Thung lũng Vít Thù Lù nằm ở phía tây tỉnh Quảng Bình, nơi có địa hình hiểm trở, bao quanh là núi cao, rừng già. Tháng 9-1959, mưa lớn, nước lũ tràn về chia cắt địa hình khiến các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực này bị cô lập. Việc tiếp tế trên bộ gặp rất nhiều khó khăn, không thể tiếp cận được vị trí các đơn vị mắc kẹt trong vùng lũ. Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng lực lượng không quân tiếp tế.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Trần Nam kể lại kỷ niệm những chuyến bay cứu hộ ở thung lũng Vít Thù Lù (Quảng Bình).

Do yêu cầu nhiệm vụ khẩn trương, Cục Không quân và Trung đoàn 919 quyết định sử dụng sân bay Đồng Hới làm căn cứ trung chuyển đến thung lũng Vít Thù Lù và huy động cả 3 máy bay vận tải hiện có là IL-14, Li-2, An-2 làm nhiệm vụ. Máy bay IL-14 có thể chở được nhiều hàng nhưng chỉ hạ thấp độ cao khoảng 800m, so với yêu cầu thực tế việc thả hàng không đạt. Còn máy bay Li-2 được thử nghiệm nhưng chỉ xuống được độ cao trên 600m. Ở độ cao đó, hàng hóa thả xuống sẽ hỏng hết. Cuối cùng, An-2 được lựa chọn làm nhiệm vụ cứu trợ, vì có thể bay chậm, bán kính lượn vòng hẹp và bay tốt ở tầm thấp, có thể thả hàng trúng đích với hiệu suất cao...

Khoảng cách từ sân bay Đồng Hới vào Vít Thù Lù là 52km, thời gian bay khoảng 17 phút. Trung đoàn 919 tổ chức 3 tổ bay thay phiên nhau bay hai chiếc An-2 số hiệu 30C và 31C do Trung Quốc viện trợ. Mỗi máy bay có 10 ghế. Khi chở hàng, ghế được gấp lại để tăng diện tích khoang chứa. Tổ bay gồm: Phan Như Cẩn-lái chính, Phạm Thanh Tâm-lái phụ kiêm dẫn đường, Trần Văn Nam-cơ giới trên không được giao nhiệm vụ bay trinh sát các khe núi rồi ném thử hàng. Các đơn vị bộ đội nhận hàng cứu hộ phản hồi gạo đóng trong bao thả xuống bị vỡ tung hết. “Lúc ấy, tôi đảm nhiệm việc thả hàng. Tôi phải dùng dây thừng buộc ngang bụng, một đầu còn lại buộc vào cửa máy bay. Máy bay từ từ xuống thấp rồi đưa về trạng thái bay bằng, đồng chí lái chính nhấn còi tín hiệu là tôi thả lần lượt từng bao gạo xuống”, ông Trần Văn Nam kể lại.

Máy bay trở về hạ cánh tại sân bay Đồng Hới. Tổ bay tham gia hội nghị giảng bình. Trung đoàn thông báo, các đơn vị trong vùng cô lập đã nhận được gạo. Tuy gạo tiếp tế không bị hư hại nhưng việc thả hàng thủ công từng bao một mất nhiều thời gian. Do vậy, tổ bay đề xuất thiết kế băng tải hàng bảo đảm công tác tiếp tế nhanh chóng, thuận lợi và an toàn. Từ ý tưởng của tổ bay, đội ngũ kỹ sư cơ khí do đồng chí Nguyễn Tường Long phụ trách thiết kế chiếc bàn thả có mặt bằng sắt trơn bóng, gắn 4 chân trên máy bay. 2 chân phía trong lắp chốt, khi nào lái chính nhấn còi thì rút chốt, mặt bàn kênh lên, toàn bộ số gạo sẽ đổ nhào xuống. Qua thử nghiệm, bàn đẩy hàng đã phát huy được tác dụng, giúp việc thả hàng nhanh hơn, đỡ tốn công sức.

Trong những chuyến bay tiếp theo, tổ bay thấy việc chớp thời cơ thả hàng diễn ra rất nhanh, nếu thao tác không kịp thời, máy bay sẽ lướt qua. Chính vì vậy, tổ bay đề xuất với bộ phận cơ khí tiếp tục cải tiến bàn thả bằng cách lắp một rơ le điện. Khi lái chính ấn nút trong buồng lái thì bàn thả tự động trút hàng xuống dưới, cơ giới trên không chỉ giám sát, không phải thao tác rút chốt. Một lần nữa hiệu quả trông thấy rõ rệt, việc cải tiến đã giúp tổ bay nhanh chóng chớp thời cơ, thả hàng trúng địa điểm, tiết kiệm được công sức. Cứ như vậy, 3 tổ bay thay nhau bay ròng rã suốt 3 tháng mới kết thúc nhiệm vụ bay cứu trợ ở khu vực thung lũng Vít Thù Lù. Hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi lời khen ngợi bộ đội không quân. Cuối năm 1959, các tổ bay tham gia nhiệm vụ bay cứu trợ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Bài và ảnh: VŨ DUY