Ngày 3-5-1975, chúng tôi lên đường. Tốp đi gồm Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Võ Trần Nhã, Lê Văn Vọng trên chiếc xe 5 chỗ hiệu Mazda do một sinh viên văn khoa lái. Nhiều nơi chúng tôi đi qua, người dân chạy loạn còn chưa về, cửa hàng, cửa hiệu vẫn đóng im ỉm. Đây đó tiếng súng vẫn nổ đì đùng. Trên quốc lộ, áo quần lính ngụy vứt bừa bãi, xe quân sự cái cháy, cái còn nguyên nằm ngổn ngang. Chúng tôi dừng lại ngắm nhìn thị xã Xuân Lộc giữa thanh thiên bạch nhật, nơi sư đoàn 18 ngụy dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo thiết lập “cánh cửa thép” để bảo vệ Sài Gòn. Những ngày này, Xuân Lộc như vùng đất chết, nhà cửa đổ sập, trại lính tan hoang...
Cũng xin nói thêm rằng, trong chuyến đi này, mấy anh em chẳng ai có giấy tờ tùy thân, ngoài cây bút và cuốn sổ ghi chép. Tuy nhiên, với chúng tôi, giấy thông hành duy nhất là bộ quân phục Quân Giải phóng, chiếc mũ tai bèo và đôi dép cao su. Bởi vậy, trên suốt chặng đường, qua nhiều chốt kiểm soát, chúng tôi không hề bị làm khó. Ở đâu cũng vậy, khi vừa thấy anh Oánh từ trong xe bước ra, những người làm nhiệm vụ đều vui vẻ, niềm nở “mời các chú đi”. Có nơi họ còn bỏ vào xe cho chúng tôi chai nước uống hoặc bao thuốc lá Rubi. Đêm đầu tiên cuộc hành trình, chúng tôi nghỉ tại thành phố biển Nha Trang.
Ở rừng lâu ngày, quen mắt với cây lá, khe suối, giờ đây đứng trước biển, ai cũng thấy choáng ngợp vì sự mênh mông, bát ngát đến hút tầm nhìn. Mọi người đang say mê ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ thú của biển thì có hai người, một đàn ông, một phụ nữ bước tới. Thoạt trông tưởng họ là hai vợ chồng, nhưng không phải. Người phụ nữ chừng 50 tuổi, dáng vẻ quý phái, là chủ một khách sạn hạng sang. Người đàn ông vẻ là dân lao động. Người phụ nữ chủ động lên tiếng: “Dạ thưa! Chắc mấy chú vừa ở xa tới, tôi muốn mời mấy chú về khách sạn nhà tôi nghỉ đêm, có đầy đủ tiện nghi. Trên lầu cao, ban đêm các chú có thể ngắm nhìn toàn cảnh vịnh biển Nha Trang, đẹp lắm...”. Người đàn ông vội cắt ngang lời bà: “Nhà tôi ở chỗ góc đường kia, nếu các chú không chê, tôi mời các chú về đấy nghỉ!”. Bà chủ khách sạn lại khẩn khoản: “Xin cho tôi niềm vinh hạnh được đón các chú”.
Quả thật lúc đó tôi rất muốn đến ở khách sạn để được bao quát ngắm một góc thành phố cũng như mặt biển ban đêm, nhưng sau khi bàn bạc, anh Oánh nói với người phụ nữ: “Anh em chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của chị với cách mạng, nhưng xin chị để cho dịp khác, còn bây giờ chúng tôi sẽ về nghỉ tại nhà ông này”-anh chỉ tay vào người đàn ông. Tôi nhận thấy vẻ thất vọng hiện lên trên gương mặt người phụ nữ. Chị chỉ kịp thốt lên một tiếng buồn bã: “Sao lại thế, tôi mời các chú mà...”.
