Theo phương án thì đây là trận đánh mật tập, có tham gia của đặc công, hỏa lực bắn yểm trợ, bộ binh đánh chiếm mục tiêu với tinh thần đánh nhanh, diệt gọn. Đúng giờ G ngày 9-6-1972, Đại đội Trinh sát 21, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 chúng tôi mở màn trận đánh. Mặc dù chiến đấu ác liệt nhưng đơn vị không chiếm được đồn địch, do vậy, ta phải chuyển từ đánh vây ép sang tập kích, phòng ngự địch đánh ra và phải kéo dài gần chục ngày.
Khoảng 8 giờ ngày 16-6-1972, địch tăng cường bộ binh, xe M113, trực thăng đổ quân xuống, tổ chức tấn công mãnh liệt vào đội hình đơn vị. Địch dùng pháo bắn dọn đường, máy bay trinh sát L-19 chỉ điểm, rồi xe tăng, bộ binh tiến công nhiều lần vào đội hình chính diện của ta. Song chúng bị ta kháng cự quyết liệt, đến trưa thì phải lui quân.
Sau khi ổn định lại, địch tổ chức vòng đánh tạt sườn vào phía đơn vị. Chúng chia thành nhiều tốp, nhiều hướng tiến công vào trận địa của ta. Cũng như những lần trước, chúng bị ta đánh trả quyết liệt. Ở hướng đơn vị tôi, một cánh quân của địch tiến vào trận địa. Khi địch cách tôi chỉ vài chục mét, tôi nhìn rõ từng tên lính lố nhố trên xe. Lúc này chỉ còn một băng đạn và một quả lựu đạn, tôi tự nhủ: “Mình có thể chết cùng quả lựu đạn này với bọn chúng, nhưng không thể lùi bước”. Rơm rạ cháy, khói lửa mù mịt cả cánh đồng khiến địch khó phát hiện vị trí quân ta.
    |
 |
Đại tá Mai Đăng Trình (bên trái) và đồng đội tại Tây Ninh, năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khoảng 5 giờ chiều, địch rút quân. Tiếng xe xa dần, tôi ra khỏi công sự, hai chân tê dại vì co chân cả ngày trong hầm. Sau đó, các đơn vị thu dọn, kiểm tra lại quân số và vũ khí chiến đấu, thu dung thương binh, tử sĩ. Đại đội tôi, anh Hùng, anh Xuân và một số anh em hy sinh; anh Nơi, anh Thắng và nhiều người nữa bị thương. Sau trận này, tôi được Trung đoàn tặng giấy khen. Đơn vị về củng cố, bổ sung lực lượng và lật cánh sang phía Tây giúp bạn Campuchia. Cuối tháng 4-1974, đơn vị tôi trở lại Long Khốt. Lần này, chúng tôi đã xóa sổ được Chi khu Long Khốt.
Năm 1999, trong một lần cùng đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đi khảo sát tuyến biên giới Tây Nam, tôi có dịp thăm lại Long Khốt. Hai bên đường, những cánh rừng tràm xanh ngắt, bình yên, quang cảnh thay đổi không nhận ra nữa. Được biết, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt đã chiến đấu rất dũng cảm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đi quanh đồn, trước nhà ban chỉ huy, những chậu hoa nở rộ, không còn dấu vết gì của chiến tranh để lại. Anh cán bộ đồn dẫn tôi ra bờ sông, bảo: “Những người già ở đây nói năm 1972, bộ đội ta đánh nhau ác liệt lắm”. Đôi mắt ầng ậc nước, tôi khẽ bảo: “Mình cũng là nhân chứng trong trận đánh đó đấy!”. Giữa khói hương bảng lảng, tôi thẫn thờ đứng nhìn dòng sông nước lững lờ trôi. Hai bên bờ, từng mảng lộc bình xanh mướt đang độ ra hoa tím ngắt. Nhớ cảnh cũ, người xưa, tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt. Nơi đây, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống khi đang tuổi thanh xuân. Sau nhiều năm, không ngờ tôi lại có dịp đứng trên mảnh đất này...
HOÀNG QUÝ LÊ
(Theo lời kể của Đại tá Mai Đăng Trình, nguyên cán bộ Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)