Trưởng thành từ những cuộc “thử lửa”

Nhân vật đặc biệt chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc là cụ Nguyễn Văn Mỹ (bí danh Ba Toản), 84 tuổi, hiện sinh sống tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vốn là con nhà võ, lại được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh nên hiện cụ Ba Toản vẫn khá tráng kiện, minh mẫn. Ký ức một thời trai trẻ xông pha trận mạc còn vẹn nguyên, sống động, nhưng cụ không muốn nhắc nhiều đến những người từng ở bên kia chiến tuyến: “Trong chiến tranh, họ ở phía bên kia, nhưng thực tại, gia đình, con cháu của nhiều người trong số họ vẫn đang sống ở đây. Nhắc lại những cảnh đạn bom, máu lửa ấy phải rất cân nhắc và thận trọng…”- cụ Ba Toản dặn. Lời nhắc nhở ấy khiến chúng tôi xúc động. Nét đẹp nhân văn của những người chiến sĩ quả cảm năm xưa không chỉ là bề dày chiến công lừng lẫy mà còn ở chiều sâu của văn hóa đối nhân xử thế.

leftcenterrightdel

Cụ Nguyễn Văn Mỹ (Ba Toản) hiện nay.

Nguyên quán cụ Ba Toản ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây trước đây). Năm 1963, khi đang là nhân viên kho vận tại Công ty Thực phẩm Sơn Tây, Nguyễn Văn Mỹ làm đơn tình nguyện nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 46, Sư đoàn 330, đóng quân và huấn luyện tại Nam Định, Hải Dương. Ông được tuyển chọn đào tạo trinh sát đặc công, chuẩn bị lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau hai năm huấn luyện và một năm thực hiện nhiệm vụ ở Bộ Tổng Tham mưu, tháng 10-1966, đơn vị ông nhận nhiệm vụ hành quân vào Nam chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau hơn nửa năm hành quân vượt núi, băng rừng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, cuối mùa khô năm 1967, đơn vị đến được vị trí tập kết tại Tây Ninh. “Khi xuất phát hành quân, đơn vị có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, nhưng vào đến nơi thì chỉ còn hơn 100 người. Rất nhiều đồng chí hy sinh do sốt rét, bệnh tật, bị địch phục kích, ném bom vào đội hình. Vào đến miền Nam, chúng tôi ai cũng rực lửa căm thù, chỉ muốn nhận nhiệm vụ chiến đấu ngay để trả thù cho đồng đội, giải phóng đất nước, quê hương”-ông kể bằng giọng ngậm ngùi.

Từ vị trí tập kết, Thượng sĩ Nguyễn Văn Mỹ với bí danh Ba Toản được cấp trên biên chế vào đơn vị Trinh sát Đặc công Y4 Sài Gòn-Gia Định giữ cương vị Phân đội trưởng Phân đội 1, chỉ huy 9 chiến sĩ thuộc quyền. Nhiệm vụ của phân đội do Ba Toản chỉ huy là phối hợp với bộ đội địa phương Củ Chi thực hiện trinh sát địa bàn, phục kích đánh địch từ Củ Chi vào đến khu vực Bình Mỹ, Gò Vấp (Sài Gòn). Đêm 30 Tết Mậu Thân, Ba Toản nhận mật lệnh chỉ huy phân đội tấn công trên hướng chủ yếu, mở cửa đánh chiếm bộ chỉ huy thiết giáp của địch tại trại Phù Đổng, Gò Vấp. Đây là mục tiêu đã được trinh sát, điều nghiên kỹ lưỡng trước đó. Bị đánh úp bất ngờ, địch không kịp trở tay. Bộ chỉ huy thiết giáp nhanh chóng nằm dưới quyền kiểm soát của ta. Theo hiệp đồng từ trước, Ba Toản và các đồng chí của mình nhanh chóng làm chủ các mục tiêu, đợi đơn vị bạn đến tiếp quản. Nhưng rồi kế hoạch bất thành. Ngày hôm sau, địch phản công dữ dội, lấy lại bộ chỉ huy. Ba Toản và đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Người hy sinh, người bị thương, sa vào tay giặc. Ba Toản bị thương nặng và ngất do hơi cay. Khi tỉnh dậy, ông thấy toàn thân quấn băng trắng toát, bị giam trong một căn phòng tối om. Sau hơn một tuần tra tấn, nhục hình, không moi được ở Ba Toản tin tức gì, địch tống giam ông vào nhà tù Biên Hòa, sau đó đày ra “chuồng cọp” Phú Quốc.

