Chúng tôi có dịp về thăm xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)-vùng đất anh hùng, kiên trung trong những năm tháng khói lửa. Ngoài những chiến tích hào hùng, nơi đây còn có bao câu chuyện về tấm lòng của nhân dân với Bác Hồ. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh như một biểu tượng trường tồn cùng thời gian cho tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Bạc Liêu nói chung, Châu Thới nói riêng đối với Người. 

Đi cùng cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Khưu Tam Phước (thường gọi là Ba Phước), người phụ trách việc bảo vệ đền thờ trong những năm xây dựng. Cũng như bao ngôi nhà khác ở Châu Thới, nhà ông Ba Phước dành vị trí trang trọng nhất treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như một thói quen, sáng nào ông cũng thắp hương ban thờ Bác. Sáng hôm ấy, ông lấy chiếc khăn tỉ mẩn lau bức tượng Bác Hồ bằng đồng cho sạch để chuẩn bị kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người. Đó là những việc ông từng làm đi làm lại hàng chục năm qua để tỏ lòng tôn kính, nhớ thương Người.

leftcenterrightdel
Ông Khưu Tam Phước thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ tại nhà riêng (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) 

Dù tuổi đã cao nhưng ông Phước vẫn không quên những ký ức cùng Đảng bộ, quân và dân Châu Thới đoàn kết một lòng xây dựng, bảo vệ nơi tưởng niệm Bác Hồ. Mặc cho giặc bắn phá hết lần này đến lần khác, nhân dân Châu Thới anh hùng vẫn kiên cường gìn giữ, lập đền thờ Bác. Ông Ba Phước xúc động kể: “Cả một đời Bác vì nước, vì dân nên việc bảo vệ đền thờ là nhiệm vụ hết sức cao cả và tự hào, dù có hy sinh cũng phải làm cho kỳ được. Việc thờ di ảnh, dâng hương Bác là xuất phát từ tình cảm chân thành, sự kính yêu của nhân dân Châu Thới với Bác. Làm như vậy, chúng tôi như được nhìn thấy Bác mỗi ngày và càng xúc động mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người”.

Không chỉ có xã Châu Thới, người dân Bạc Liêu ở nơi đâu cũng dành tình cảm sâu đậm với Bác. Việc treo ảnh Bác hay lập bàn thờ Bác trong nhà đã trở thành một nét đẹp truyền thống lan tỏa rộng khắp trong nhân dân. Vào ngày Tết Độc lập 2-9, Tết Nguyên đán hay Ngày sinh của Bác, nhà nào cũng lập ban thờ Bác với tình cảm hết sức thành kính.

Rời Bạc Liêu, chúng tôi xuôi về vùng đất Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), nơi có Đền thờ Bác Hồ trang trọng. Ngoài việc chăm sóc thường xuyên, cứ gần đến ngày 19-5, ông Lê Văn Thống (Tư Thống), Trưởng ban quản trị Đền thờ Bác Hồ và bà con trong xã lại tổ chức dọn dẹp toàn bộ khuôn viên đền, chuẩn bị lễ vật để dâng hương Bác.

Đã mấy chục năm gắn bó với công việc nên dù đã hơn 80 tuổi nhưng khi hỏi về những hình ảnh, hiện vật được trưng bày trong Đền thờ Bác Hồ, ông Thống đều rành mạch kể rõ. Nào là phiên bản viên gạch sưởi ấm Bác tại nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris, Pháp; phiên bản tấm áo lụa, chiếc mũ cối, đôi dép cao su, chiếc gậy mây, chiếc kính lão; hàng trăm tấm hình về gia đình Bác; nếp nhà ở làng Kim Liên; quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ...

Chạm tay vào từng hiện vật thiêng liêng, ánh mắt nhìn xa xăm chứa chan xúc động, ông Thống nhớ lại: “Để có được chân dung Bác, tui phải kiếm khắp nơi rồi dựa theo hình Bác ở tờ bạc 5 đồng (tiền Cụ Hồ) để họa thành chân dung thờ Bác tại khu hành chánh dã chiến của xã (lúc đó ở ấp 2, xã Lương Tâm). Hình Bác được đặt trang nghiêm, có lư hương phía trước, phía sau là cờ Mặt trận. Hôm làm lễ truy điệu Bác Hồ (tháng 9-1969), trong nước mắt, đồng chí Lý Ba, cán bộ Khu Tây Nam Bộ đã đọc điếu văn tại đây”.

Biến đau thương thành sức mạnh, Đảng bộ, quân, dân xã Lương Tâm liên tục mở đợt tấn công quân sự, chính trị nhằm vào căn cứ địch, buộc địch co cụm trong thời gian dài. Năm 1973, địch kéo về đây 75 tiểu đoàn, dùng máy bay cày xới chia cắt chiến trường Long Mỹ để giành đất, giành dân, người dân Lương Tâm quyết bám đất giữ làng, một tấc không đi, một ly không rời... Đối phương tăng cường càn quét, giội bom, pháo vào xã, cơ quan Đảng ủy xã bị đánh sập phải dời đi nơi khác, nhưng bàn thờ Bác vẫn được lập tại nơi dự định xây đền thờ như lời hứa sắt son của bà con xã Lương Tâm quyết tâm đoàn kết, kháng chiến đến thắng lợi.

Hòa bình thống nhất, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng và đặt tại ấp 3. Sau nhiều năm trùng tu, sửa chữa, năm 2000, Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Hơn 30 năm gắn bó với Đền thờ Bác Hồ, những người con, người cháu ngày nào giờ đây mái tóc đã pha sương, nhưng họ đều hướng về Bác Hồ với tấm lòng thành kính. Đứng trước Đền thờ Người, bà con hiểu rằng, ở nơi ấy có tấm lòng son sắt của người dân miền Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu-Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Bài và ảnh: THÚY AN