Đến thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), chúng tôi được giới thiệu về cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỹ (tức Nguyễn Ngọc Toản), ở địa phương gọi là Ba Toản, hiện trú tại ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc. Ông nguyên là Phân đội trưởng Phân đội Đặc công-Biệt động Phú Quốc, một trong những người vượt ngục từ Nhà tù Phú Quốc. Ông nổi tiếng về những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngụy trên đảo Phú Quốc, hiệu suất chiến đấu rất cao. Có những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy, trinh sát, tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu mà cho đến nay vẫn được các nhà khoa học quân sự dày công nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu và nghệ thuật tác chiến đặc công, như trận đánh đồn “ba góc” Ấp Nùng ngày 6-1-1975...

 

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Nguyễn Văn Mỹ (tức Nguyễn Ngọc Toản) năm 1968. Ảnh tư liệu 

Gặp ông Nguyễn Văn Mỹ ở nhà riêng, chúng tôi được nghe ông kể lại: “Tôi quê ở thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Năm 1955, tôi vào công tác trong ngành thực phẩm tỉnh Sơn Tây. Hơn 7 năm công tác trong ngành, tôi luôn phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Năm 1959, tôi xây dựng gia đình và trước khi nhập ngũ ngày 7-10-1963, tôi đã có hai con (một trai, một gái).

Tôi được biên chế vào trung đội trinh sát của Trung đoàn 46, Sư đoàn 330, Quân khu 3. Đến đầu năm 1966, tôi được tuyển chọn và điều động về Trung đoàn 426 thuộc Cục Nghiên cứu (Cục II), Bộ Tổng Tham mưu. Chúng tôi hành quân về vùng núi Chí Linh (Hải Dương) để huấn luyện. Nội dung huấn luyện là những kỹ thuật trinh sát, cách thu thập tin tức, kỹ năng rà phá, tháo gỡ bom, mìn, sử dụng thuốc nổ, chế tạo vũ khí; kỹ thuật chiến đấu cá nhân; chiến thuật tổ, phân đội... Chúng tôi còn được huấn luyện cách đánh đồn, bốt, chui rào, cắt rào, khắc phục vật cản. Đơn vị lấy đồn Hoàng Gián (nay thuộc phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), đồn do Pháp xây dựng trước đây, để luyện tập các hình thức chiến thuật. Giáo trình, giáo án huấn luyện và nội dung luôn được các giáo viên cập nhật, nhất là tình hình chiến trường miền Nam...

Hoàn thành khóa huấn luyện trinh sát đặc nhiệm, cuối năm 1966, toàn đơn vị về tập trung tại Hội trường UBND tỉnh Hà Tây ở Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội) để làm lễ xuất quân vào miền Nam (đi B) chiến đấu.

Chúng tôi hành quân bằng xe đạp từ Chí Linh về Hà Đông. Sau lễ xuất quân, chúng tôi lên đường ngay, hành quân vẫn bằng xe đạp. Chúng tôi đi qua Thanh Hóa, Quảng Bình, đến bờ Bắc sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị thì để xe lại, hành quân bộ lên phía thượng nguồn sông rồi đi theo đường giao liên phía Tây đường Trường Sơn vào miền Nam. Ngày đi, đêm nghỉ, qua từng cung trạm, theo nhiệm vụ, đơn vị chia thành các tổ bổ sung cho những đơn vị khác nhau và đi rất bí mật. Tổ của chúng tôi có các đồng chí: Đó, Công, Nhật, Hồng, Hoảng, Lộc... đi xuống Sài Gòn-Gia Định, về khu vực huyện Củ Chi và biên chế vào đơn vị Y4. Đơn vị Y4, ngoài chúng tôi từ miền Bắc vào còn được bổ sung đồng chí Bảy Càng, người địa phương. Y4 hoạt động ở các địa bàn huyện Củ Chi, quận Gò Vấp (Sài Gòn-Gia Định) và các địa phương lân cận thuộc các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương hiện nay...

Về Y4 chưa lâu, chúng tôi đã bước vào cuộc chiến đấu chống chiến dịch Cedar Falls của quân đội Mỹ và ngụy càn quét khu vực huyện Củ Chi (tháng 1-1967). Chúng tôi nằm dưới hầm trong địa đạo Bình Mỹ (Củ Chi), trụ bám địa bàn. Địch xăm hầm, càn quét, sử dụng trang thiết bị cơ giới đào xới, lật tung những nơi chúng nghi có hầm trú ẩn của Quân Giải phóng miền Nam và du kích địa phương. Sau cuộc càn, địch rút, chúng tôi củng cố hầm trú ẩn, mở rộng địa đạo, tiếp tục trinh sát nắm địch. Chúng tôi tổ chức các trận đánh địch trên sông Sài Gòn, ở vùng ven, đánh quấy rối địch.

