Thế kỷ XX đã chứng kiến một sự kiện nhân đạo và chính nghĩa hiếm có: Quân đội và nhân dân Việt Nam đã cứu một dân tộc láng giềng, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, thực hiện hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước từ những “cánh đồng chết” hoang tàn.

Sau 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ khát máu Pôn Pốt, gần 3 triệu người dân Cam-pu-chia vô tội trong đó có cả những trí thức: nhà văn, nhà báo, giáo sư, thầy giáo, bác sĩ, học sinh-sinh viên… đã bị giết hại. Gần 6 nghìn trường học, hơn 700 bệnh viện và các cơ sở y tế, hơn 2 nghìn ngôi chùa, nhà thờ bị phá hủy hoặc biến thành trại giam. Bọn khát máu Pôn Pốt chủ trương biến xã hội Cam-pu-chia thành một xã hội chết, một địa ngục trần gian. Hơn thế nữa, tập đoàn Pôn Pốt còn ngang nhiên phát động tiến công xâm lược Việt Nam để mượn cớ thanh trừng nội bộ, giết những người yêu nước, yêu lý tưởng hòa bình, xóa bỏ những gì đối lập với bản chất tàn bạo, độc tài của chúng. Vậy là xã hội Cam-pu-chia từ một ốc đảo hòa bình đã bị đế quốc Mỹ và tay sai rồi chế độ Pôn Pốt biến thành một trại khổ sai khổng lồ đầy rẫy những hố chôn người. Không có thành phố, trường học, không có chợ, có tiền, không còn nhảy múa, đi chùa tụng kinh niệm Phật, không có sự giao lưu với bên ngoài… Con người không được nói cười, không được vui buồn, chỉ được cúi đầu tuân lệnh. Sống câm lặng và lo sợ đợi nghe Pôn Pốt gọi đến tên mình đem đi hành quyết.

Sự khủng bố và kìm kẹp dã man của chế độ Pôn Pốt đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống lại chế độ hà khắc có một không hai này trong lịch sử ở khắp đất nước Cam-pu-chia. Từ Đông Bắc đến Tây Nam mà đỉnh cao là quân khu Đông, Công-pông-chàm, Prây-veng, Xoài Riêng, hàng vạn người dân Cam-pu-chia phải chạy sang tị nạn ở Việt Nam. Khi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng sống cực khổ của nhân dân nước bạn, nhiều gia đình chết oan uổng cả nhà dưới lưỡi dao, đầu búa của quân Pôn Pốt, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam bàng hoàng xúc động trước sự đau khổ cùng cực của nhân dân Cam-pu-chia, sự tàn bạo dã man kinh tởm của bọn Pôn Pốt. Nhân dân Việt Nam cũng như những người có lương tâm, sống tình nghĩa láng giềng không thể làm ngơ. Và nhân dân Việt Nam đã hành động như những con người chân chính, một dân tộc yêu chuộng công lý phải hành động.

Theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia, Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia và sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược trên toàn tuyến, ngăn chặn hành động hòng chiếm tỉnh Tây Ninh của ta do tập đoàn Pôn Pốt phát động; cùng các lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đánh tan lực lượng Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng.

Nhà vua Nô-rô-đôm Si-ha-núc cũng đã từng nói: … Nhân dân hai nước là láng giềng, là anh em của nhau. Nhân dân Cam-pu-chia tự hào vì trong giai đoạn đặc biệt bi thảm và đặc biệt quan trọng của dân tộc mình đã có được người bạn chiến đấu chống thực dân và chống đế quốc là nhân dân Việt Nam anh hùng. Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng thì con cháu nhà vua cũng chết hết.

Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia, tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” đã khẳng định:

Đánh tan rã địch và cứu dân là hai việc cấp bách như nhau. Nhiều người dân đã được cứu sống ngay khi sắp bị bọn Pôn Pốt hành quyết, nhiều người vì quá kiệt sức đã được khiêng, cõng đưa về. Trên khắp đất nước Cam-pu-chia vừa được giải phóng, bộ đội và chuyên gia Việt Nam cùng những người bạn Cam-pu-chia đã giúp hàng chục vạn, hàng triệu người dân tiều tụy, đói khát có cơm ăn, từng đoàn người trở về quê cũ nơi mà bọn Pôn Pốt đã buộc họ phải rời bỏ. Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng phải cứu đói, cứu đau, chữa bệnh, giúp dân bắt tay vào sản xuất, dựng lại nhà cửa, làm lại bệnh xá, khôi phục trường học, chùa chiền. Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của người dân Cam-pu-chia, nhiều chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam đã được phái về nước đem những hạt rau, giống lúa tốt của quê hương mình sang giúp từng gia đình, từng xóm ấp ở Cam-pu-chia. Những tù hàng binh dưới thời Pôn Pốt được đối xử nhân đạo, những người bị thương đã được cứu chữa và được giúp đỡ để họ trở về quê hương. Những việc làm tốt đẹp này của quân đội Việt Nam đã gây không ít ngạc nhiên cho người dân Cam-pu-chia. Đi đến đâu nhân dân cũng gọi những chiến sĩ Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”, giúp nhân dân Cam-pu-chia anh em thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại. Và cũng chỉ có thể đánh giá đúng sự hồi sinh dân tộc kỳ diệu này nếu so nó với hậu quả khủng khiếp, những tàn phá đảo lộn mà chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã gây ra cho đất nước, xã hội, môi trường sống và đặc biệt là con người Cam-pu-chia.

Thời báo Can-bơ-rơ (Ô-xtrây-li-a) số ra ngày 19-3-1989 đã đánh giá: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Cam-pu-chia đã đem lại kết quả rõ ràng. Hành động đó được nhân dân Cam-pu-chia ở khắp mọi nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ”. Nhà vua Nô-rô-đôm Si-ha-núc cũng đã từng nói: … Nhân dân hai nước là láng giềng, là anh em của nhau. Nhân dân Cam-pu-chia tự hào vì trong giai đoạn đặc biệt bi thảm và đặc biệt quan trọng của dân tộc mình đã có được người bạn chiến đấu chống thực dân và chống đế quốc là nhân dân Việt Nam anh hùng. Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng thì con cháu nhà vua cũng chết hết.

Ngày nay, đất nước Cam-pu-chia đang sống trong hòa bình, xây dựng và phát triển, Vương quốc Cam-pu-chia đã được tái lập. Ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào trên bán đảo Đông Dương có được môi trường sống hòa bình, tình đoàn kết hữu nghị để xây dựng tiến kịp bè bạn… Thực tiễn hùng hồn ấy đã chứng minh chân lý: Xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, bảo vệ chính quyền, giúp dân tộc Cam-pu-chia giải phóng, việc làm đó của quân đội và nhân dân Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Như Thủ tướng Hun Xen đã từng ca ngợi: Một sự đòi hỏi xét xử Khơ-me đỏ là sự trả giá về chính trị và công lý cho tất cả những người tham gia giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Do đó họ phải thừa nhận sự thật là: Nếu đòi hỏi xét xử bọn đầu sỏ Khơ-me đỏ chừng nào thì phải ca ngợi sự anh hùng của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, những người đã hy sinh thân mình vì nhân dân Cam-pu-chia, chừng ấy. Việc nhân dân Việt Nam, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX.

Nguyễn Ngọc Lan