Người đàn ông tên là Hai Thợ mừng quýnh, đưa chúng tôi về nhà. Ngôi nhà hai tầng, diện tích mỗi tầng chừng 50m2. Cả nhà đều hoan hỉ, vì nhà mình có người của cách mạng đến ở. Bữa cơm tối đầm ấm không khí gia đình, thắm tình quân dân, dù chỉ là cá kho, canh chua, dưa muối, nhưng mấy anh em ai cũng bảo đấy là bữa cơm ngon nhất trần đời. Hai anh Oánh và Nam Hà lại nhận được đồng hương. Ông Hai Thợ quê gốc Nghệ An, làm thợ trong ngành hỏa xa, phiêu bạt vào Nha Trang rồi lấy vợ, “đóng đô” luôn ở đó, tới khi giải phóng đã hơn 40 năm. Trong câu chuyện, ông tự hào kể rằng khi Huế, Đà Nẵng được giải phóng, ông hiểu sớm muộn thành phố Nha Trang cũng được giải phóng. Nghĩ vậy, ông đã mua một mảnh vải trắng to bằng mặt bàn cắt đôi, một nửa nhuộm xanh, nửa nhuộm đỏ may lại làm lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời, giấu kỹ trong nhà. Khi Quân Giải phóng tiến vào thành phố, Hai Thợ đã giương cao lá cờ ra đón. Lúc đầu chỉ có một mình, ông thấy hơi run, nhưng đi tới đâu cũng có người nhập đoàn, nên đoàn người ngày càng đông. Kể lại chuyện đó, ông còn chưa hết tự hào: “Ở phố nầy, nhà tôi có cờ cách mạng sớm nhất”. Chúng tôi ở nhà ông Hai Thợ chưa hết ngày thì xảy ra chuyện. Số là một số bà con thấy nhà ông Hai Thợ có bộ đội giải phóng đến ở, mà lại những 4 người, họ kéo đến thắc mắc, “tị nạnh” với ông và đề nghị ông nên san sẻ cho những gia đình khác. Ông Hai Thợ dứt khoát không chịu, người nói qua, người nói lại làm cho không khí mỗi lúc càng thêm “nóng”. Khi hiểu được sự việc, để làm vừa lòng bà con, anh Oánh quyết định phân tán đội hình, mỗi người ở một nhà. Mấy người đến đón chúng tôi bảo: “Các chú giải quyết như vầy là đúng nguyện vọng của bà con lắm, bộ đội là của chung mọi người, ai cũng có quyền được đón tiếp, phải công bằng chớ”.
Tôi được thím Tư Nhàn gần như “áp giải” về nhà thím trong một con hẻm chếch phía bên kia đường. Ngày ấy tôi mới ngoài 20 tuổi, thím gọi con, xưng dì rất tình cảm. Hằng ngày, mấy anh em chia nhau xuống các địa bàn, chuyện trò với người dân, tranh thủ ghi chép những điều mắt thấy tai nghe. Gặp gỡ thanh niên, học sinh ở đâu cũng thấy các em hát vang những bài ca cách mạng. Bữa cơm nào thím Tư Nhàn cũng dành cho tôi sự chăm sóc, ưu ái hơn cả với con của thím. Chồng thím mất trong một tai nạn giao thông trên đèo Cù Mông cách đấy mấy năm. Thím nuôi hai đứa con bằng gánh hàng rong, tất tả quanh năm. Ở nhà thím Tư vừa được một ngày, anh Oánh gặp tôi bảo, Vọng chịu khó sang khách sạn ở một hôm đi. Hỏi ra mới hay, chị chủ khách sạn không chịu bỏ cuộc, tối qua sang nì nèo với trưởng đoàn Nguyễn Trọng Oánh. Vậy là tôi khoác ba lô theo người lái xe Honda về khách sạn Biển Tím ở...