Chiến công và nốt trầm

Đêm 22-6-1968, được sự sắp xếp, tổ chức của Chi bộ Đảng trong tù, Ba Toản cùng 5 tù nhân khác thực hiện cuộc vượt ngục táo bạo. Họ đằm mình dưới mương thoát nước đầy bùn và chất thải xú uế, vận dụng kỹ thuật hóa trang của đặc công qua mắt đám cai ngục và chó nghiệp vụ, gỡ hàng rào thoát ra ngoài. “Chui ra khỏi lớp hàng rào cuối cùng, chúng tôi cứ nhắm núi cao mà tiến. Ngày trốn trong rừng, đêm lần đường đi. Vượt qua những địa danh như bưng Ba Gà, cầu Sấu, Dương Tơ… đến đêm thứ ba, chúng tôi gặp được lực lượng trinh sát của Huyện đội Phú Quốc. Anh em đưa chúng tôi về gặp đồng chí Ba Lon, Huyện đội trưởng. Ba ngày sau, chúng tôi được đưa về cứ”-cụ Ba Toản nhớ lại.

leftcenterrightdel

Nguyễn Văn Mỹ (bên trái) cùng đồng đội tại Trung đoàn 46, Sư đoàn 330 (năm 1963), huấn luyện trinh sát đặc công tại Nam Định.  Ảnh tư liệu

Thời kỳ này, phong trào cách mạng ở Phú Quốc rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn do lực lượng vũ trang địa phương chưa đủ mạnh, thiếu những cú đấm trực diện, bất ngờ vào các căn cứ của địch. Ba Toản đề xuất thành lập phân đội ĐCBĐ và được trên đồng ý ngay. Ban đầu phân đội chỉ có 10 người, phần lớn là anh em tù vượt ngục, sau được kiện toàn lên đến 33 người, do đồng chí Tư Phước làm chỉ huy trưởng, Ba Toản là cán bộ huấn luyện. Vài tháng sau, khi đồng chí Tư Phước về đất liền, nhiệm vụ chỉ huy phân đội được giao cho Ba Toản. Đồng chí Năm Chì, cán bộ Huyện đội Phú Quốc được tổ chức cử sang Campuchia tìm vũ khí, bí mật đưa về bằng đường thủy một chiếc ghe chở hơn chục khẩu B.40, AK, CKC… cùng đạn các loại và lựu đạn. Lương thực phục vụ cho phân đội do địa phương cung cấp. Thời điểm cao nhất, quân số của phân đội lên đến hơn 40 người.

Ông Phạm Văn Út, 69 tuổi, thương binh hạng 3/4, ngụ tại Phú Quốc kể lại:

- Anh Ba Toản là người rất giỏi võ, tinh thông kỹ-chiến thuật đặc công. Chúng tôi được anh huấn luyện võ thuật, kỹ thuật bắn súng, cách chế tạo trái nổ (bộc phá), kỹ-chiến thuật trinh sát, ngụy trang, phối hợp công đồn, đánh “nở hoa trong lòng địch”. Chúng tôi vừa huấn luyện, vừa tổ chức trinh sát đánh địch. Anh Ba Toản là người chỉ huy tài năng, dũng cảm. Trong mỗi trận chiến đấu, anh thường tổ chức lực lượng gọn nhẹ, chỉ 3-7 đồng chí, kết hợp với giao liên, bộ đội địa phương dẫn đường. Có khi trinh sát thực địa xong, chờ thời cơ thuận lợi mới đánh nhưng cũng có khi anh chớp thời cơ chiến đấu ngay trong quá trình trinh sát theo phương châm đánh nhanh, rút gọn, “xuất quỷ nhập thần” không để lại dấu vết.