Ở đơn vị Y4 đến cuối năm 1967, chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp tục trinh sát, chuẩn bị tác chiến, dẫn đường cho bộ đội. Chúng tôi dự đoán sắp có chiến dịch lớn nên cả đơn vị phấn chấn, khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Rồi điều mong mỏi cũng đến. Trước Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, chúng tôi được trên phổ biến nhiệm vụ. Đơn vị đặc công trinh sát Y4 chúng tôi được giao đánh vào Trại Tăng thiết giáp Phù Đổng ở Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp của địch. Đây là nơi đặt Bộ chỉ huy Binh chủng Thiết giáp kỵ binh của quân đội ngụy Sài Gòn.

leftcenterrightdel

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Toản. Ảnh: HỒNG HƯƠNG

 Giờ G đến. Sau Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30-1-1968), người dẫn đường đưa đơn vị Y4 chúng tôi vào vị trí tập kết chiến đấu. Khi có lệnh nổ súng, chúng tôi nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, làm chủ Trại Tăng thiết giáp Phù Đổng của địch. Theo hiệp đồng, sẽ có đơn vị đến tiếp quản, song đến chiều 30-1-1968 vẫn chưa có lực lượng đến tiếp ứng. Bấy giờ, địch qua giai đoạn bất ngờ, điều động lực lượng thủy quân lục chiến phản kích, tái chiếm Trại Tăng thiết giáp Phù Đổng. Chúng tôi cố thủ chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng. Tôi dùng súng B40 và hai trái lựu đạn của đồng đội đã hy sinh, tiếp tục đánh địch. Song địch dùng xe tăng bắn sập ngôi nhà chúng tôi cố thủ, tôi bị thương và kẹt trong ngôi nhà đổ nát. Lúc đó khoảng 17-18 giờ, địch kiểm soát toàn bộ trại và tôi bị địch bắt, kéo vào khoang xe bọc thép, chở về trại giam của địch ở Gò Vấp. Chúng đưa tôi đến trung tâm thẩm vấn Mỹ-Việt, dùng đủ mọi cực hình tra tấn, đánh đập, cho vào thùng phuy bịt kín, gõ bên ngoài; ngâm xuống nước... Tôi chỉ khai là người của lực lượng bảo đảm hậu cần, phục vụ chiến đấu. Hơn hai tháng bị bắt, chúng tra khảo tại trung tâm thẩm vấn ở Sài Gòn, rồi đưa đi giam giữ ở khám Hố Nai, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Tháng 4-1968, chúng chuyển tôi cùng với các tù binh khác bằng máy bay ra Trại giam Phú Quốc. Đến Phú Quốc, chúng tiếp tục tra tấn rồi giam chúng tôi ở phòng 6, khu B2, tù binh chiến tranh.

Khoảng hai tháng ở Nhà tù Phú Quốc, lợi dụng khi đi lao động, làm vệ sinh, tôi tranh thủ quan sát xung quanh nhà tù. Nhờ có các đồng chí trong tù ngầm giúp đỡ và kỹ năng trinh sát đặc công đã được huấn luyện từ miền Bắc, đêm 22-6-1968, tôi cùng 5 tù binh là các đồng chí: Tiến, Minh, Hoạch, Thu, Dũng vượt ngục Phú Quốc. Chúng tôi bỏ lại hết quần áo ở trại giam, chỉ mặc quần xà lỏn, dùng bùn trát lên người, khi bùn khô, chúng tôi theo rãnh thoát nước, chui qua các lớp rào thép gai, vượt qua tháp canh của địch... Sau hai đêm vượt ngục, chúng tôi tìm đến xã Dương Tơ là cơ sở cách mạng của ta ở Phú Quốc. Sau đó, chúng tôi được tiếp nhận và tham gia lực lượng vũ trang địa phương, cơ sở đứng chân ở ấp Mới, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang).

Gặp được cơ sở cách mạng, tham gia lực lượng vũ trang huyện đảo Phú Quốc, tôi rất phấn khởi. Từ đây, tôi đem hết sức lực, trí tuệ, lòng nhiệt tình tham gia phong trào cách mạng và chiến đấu cùng cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương”.

DƯƠNG NAM HÒA