Rời Nha Trang, chúng tôi ra Huế, thành phố mộng mơ bên bờ sông Hương, nơi lưu dấu sự thịnh suy của các triều đại phong kiến. Huế là nơi có phong trào sinh viên, phật tử đấu tranh chống lại chế độ ngụy quyền rất sôi nổi. Đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp băng rôn, khẩu hiệu, áp phích... thể hiện niềm vui và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với chính quyền cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời rợp trời thành Huế. Sau mấy ngày ở Huế, cuộc hành trình quay ngược trở lại Đồng bằng sông Cửu Long và điểm dừng là nơi “gạo trắng nước trong”. Chúng tôi không ở trong thành phố mà tìm ra ngoại ô. Cần Thơ những ngày đầu giải phóng cũng như các nơi khác, người dân hồ hởi trở về với thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Bà con bắt tay vào sửa chữa những căn nhà hư hỏng do bom đạn, dù chưa hẳn là khang trang nhưng được làm lại trong không khí tự do, không còn bị làm khó hay sống chui nhủi, khổ sở bởi sự đe dọa, kìm kẹp của chế độ cũ. Rút kinh nghiệm hôm ở Nha Trang, anh Nguyễn Trọng Oánh chia nhỏ đoàn ngay từ đầu. Tưởng thế là ổn, song bà con cô bác vẫn thắc mắc, “kiện cáo”. Cuối cùng, chúng tôi đành phải ở rải ra mỗi gia đình một ngày. Quần áo chúng tôi thay ra liền có các má, các dì đến nhận về giặt hộ. Họ phơi trước nhà như ngầm bảo với xóm giềng “nhà tôi cũng có các chú Giải phóng ở đây nghen”. Tôi ở nhà chú Sáu Nhỏ được một ngày, sáng sớm hôm sau thím Út Lợi đã đến đón đi. Vừa ra khỏi nhà, cô Ba Lắm đã dạm “sau thím Út thì đến nhà cô nghe con”. Tôi chỉ biết im lặng nghe theo sự sắp đặt của mọi người.
Hôm từ Hà Tiên về Cần Thơ, chiếc xe bị thủng lốp giữa đường. Không có lốp dự phòng, nhà dân thì xa, ai cũng nghĩ đêm nay chắc chắn nằm đường làm mồi cho muỗi. Nhiều chiếc xe đò đi qua, dừng lại hỏi han, ai cũng tỏ ra ái ngại cho mấy anh em. Đang lúc chưa biết xử lý thế nào thì một chiếc Toyota phóng tới. “Xe bể lốp hả mấy chú?”-một ông trung niên vừa mở cửa xe vừa nói: “Tui làm nghề sửa xe trên thị trấn, nghe mấy người đi chợ về qua nói có cái xe các chú Giải phóng bể lốp nằm đường, có lốp thay đây rồi”. Vừa nói, ông vừa nhanh tay tháo lắp. Chỉ chừng 20 phút, chúng tôi lại tiếp tục hành trình, chẳng những không lấy tiền, ông còn đưa cho mỗi người một ổ bánh mì kẹp thịt bảo “các chú ăn cho đỡ đói”. Không ai biết tên ông là gì, ông không nói, giống như việc ông chạy từ thị trấn xuống đây sửa xe cho chúng tôi, thầm lặng, vô tư.
Có một điều làm chúng tôi rất xúc động là tấm lòng của bà con vùng quê Nam Bộ đối với Bác Hồ vô cùng thiêng liêng, sâu sắc. Chưa một lần được gặp Bác mà ai cũng mang nặng nỗi niềm nhớ thương. Câu chuyện ông Huỳnh Công Hiệp, nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Cần Thơ, đã nhiều năm cất giữ tấm hình của Bác khi đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức (năm 1958) mà ông cắt từ một tờ báo nước ngoài đã phần nào nói lên điều đó. Sống trong sự rình mò của mật vụ, nhưng ông không ngại, coi tấm hình như một báu vật, thỉnh thoảng lại đem ra ngắm nhìn một cách trân trọng. Ngày Cần Thơ giải phóng, ông Hiệp tự hào mình là một trong số rất ít người có ảnh Bác Hồ treo trong nhà. Ông Hiệp bảo tôi: “Chú tính cả rồi, nếu tụi nó phát hiện được, chú sẽ giơ cao ảnh Bác đi ra ngoài đường hô lớn “Bác Hồ muôn năm” để tụi nó bắn chết chứ không chịu đi tù. Mang hình Bác trong tim thì còn sợ gì cái chết”...
LÊ VĂN VỌNG