Đầu năm 1973, Hiệp định Paris, rồi Hiệp định Viêng Chăn được ký kết. Các chiến trường tạm im tiếng súng. Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, BTL Trường Sơn tổ chức hai đoàn đi nắm tình hình toàn tuyến. Đoàn đi hướng Đông Trường Sơn do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu. Đoàn đi hướng Tây Trường Sơn do Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu. Đầu tháng 4-1973, đoàn của Chính ủy Đặng Tính tới Nam Lào, nơi BTL Khu vực 471 đứng chân. Sở chỉ huy BTL mới rời từ Phù Trường về khu vực Bắc Bạc được ít ngày thì đoàn tới. Do mới chuyển về nên đơn vị chưa kịp củng cố lán trại. Song, vị trí này ngay trên Đường 24, lại tiếp quản nơi từng là trạm đón tiếp Quốc vương Campuchia Sihanouk nên cũng thuận tiện trong sinh hoạt. Sau giờ làm việc với BTL Khu vực 471, Chính ủy Đặng Tính cùng các thành viên trong đoàn thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ cơ quan BTL, tranh thủ cắt tóc, tắm giặt. Không khí ấm áp như một gia đình lớn...

Sáng 3-4-1973, đoàn rời cơ quan BTL Khu vực 471 tiếp tục hành trình. Trước khi đi, Chính ủy Đặng Tính cùng các đồng chí: Vũ Quang Bình, Chính ủy Sư đoàn 968; Nguyễn Xuân Yêm, Cục phó Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn và các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ cơ quan. Chụp ảnh xong, cả đoàn lên xe theo Đường 24 vượt Phù Trường vào Đường 17 lên cao nguyên Bolaven. Đoàn công tác sẽ khảo sát tuyến Đường 17, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ trên tuyến và ghé thăm hai điểm chốt của Sư đoàn 968 ở Thê-va-đa Bắc và Thê-va-đa Nam. Các lực lượng trên tuyến được lệnh bảo đảm tốt nhất cho đoàn công tác.

Quá trưa hôm ấy, đồng chí Trịnh Xuân Kiên, Trung đoàn phó Trung đoàn 59 từ hiện trường về Sở chỉ huy BTL Khu vực 471 báo cáo: Chỉ huy Trung đoàn 59 đón đoàn công tác của Chính ủy Đặng Tính ở khu vực ngã tư Đường 17 cắt Đường 232 cách Paksong 4km. Để bảo đảm an toàn, chỉ huy Trung đoàn 59 đề nghị được dẫn đoàn đi bộ thăm anh em. Sau khi cân nhắc, đoàn quyết định đi xe vào thăm bộ đội chốt giữ Thê-va-đa.

Xe xuất phát theo Đường 232 hướng Huội Càng-Paksong. Đi đầu là chiếc xe ZiL-130 do Trung đoàn phó Trịnh Xuân Kiên ngồi cabin chỉ huy. Phía sau là chiếc GAZ-69 chở Chính ủy Đặng Tính và các thành viên trong đoàn. Xe chạy đã rất gần điểm chốt Thê-va-đa thì một tiếng nổ lớn hất tung xe GAZ-69. Do hai xe đi cách xa nhau gần 300m, lại chạy trên đường đá cũ, xe đi sau không thấy được vệt xe trước nên xe chở Chính ủy Đặng Tính cùng 5 đồng chí trúng mìn chống tăng. Cả 6 đồng chí trong xe hy sinh.

leftcenterrightdel

Đồng đội viếng mộ Chính ủy Đặng Tính ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: HOÀNG TIẾN 

Lại một mất mát quá lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Hơn một năm trước đó (tháng 2-1972), Phó chính ủy Tam Anh của đơn vị chúng tôi hy sinh trên đường công tác. Còn lần này, cũng ở mảnh đất Nam Lào, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Đặng Tính; Chính ủy Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình; Cục phó Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn Nguyễn Xuân Yêm; nhạc sĩ tài năng Trịnh Quý và hai đồng chí nữa đã mãi mãi ra đi. Đau thương bao trùm cả vùng đóng quân. Điện thoại, điện tín của cấp trên tới tấp gửi đến nhắc nhở đơn vị phải làm chu đáo chính sách đối với các đồng chí đã hy sinh và tìm phương án tốt nhất đưa thi hài các đồng chí cán bộ cao cấp về nước an toàn. BTL Khu vực 471 họp khẩn và từ đây, những mệnh lệnh được ban bố nhằm bảo quản tốt nhất thi hài các đồng chí cán bộ cao cấp chuyển về nước, thực hiện thật chu đáo việc an táng đồng đội hy sinh. Tiểu đoàn sửa chữa X340 chuẩn bị quan tài hai lớp (trong sắt, ngoài gỗ). Quân y BTL thực hiện ướp thi thể bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển bằng ô tô dài ngày, đường xấu. Nén đau thương, cả BTL vào cuộc ngay đêm đó...

Hai chiếc xe ZiL-157 tốt nhất của BTL sẵn sàng chuyển bánh. Xe thứ nhất chở thi hài Chính ủy Đặng Tính do Phó chính ủy BTL Khu vực 471 Dương Văn Hòa chỉ huy. Xe thứ hai chở thi hài Chính ủy Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình và thi hài Cục phó Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn Nguyễn Xuân Yêm do Thiếu tá Hồ Mại, Trưởng ban Bảo vệ chỉ huy. Các đồng chí vệ binh nắm chắc tay súng đã yên vị trên xe. Tư lệnh BTL Khu vực 471 Nguyễn Lạn ra lệnh xuất phát. Xe từ từ chuyển bánh giữa dòng cán bộ, chiến sĩ đứng hai bên đường đưa tiễn, lặng lẽ giơ tay chào theo điều lệnh từ biệt những con người ưu tú về nước. Trang nghiêm, tĩnh lặng, mọi người dõi theo đoàn xe lên dốc vượt Trường Sơn với niềm tiếc thương vô hạn và cầu mong cho chuyến đi an toàn về đất mẹ.

NGUYỄN KIM CHÚC