Đại tá Nguyễn Văn Ngoan kể rằng, Chiến dịch Đường 14 Phước Long mở màn vào đêm 13-12-1974. Lực lượng vũ trang tỉnh gồm: Đại đội 11, Đại đội 13 đặc công và Tiểu đoàn bộ binh 208 đánh Chi khu Bù Đốp “lưu vong”. Gọi là “lưu vong” vì sau Chiến dịch quân sự năm 1972, ta giải phóng Lộc Ninh, tàn quân địch chạy về khu vực này lập nên Chi khu Bù Đốp. Lúc này, ông là Thượng úy, Huyện đội phó Huyện đội Bù Đốp trực tiếp chỉ huy Đại đội 1 của huyện chặn lực lượng chi viện của địch. Chi khu Bù Đốp “lưu vong” đóng trên đồi có 4 ấp chiến lược bao bọc. Các cơ quan ngụy, cảnh sát và bộ máy tề ấp cũng tập trung quanh 4 ấp chiến lược này. Bù Đốp lúc này đưa dân ra ngoài, hạn chế ở trong ấp, nhất là ban đêm lo cho dân sản xuất, chống đói, đào hầm hào ẩn nấp chống máy bay ném bom vào vùng giải phóng; xây dựng lực lượng vũ trang huyện có 1-2 đại đội bộ binh cùng dân quân, tự vệ vững mạnh.

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan mở tủ lấy ra tấm ảnh ông đang huấn luyện bắn súng cho các chiến sĩ nữ dân quân. Ông kể: “Chi khu Bù Đốp rất kiên cố, với 5 lô cốt lớn và 10 lô cốt nhỏ. Xung quanh chi khu, địch bố trí 4 lớp hàng rào, mỗi lớp cách nhau 5-10m xen kẽ giữa dây thép gai và rào tre. Chúng còn bố trí những bãi mìn chống đặc công và bộ binh ta tấn công. Hai đầu căn cứ và trước cổng ra vào, địch còn chôn nhiều mìn chống tăng và mìn sát thương. Đã đến “giờ G” (12 giờ đêm) mà hướng Bù Đăng vẫn chưa thấy nổ súng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nóng lòng chờ đợi. Qua 20 phút, Đại đội 11, Đại đội 13 và một đại đội của Tiểu đoàn 208 nổ súng đánh vào chi khu. Sau gần 40 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt toàn bộ quân địch trong chi khu, thu vũ khí, quân trang, quân dụng địch, trong đó có hai pháo 105mm...”.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan và vợ ôn lại kỷ niệm một thời chiến trận. Ảnh: NGUYỄN HIẾN

Khi đó, bộ phận còn lại của Tiểu đoàn 208 phục kích đánh địch hướng Phước Long theo đường núi Bà Rá xuống. Ông Ngoan chỉ huy Đại đội 1 phục kích tại ngã 3 Phước Lộc chặn chi viện địch hướng Phước Bình lên. Một đại đội bảo an địch có xe tăng M113 yểm trợ đánh vào Đại đội 1. Ông truyền lệnh cho các chiến sĩ nằm im để địch đến gần, cách 40-50m mới nổ súng. Khi địch đã vào tầm bắn, ta đồng loạt nổ súng. Xe tăng địch trúng đạn B40, B41 bốc cháy. Địch hoảng loạn, lùi lại củng cố lực lượng, gọi máy bay đến thả bom và pháo bắn ứng cứu chi khu thất thủ. Pháo địch từ căn cứ Phước Long, núi Bà Rá bắn vào đội hình mai phục của ta. Suốt mấy giờ đồng hồ liền, bộ đội ta vẫn giữ vững trận địa và đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Cuộc chiến đấu hết sức căng thẳng, ác liệt...

“Suốt 3 ngày đêm chiến đấu với lực lượng chi viện địch, đại đội do tôi chỉ huy hy sinh 2 đồng chí và bị thương 1. Chúng tôi lưu lại trận địa và liên lạc với Quân đoàn 4 để đánh Bù Đăng. Đến 19 giờ ngày 15-12-1974, không liên lạc được với Quân đoàn 4, lệnh sở chỉ huy cho các lực lượng rút khỏi trận địa về Tỉnh đội nhận nhiệm vụ mới...”, ông Ngoan nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan quê ở tỉnh Hải Dương, nhập ngũ tháng 2-1960. Ông nghỉ hưu năm 1992; hiện gia đình ông cư trú tại khu phố 4, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Từ năm 2002 đến 2015, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước...

DUY HIẾN