đã có mặt tại vị trí tập kết và chuẩn bị lựu đạn, bộc phá áp sát mục tiêu địch, sẵn sàng chờ lệnh.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên và vợ tại nhà riêng. Ảnh: SONG NGUYỄN

 

Đúng 1 giờ sáng, ba phát pháo hiệu xanh vọt lên bầu trời. Cùng lúc, ông Yên và đồng đội giật chốt lựu đạn ném vào trong bốt địch. Những ánh chớp xanh lẹt, tiếng nổ vang trời, cả căn cứ Bình Mỹ rung chuyển. “Địch trong bốt bị tiêu diệt gần hết, những kẻ còn sống và bị thương sợ hãi, kêu hét thất thanh, chạy tán loạn. Tôi tiếp tục ném lựu đạn vào trong bốt địch, rồi vòng qua bên phải phối hợp với chiến sĩ B40 tiêu diệt khẩu đội trung liên của địch và nổ phá hàng rào mở đường cho bộ binh vào truy quét địch”, ông Nguyễn Văn Yên kể.

Gần 5 năm chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông Yên tham gia nhiều chiến dịch và nhiều trận đánh ác liệt. Trong trận tiêu diệt hai cứ điểm Bình Mỹ 1 và Bình Mỹ 2, Đại đội 929 lập chiến công xuất sắc, tiêu diệt gần 100 tên ngụy. Với lối đánh đặc công tinh nhuệ, bí mật, bất ngờ, luồn sâu, lót sẵn vào trung tâm chỉ huy của địch, đánh từ trong đánh ra “đánh nở hoa trong lòng địch”, ông Yên cùng đồng đội đã chia cắt đội hình địch, vô hiệu hóa lực lượng chỉ huy, làm cho địch hoang mang, suy yếu, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh từ ngoài đánh vào, tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Trận đánh thắng lợi, đơn vị của ông được cấp trên khen ngợi, chiến sĩ Nguyễn Văn Yên được tặng bằng khen. Sau đó, đơn vị được lệnh cơ động về Thủ Đức để tiến đánh căn cứ của địch ở Sài Gòn. Quá trình vừa hành quân, vừa chiến đấu với quân địch, ông Yên bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị.

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1977, ông được đơn vị cử đi học. Tốt nghiệp ra trường, ông được điều về công tác tại Trường Sĩ quan Chính trị (nay là Trường Đại học Chính trị). Năm 1979, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại xung phong ra trận. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 1999, ông được quân đội cho nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

Về với cuộc sống đời thường, nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Thương binh tàn nhưng không phế”; từng được rèn luyện qua lửa đạn chiến tranh, nghị lực và quyết tâm được cống hiến cho xã hội trong ông lại bừng cháy. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn gan dạ, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, ông được người dân tin yêu, quý trọng bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Ân, xã Văn Tố. Từ năm 2009 đến nay, ông tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Văn Tố. Trên cương vị Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB xã, ông đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, góp phần xây dựng Hội CCB xã Văn Tố ngày càng vững mạnh; tập thể và cá nhân CCB Nguyễn Văn Yên được Hội CCB tỉnh Hải Dương, UBND huyện và Hội CCB huyện Tứ Kỳ tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

NGUYỄN THANH