Những ngày tháng bị giam cầm ở đây, ông cùng đồng đội như sống trong “địa ngục trần gian” mà không bao giờ nghĩ có thể trở về.

Tâm thư bằng máu

Gặp ông Lê Đình Phê trong những ngày đông giá rét, vết thương cũ trên đôi chân tập tễnh vì bị địch tra tấn của ông cũng vì thế mà tái phát. Nén nỗi đau, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ.

Ngày 5-8-1969, chàng thanh niên Lê Đình Phê vừa tròn 17 tuổi nhưng chỉ cao hơn 1m50 và nặng 36kg. Chiến tranh lúc đó diễn ra ác liệt, nhìn bạn bè cùng trang lứa đi bộ đội hết nên dù không đủ tuổi nhập ngũ, Phê vẫn quyết định viết tâm thư bằng máu để xin nhập ngũ. Ông được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2-Hải Hưng (trước đây). 6 tháng sau, ông được cử về Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51, Công trường 9. “Những ngày này, địch tấn công ác liệt lắm. Chúng thả bom liên tục. Nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Nhưng không vì thế mà quân ta nhụt chí...”-ông Phê kể.

leftcenterrightdel
Thương binh Lê Đình Phê ôn lại những tháng ngày trong nhà tù Phú Quốc. Ảnh: DUY HIỆP.

Đến tháng 2-1971, trong trận đánh tại thị trấn Trúc, Campuchia, ông và đồng đội đã quyết tử với địch. Trận chiến đó, rất nhiều đồng đội của ông đã không thể trở về, còn ông bị địch bắn trọng thương. Ông ngã gục xuống đất, nằm bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông mới biết mình bị địch bắt và đưa về tổng y viện cộng hòa Sài Gòn điều trị để hỏi cung. “Khi tỉnh lại, tôi nghe kể mình vừa trải qua ca phẫu thuật gắp đạn và cắt một đoạn ruột do bị trúng đạn. Ngay sau đó, địch cho người đến tra khảo, hỏi cung. Rồi chúng truy xét về tung tích bản thân, hành trình di chuyển, các căn cứ của quân ta. Tôi không trả lời nên bị chúng đánh tới tấp…”-ông Phê nhớ lại.

Sau 9 tháng vừa điều trị vừa tra khảo, biết không moi được gì từ ông, chúng chuyển ông về nhà tù Hố Nai (Biên Hòa). Tại đây, ông và đồng đội bị địch biệt giam, thỉnh thoảng chúng lại lôi ra tra tấn, hỏi cung. Nhưng chúng không thể khai thác được gì, bởi với phẩm chất của người lính gan dạ, anh dũng, ông thà hy sinh chứ không khai báo. Đến tháng 9-1972, chúng đày ông Phê ra nhà tù Phú Quốc, cho đến ngày 17-3-1973, ông mới được trả tự do.

Những ngày ở “địa ngục trần gian”

“Tôi nghĩ mình chẳng còn sống để quay về. Ngày nào địch cũng lôi chúng tôi ra tra tấn dã man. Nhiều đồng đội của tôi đã không chịu nổi sự hành hạ, tra tấn của chúng mà bỏ mạng nơi này”-ông Phê kể-“Lần tra tấn kinh khủng nhất là chúng treo tôi lên, tra khảo trong 4-5 tiếng đồng hồ. Tôi nhất quyết không khai, lại đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự do. Tức tối, chúng đã lấy dao cắt gân chân của tôi. Máu chảy ròng ròng. Còn những đồng đội khác của tôi, người thì bị chúng dùng búa đập vỡ răng, giội nước nóng lên người, người thì bị đóng đinh vào đầu ngón tay, vào các khớp xương. Dã man hơn nữa, chúng bắt nhiều chiến sĩ nhốt vào thùng phuy sắt chứa đầy nước rồi dùng búa gõ mạnh bên ngoài...”.

 Thế nhưng, giữa câu chuyện đau thương ấy, chúng tôi lại thấy trong mắt ông ánh lên niềm vui khi nói về những hoạt động bí mật. Sống giữa “địa ngục trần gian” ấy, các ông vẫn tổ chức các buổi sinh hoạt Đảng, các buổi đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự do, tổ chức các lớp học về văn hóa, lớp học nghề, học năng khiếu... Sau khi được trao trả tự do, ông được đưa đến Tuyên Quang an dưỡng. Đến tháng 11-1974, ông xin phục viên về quê. Những ngày sống tại quê hương, ông luôn đau đáu tìm gặp lại những đồng đội từng một thời bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc. Ông cùng đồng đội cũ thành lập “Ban liên lạc Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Khoái Châu” nhằm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, cùng ôn lại kỷ niệm thời còn trong quân ngũ, những ngày bị địch hành hạ ở nhà tù Phú Quốc...

ĐÀO MẾN