Ông cùng tôi ôn lại những ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu kéo dài hơn 6 năm chống lại “pháo đài bay”. Ngày 18-6-1965, “con át chủ bài” của lực lượng không quân Mỹ bắt đầu dính líu đến chiến tranh Việt Nam bằng việc lần đầu tiên cất cánh từ đảo Guam ở giữa Thái Bình Dương, rải bom xuống Bến Cát, Bình Dương-một cửa ngõ của Sài Gòn. Ngày 24-3-1966, Bác Hồ đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp xem xác chiếc máy bay trinh sát tầm cao bị tên lửa ta bắn hạ ở độ cao 18.000m, Người đã căn dặn, đồng thời giao nhiệm vụ cho đơn vị phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm hay muộn, Mỹ sẽ đưa B-52 ra bắn phá miền Bắc.
|
|
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thu.
|
Vâng lời dạy của Bác Hồ, ngay sau đó, Quân chủng PK-KQ đã có hai quyết định quan trọng để Tổ quốc không bị bất ngờ. Thứ nhất, điều Trung đoàn Tên lửa 238 (còn gọi là Đoàn Hạ Long) đang bảo vệ Hà Nội vào Vĩnh Linh triển khai đánh B-52. Thứ hai, thành lập Đội trinh sát nhiễu, do Trung úy, kỹ sư vô tuyến điện Phan Thu làm đội trưởng. 3 năm sau, Đội nhiễu phát triển thành Tiểu đoàn nhiễu (phiên hiệu D8). Đội nhiễu vào Vĩnh Linh, sau đó lên Cà Ròn thuộc Km54 Đường 20 phía tây Quảng Bình để nghiên cứu nhiễu B-52 khi chúng vào đánh tuyến đường vận chuyển chiến lược 559.
Việc di chuyển một trung đoàn tên lửa đi đường dài từ miền Bắc với nhiều vũ khí, khí tài, có loại to lớn kềnh càng, dù đã được ngụy trang kỹ, ngày giờ xuất phát, trú quân trên đường luôn thay đổi bí mật, bất ngờ cũng không tránh khỏi con mắt cú vọ phát hiện của trinh sát điện tử trên máy bay và tàu chiến Mỹ từ ngoài Biển Đông. Sau nhiều ngày hành quân vào miền Trung, Đoàn Hạ Long dù phải chịu không ít tổn thất, cuối cùng cũng đến đích, chọn khu vực Nông trường Quyết Thắng dựng lên các trận địa liên hoàn sẵn sàng đón bắn B-52. Đó là những ngày đọ trí, đọ sức đầy cam go, đã có không ít hy sinh mất mát.
Ngày 15-3-1967, những quả đạn tên lửa đầu tiên được phóng lên nhưng bị nhiễu không trúng mục tiêu. Lập tức trận địa bị địch phát hiện, phải hứng chịu hàng loạt bom đạn, pháo từ B-52 và các loại máy bay hộ tống trút xuống, cả 4 tiểu đoàn hỏa lực của trung đoàn đều phải chịu thiệt hại khá nặng. Không nhụt chí, Trung đoàn 238 đã dồn lực lượng còn lại vào Tiểu đoàn 84, bí mật triển khai trận địa tại địa điểm mới, chờ địch. 15 giờ 30 phút ngày 17-9-1967, mặt trận B5 thông báo sẽ có đợt B-52 ra đánh Vĩnh Linh. Tiểu đoàn 84 được lệnh vào cấp 1, kíp trắc thủ ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, mở máy thu nhiễu, quản lý chặt chẽ không phận. Có nhiễu mạnh ở hướng tây nam, bất ngờ xuất hiện mục tiêu ở cự ly 50km, kíp trắc thủ khẳng định đấy là tín hiệu của B-52. Đến cự ly 32km thì màn hiện sóng góc phương vị xuất hiện tín hiệu B-52 khá rõ. Sau tiếng hô dõng dạc của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Hỷ liền ấn nút phóng, hai quả tên lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung, tên lửa được điều khiển tốt, ánh chớp lóe lên, mục tiêu bị tiêu diệt! Tận mắt chứng kiến “pháo đài bay” B-52 bốc cháy trên bầu trời Quảng Trị, quân và dân hai bên bờ Bến Hải vui mừng hò reo chiến thắng. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên chiến trường Việt Nam. Chỉ hai ngày sau, Bác Hồ gửi điện khen quân và dân Vĩnh Linh bắn giỏi, đánh trúng. Tiểu đoàn 84 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Sau đó, Trung đoàn 238 tiếp tục bắn rơi 4 chiếc B-52 nữa, đưa tổng số “pháo đài bay” bị rụng trên “đất lửa” Vĩnh Linh là 6 chiếc.