Một số nhân chứng lịch sử kể rằng, nhà cách mạng lão thành quá cố Lâm Kiên Trì, Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Phú Quốc, trong một cuộc họp mặt truyền thống LLVT Phú Quốc đã xúc động nói: “Trước khi có lực lượng ĐCBĐ, Phú Quốc có những thời điểm tưởng chừng không còn lửa cách mạng. Sự lộng hành của bọn chiêu hồi, việt gian, thám báo… khiến hàng loạt cơ sở cách mạng bị phá, nhiều cán bộ bị bắt”.

Sự ra đời và hoạt động của lực lượng ĐCBĐ Phú Quốc khiến địch trong các căn cứ, đồn, bốt lo sợ, hoang mang tột độ. Phong trào cách mạng ở Phú Quốc từ chỗ bị đàn áp dã man đã khôi phục sức sống mạnh mẽ. Gần 40 căn cứ, đồn, bốt của địch nằm rải rác khắp nơi ở Phú Quốc cùng hàng trăm địa chỉ của bọn ác ôn, việt gian, thám báo… đều là những địa điểm bị ĐCBĐ “ghé thăm”. Trận xóa sổ đồn Lùng và tấn công chi khu cảnh sát Phú Quốc diễn ra đầu và giữa tháng 4-1975 là hai trận đánh gây tiếng vang lớn nhất của phân đội ĐCBĐ Phú Quốc. “Khi chúng tôi đề xuất phương án công đồn, đồng chí Hai Tiến, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc rất băn khoăn, sợ anh em không đủ sức, bị thương vong, tổn thất lực lượng nên chỉ đồng ý cho chúng tôi đánh tiêu hao. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết đề nghị được đánh tiêu diệt và cam kết nhất định sẽ hạ được đồn Lùng. Cuối cùng, Huyện ủy cũng duyệt”-cụ Ba Toản nhớ lại.

Đồn Lùng là căn cứ quân sự bảo vệ sân bay Phú Quốc của địch. Sau nhiều ngày trinh sát, điều nghiên, nắm chắc quy luật hoạt động của địch, Ba Toản chỉ huy lực lượng tinh gọn tấn công ngay thời điểm địch sơ hở nhất, chọn hướng tấn công nơi địch chủ quan nhất. Đồn Lùng bị hạ, địch trong các đồn, bốt xung quanh hoảng loạn bỏ chạy thục mạng. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn ấy, chỉ mấy ngày sau, Huyện ủy Phú Quốc tiếp tục duyệt phương án tấn công chi khu cảnh sát của lực lượng ĐCBĐ.

Những chiến thắng vang dội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dọn đường cho lực lượng giải phóng làm chủ Phú Quốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, phân đội ĐCBĐ Phú Quốc tự giải thể. Cán bộ, chiến sĩ được phân công những nhiệm vụ khác nhau, có người ở lại Phú Quốc sinh sống, có người trở về quê hương. Ba Toản được điều về công tác tại Tỉnh đội (Bộ CHQS tỉnh) Kiên Giang đến khi nghỉ hưu. Thành tích, chiến công rất vẻ vang nhưng do công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử của địa phương còn hạn chế nên cho đến nay, hình ảnh, tư liệu, sự ghi nhận công trạng của phân đội ĐCBĐ Phú Quốc còn rất khiêm tốn. Đây không chỉ là tâm tư của những cán bộ, chiến sĩ đội viên đặc công năm xưa, nay đã tuổi già, sức yếu, mà còn là món nợ của chúng ta đối với thế hệ cha anh.

PHAN TÙNG SƠN