Đến thăm Đại tá Lã Văn Nho tại nhà riêng, chúng tôi được ông kể: “Tôi tham gia chiến đấu và giúp nhân dân Campuchia từ tháng 1-1979 đến tháng 8-1987 trên các cương vị chỉ huy từ trung đội đến trung đoàn. Trung đoàn chúng tôi là đơn vị cơ động của sư đoàn và mặt trận, có địa bàn hoạt động rất rộng, nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, hy sinh không thể nào kể hết được. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng san sẻ, giúp đỡ bạn hết mình.

Từ năm 1981 đến 1987, đơn vị tôi đứng chân ở huyện Varin, một huyện vùng sâu của tỉnh Siem Reap. Chúng tôi đóng quân trong dân để xây dựng chính quyền, huấn luyện dân quân các phum, khum (thôn, xã) với phương châm huấn luyện cho bộ đội mình như thế nào thì huấn luyện cho bạn như vậy. Chúng tôi theo sát bước chân họ trong những lần truy quét, lùng sục căn cứ lõm của địch, để bạn dần lớn mạnh, từng bước đảm nhận bảo vệ các phum, khum của mình.

leftcenterrightdel
Đại tá Lã Văn Nho (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội tại Angkor, Campuchia, tháng 8-1987. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Chúng tôi ở trong dân, được nhân dân che chở, bảo vệ, giúp đỡ, coi bộ đội Việt Nam như con em của mình. Còn nhớ, năm 1984, tôi đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 271. Bộ đội ta vốn tăng gia sản xuất giỏi, đi đến đâu, chỉ cần hạ ba lô xuống là gieo hạt trồng rau, nuôi gà, vịt... Đợt ấy, chúng tôi nuôi được đến 130 con vịt đẻ, 9 con ngan. Mỗi sáng ngủ dậy, anh em tập thể dục bằng cách... vác cuốc sang vườn nhà dân để xin đào giun cho vịt, ngan ăn. Bà con không chỉ vui vẻ cho chúng tôi “tác nghiệp” mà còn đến bên thân tình đề nghị đổi lúa lấy trứng vịt, hỏi cách trồng rau. Anh em cũng không nề hà chia sẻ cách làm, cho hạt để người dân tự gieo trồng.

Có một chuyện mà tôi nhớ mãi. Một buổi sáng đầu tháng 7-1984, Chủ tịch xã Căn Đan đến tìm gặp tôi. Bác cho biết, có một sự việc nghiêm trọng đã xảy ra vào tối qua, ở xã có 3 người chết do dịch tả và khẩn thiết mong chúng tôi giúp đỡ. Nhận được tin dữ, tôi khẩn trương triển khai lực lượng quân y, tập trung mọi nỗ lực để điều trị cho người dân. Sau khi đến trực tiếp kiểm tra địa bàn, tôi đã cùng anh em vận động bà con thực hiện ăn chín, uống sôi, ở vệ sinh và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng dịch bệnh. Sau đó không lâu, dịch tả được dập tắt, 16 người trong 200 hộ gia đình ở xã mắc bệnh đã được chúng tôi cứu sống.

leftcenterrightdel
Đại tá Lã Văn Nho kể lại kỷ niệm những ngày ở Campuchia. Ảnh: THỦY TIÊN 

Có lẽ vì thế mà chúng tôi luôn nhận được sự ưu ái cũng như tình cảm ấm nồng của nhân dân nước bạn. Đầu tháng 5-1985, chúng tôi trở về hậu cứ sau một thời gian dài tham gia chiến dịch truy quét tàn quân địch dọc biên giới. Lúc này, lương thực, súng, đạn gần như đã cạn. Theo kế hoạch, chúng tôi phải vận chuyển hàng trăm tấn hàng từ đường lớn về hậu cứ sư đoàn, lại phải hành quân bộ 40km đường rừng. Đã vào đầu mùa mưa, nếu không nhanh, cả mùa chiến dịch tới, đơn vị sẽ không đủ súng, đạn để tác chiến. Vậy là súng, đạn được ưu tiên vận chuyển trước. Không ngờ đến tháng 7, lương thực, thực phẩm thiếu trầm trọng. Chúng tôi vận động nhân dân cùng vận chuyển với bộ đội. Một lần, một nhóm vận chuyển gặp phải mìn do Pol Pot cài lại, xe bò nổ, con trâu tải hàng chết, nhưng may mắn là chiến sĩ ta và người dân nước bạn đều an toàn. Ngay sau đó, đơn vị đã gặp chính quyền và gia đình mất trâu để đền bù cho họ. Việc giải quyết thấu tình đạt lý đã khiến dân bản rất tin tưởng và thêm nhiệt tình giúp đỡ bộ đội Việt Nam.

Mùa khô năm 1986, đơn vị chúng tôi cơ động tác chiến dài ngày ở khu vực tứ giác 4 huyện Varin, Kralanh, Puok, Srei Snam, tỉnh Siem Reap. Sau đợt hoạt động trở về, chị Sa Nuôn, người dân nơi đơn vị tôi đóng quân đến chơi, mang theo trái cây và một số thứ chị mới mua ở chợ Puok về. Chị bảo: “Các anh đi lâu quá, nay biết các anh về nên vội vào thăm. Dân làng mong các anh lắm!”. Anh em nghe chị nói mà rưng rưng xúc động...

Năm 1987, chúng tôi về nước. Trong sự bịn rịn, nhớ thương của bà con dân bản, chúng tôi nguyện hứa sẽ luôn là những người con, người anh em, người bạn chí tình, chí nghĩa của nhân dân Campuchia anh em”.

KHÁNH AN