|
|
Cuốn sách mới của Trung tướng Phan Thu. Ảnh: phạm quang |
Đoàn Hạ Long trận đầu đánh B-52 đã lập công xuất sắc, trong thời gian này, Đội nhiễu có mặt tại Cà Ròn, Quảng Bình cũng đã thu được những kết quả quan trọng trong việc nghiên cứu phá nhiễu của B-52. Giữa năm 1967, máy bay Mỹ có các đợt xuất phát từ Hạm đội 7 hay các sân bay từ Thái Lan ném bom một số địa điểm quanh Hà Nội và trên miền Bắc. Đội nhiễu thu được những tín hiệu nhiễu đầu tiên, đo các dải tần nhiễu, đặc biệt là phát hiện được các dải tần nhiễu rãnh đạn tên lửa phòng không, giúp chuyên gia Liên Xô tìm ra nguyên nhân nhiễu của địch đã làm cho tên lửa ta mất điều khiển. Về chuyện tìm hiểu nhiễu của địch, ông Phan Thu nhớ lại: “Ngày đó giống như phóng viên chiến trường, tôi và anh La Văn Sàng thường mang theo máy ảnh, máy quay phim chụp lại hoặc quay phim màn hình các loại radar tên lửa phòng không trong chiến đấu. Đến đầu năm 1968, Đội nhiễu cơ động vào phục vụ sở chỉ huy tiền phương của quân chủng đặt tại Nông trường Đông Hiếu, Nghệ An. Chúng tôi tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Tên lửa 236. Vào khoảng nửa đêm hôm ấy, hai máy bay A-6E của hải quân Mỹ đi tìm và đánh các trận địa tên lửa của ta bằng tên lửa có cánh Shrike. Đài của ta phát sóng bắt được mục tiêu ở cự ly tương đối gần và phóng luôn hai quả đạn. Tôi và anh Sàng thì chụp trên màn hiện sóng của radar góc tà và góc phương vị trong suốt quá trình chiến đấu hôm ấy. Có một Shrike phóng tới chệch ra ngoài trận địa. Ta diệt được cả hai máy bay trinh sát địch. Đội nhiễu chúng tôi cũng thu được những hình ảnh nhiễu làm cơ sở phân tích về sau, đặc biệt có một kiểu ảnh tín hiệu phản xạ từ Shrike khi bắt đầu rời máy bay và phóng về phía ta”.
Vậy là “phóng viên chụp nhiễu” đã chụp được những bức ảnh chân thực, quý hiếm trong chiến đấu, từ đó nghiên cứu, phân tích tìm ra bản chất từng loại nhiễu để có cách nhận mặt, đối phó. Có thể kể tên các loại nhiễu: Nhiễu giọt mưa, nhiễu quét, nhiễu râu, nhiễu xoắn thừng, nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực, nhiễu ngụy trang, nhiễu đánh lừa... Trong tài liệu tổng kết nhiễu và chống nhiễu 12 ngày đêm cuối năm 1972 do Trung tướng Phan Thu chủ biên, tài liệu đã phân tích rõ về bản chất nhiễu của các loại B-52 như: Nhiễu B-52 trong đội hình có cường độ nhiễu rất mạnh; nhiễu giả B-52; nhiễu tiêu cực của máy bay F-4E; nhiễu hạm tàu; nhiễu EB-66 ngoài đội hình... Ngày đó, Đội nhiễu, rồi sau này là Tiểu đoàn nhiễu D8 đã thu thập được bộ ảnh nhiễu khá phong phú, cùng với đó là việc soạn tài liệu phân tích các dạng sóng nhiễu trên màn hiện sóng của tên lửa SAM-2, rồi in thành nhiều bản gửi đến các tiểu đoàn, trung đoàn tên lửa làm tài liệu huấn luyện. Tất nhiên, những tài liệu đó đều được đóng dấu “tuyệt mật”, nhiều năm sau này mới được giải mật. Trong cuốn sách mới xuất bản cuối năm 2020 của Trung tướng Phan Thu có nhiều chuyện bây giờ mới kể, lý giải một cách thuyết phục vì sao quân và dân ta đã đánh thắng “con bài chiến lược” B-52 ngay từ trận đầu năm 1966 đến trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
PHẠM QUANG ĐẨU