I. Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh (7-4-1972/ 7-4-2022), chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa. Trong đoàn có những người cách đây nửa thế kỷ là lính chiến, nay trở thành tướng lĩnh, từng được giao trọng trách chỉ huy nhiều đơn vị lớn của Quân đội...
Trước khi đến Lộc Ninh, chúng tôi dâng hương tại Khu di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Đây là trận địa chốt chặn của Sư đoàn 7 (nay thuộc Quân đoàn 4) mùa hè 1972. Thời ấy, khi các chiến sĩ ta bám trụ 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị thì ở đây, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mà nòng cốt là Sư đoàn 7 đã chốt chặn 150 ngày đêm với sự hy sinh của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ. Địch dồn hết binh lực với tổng lực vũ khí, khí tài để chiếm lại Lộc Ninh. Bức tường thép do Sư đoàn 7 chốt chặn dọc Đường 13 này đã phá tan ý định của chúng. Cuộc chiến đấu chốt chặn Đường 13-Tàu Ô-Xóm Ruộng đã được đưa vào giảng dạy tại các trường đào tạo cán bộ trong Quân đội. Trong khói hương nghi ngút, nước mắt chúng tôi nhòe mi trước tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ được khắc trên đá hoa cương trong đền tưởng niệm.
    |
 |
Đoàn cựu chiến binh của các đơn vị tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 dâng hương tại Khu di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Ảnh: ANH TRẦN
|
II. Chúng tôi đến Lộc Ninh để chọn vị trí xây dựng tượng đài chiến thắng. Sân bay quân sự của quân đội Sài Gòn năm xưa nay thành rừng cao su bạt ngàn. Tháng 4-1972, bước vào Chiến dịch Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174 của chúng tôi (lúc ấy mang phiên hiệu Trung đoàn 2 thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5, Quân khu 7 ngày nay) được giao làm mũi chủ công tiêu diệt Chiến đoàn 9 ngụy Sài Gòn chiếm giữ tại đây.
Đại tá Lê Thanh Song, nguyên Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7, một trong những người trực tiếp chiến đấu giải phóng Lộc Ninh đầu tháng 4-1972, nay sắp bước vào tuổi bát tuần song vẫn tham gia đội quân thiện nguyện của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Ông cho biết: Để tiêu diệt Chiến đoàn 9 ngụy, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã nằm xuống. Đấy là chưa kể hàng trăm liệt sĩ của các đơn vị phối thuộc. Chính vì thế, việc lập bia không chỉ để nhắc nhớ về chiến thắng mà quan trọng hơn là ghi nhớ tên tuổi liệt sĩ-những “anh hùng chưa được tuyên dương” đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây để đất nước ta có ngày hôm nay.
Nhớ lại ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được giải phóng. Chiến đoàn 9 ngụy Sài Gòn bị tiêu diệt. Đang cùng các đơn vị bạn hiệp đồng tác chiến đánh địch phản kích dọc Đường 13, chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc dọc Đường 7 Campuchia xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Khí thế của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn ngày ấy hừng hực. Chúng tôi di chuyển bằng đủ loại phương tiện: Ô tô, xe kéo, xe đạp và cả những chiếc xe lôi do bà con Việt kiều trợ giúp. Đầu tháng 6-1972, Trung đoàn 174 chúng tôi được giao tiếp tục làm đơn vị chủ công đánh chiếm yếu khu Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An bây giờ. Trước lúc xuất quân, chúng tôi được tin Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, trong đó có sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52. Sục sôi căm thù, từ những cánh rừng thốt nốt, chúng tôi vượt sông tiến công các căn cứ của địch dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Các đồn: Thông Bình, Cà Vàng, Cây Cải, Sóc Con Trăng... đều bị đơn vị chúng tôi tiêu diệt. Tại yếu khu Long Khốt, một cứ điểm mang tính yết hầu nơi cửa ngõ đồng bằng, Trung đoàn 174 đã đánh nhiều lần, hy sinh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Bằng tinh thần chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả ấy, chúng tôi tự hào “chia lửa” với hậu phương lớn miền Bắc, góp phần làm nên thắng lợi ở Hội nghị Paris và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trở lại chiến trường xưa, từ Lộc Ninh đến Long Khốt, không chỉ có các vị tướng lĩnh mà tất cả chúng tôi-những người đã trực tiếp chiến đấu tại đây-đều rưng rưng xúc động. Gương mặt những liệt sĩ, đồng đội một thời kháng chiến với nụ cười tuổi hai mươi tiếp sức cho chúng tôi trên hành trình đi tìm đồng đội, giữ mãi mùa xuân.
Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN