Từ năm 1972 đến 1975, Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) được phân công làm mũi chủ công của Công trường 5 (Sư đoàn 5) Quân Giải phóng miền Nam tiến công chi khu quân sự có vị trí chiến lược trọng yếu này. Tháng 6-1972, trận đánh đầu tiên diễn ra trong 3 ngày, ta không nhổ được căn cứ địch. Lực lượng ta bị tiêu hao nặng.
Chiến dịch mùa khô 1973-1974, Trung đoàn 174 lại được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt chi khu Long Khốt. Lần này, cấp trên tăng cường cho đơn vị một tiểu đoàn đặc công, hai khẩu pháo 85mm và 3 xe thiết giáp PT85... Đêm 28-4-1974, các đơn vị tiềm nhập chiếm lĩnh trận địa. Rạng sáng 29-4-1974, lực lượng đặc công dùng bộc phá mở toang hai cửa mở, cùng lúc các loại pháo 85mm nòng dài, ĐKZ 82mm và các loại súng cối bắn phá các mục tiêu trong chi khu Long Khốt. Bị đánh quyết liệt nhưng tiểu đoàn 502 biệt động quân ngụy vẫn ngoan cố chống trả và yêu cầu không quân cùng pháo binh từ gò Măng Đa và tiểu khu Mộc Hóa chi viện. Sau một ngày chiến đấu ác liệt giành nhau từng tấc đất với địch, ta đã giải phóng được chi khu Long Khốt, mở toang cánh cửa cho đại quân ta tiến về Đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây Trung đoàn 174 cùng các cánh quân của Đoàn 232 vượt Đồng Tháp Mười về chốt chặn Quốc lộ 4 và giải phóng thị xã Tân An (nay là TP Tân An, tỉnh Long An) vào trưa 30-4-1975.
    |
 |
Tác giả (bên phải) và cựu chiến binh Trình Tự Kha trên dòng sông Long Khốt. |
Để có chiến công ấy, tại khu vực Long Khốt, Thái Trị, Măng Đa... gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh, trong đó gần 700 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (có lúc mang phiên hiệu Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 5).
Trở lại chiến trường xưa
Cách đây 12 năm, mùa hè năm 2008, chúng tôi, những cựu chiến binh (CCB) thuộc Trung đoàn 174 tham gia đánh Long Khốt trở lại thăm chiến trường xưa. Chi khu Long Khốt-nơi chúng tôi đã “quần nhau với giặc” suốt mấy năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-nay là Đồn Biên phòng Long Khốt. Tiếp chúng tôi, Đại tá Võ Minh Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An khi ấy nói rằng, Long Khốt không chỉ thấm đẫm máu xương bộ đội Sư đoàn 5 thời chống Mỹ mà trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1978, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang nhân dân (nay là BĐBP) hy sinh. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng nói thêm, thời ấy, ngoài bộ đội ta hy sinh còn gần 10 nghìn dân tử nạn vì bom đạn của địch. Đại tá Võ Minh Khánh dẫn chúng tôi đến thắp nhang tại bia tưởng niệm liệt sĩ. Thật ngạc nhiên, trên bia chỉ có danh sách 40 liệt sĩ BĐBP và một số du kích địa phương hy sinh thời bảo vệ biên giới Tây Nam. Còn hàng nghìn đồng đội của chúng tôi hy sinh thời đánh Mỹ thì chưa thấy tên tuổi các anh đâu cả.
Chiều hôm ấy, tại cuộc gặp mặt với chỉ huy BĐBP tỉnh và lãnh đạo địa phương, chúng tôi đề xuất huy động nguồn lực xây dựng tại nơi đây một ngôi đền thờ liệt sĩ. Mọi người ủng hộ ngay. Đại tá Võ Minh Khánh hào hứng: “Rất nên. Hay lắm. Chúng ta sẽ xây dựng ngôi đền nơi cửa ngõ biên giới này để thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây”. “Đền thờ Bác Hồ?”. Tôi hỏi lại, Đại tá Võ Minh Khánh nói thêm, từ sau ngày giải phóng miền Nam, bà con xã Thái Bình Trung, Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) đã chọn ngày 19-5 hằng năm làm ngày tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ trận liệt sĩ.
Từ chiến trường xưa Long Khốt trở về, chúng tôi bàn bạc xúc tiến ngay việc xây đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ tại Long Khốt. Tôi và CCB Trình Tự Kha, khẩu đội trưởng ĐKZ trực tiếp đánh Long Khốt (đợt 2) nay là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Golf Việt Nam phân công anh em, nhóm đi vận động tài trợ; nhóm vào Cục Chính trị Quân khu 7 tra cứu danh sách liệt sĩ... CCB, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Golf Long Thành; CCB Hoàng Minh Sơn và CCB Trình Tự Kha, Bùi Ngọc Nội... mỗi người một cách, người góp tiền, người góp vàng, người góp công phối hợp với BĐBP tỉnh Long An, bà con cô bác Thái Bình Trung, Thái Trị xây nên ngôi đền linh thiêng nơi cửa ngõ biên giới Tây Nam này. Ngày 19-5-2009, với sự giúp đỡ của Báo Sài Gòn Giải phóng, đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ cạnh dòng sông Long Khốt được khánh thành. Bên cạnh tượng Bác Hồ có danh sách gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Đây cũng là nơi đầu tiên hai câu thơ-cặp vế đối của tôi được khắc trên quả chuông đồng nặng gần 200kg và trên hoành phi đền thờ. Câu đối là: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia.
Sau này, câu đối được nhiều địa phương trong cả nước chọn khắc trên chuông đồng và hoành phi tại các đền thờ liệt sĩ như Long Đại (Quảng Bình), Đá Biên (Long An), Bù Gia Mập (Bình Phước), Ngọc Hồi (Kon Tum)...
Giỗ Bác Hồ và liệt sĩ
Theo phong tục của người Việt, để tưởng nhớ người đã mất, ngày giỗ hằng năm được tổ chức vào chính ngày người đó mất đi (theo âm lịch). Nhưng đối với Long Khốt, Thái Bình Trung, Thái Trị, nơi có hàng nghìn liệt sĩ nằm lại, bà con đề nghị chính quyền và BĐBP chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm ngày giỗ của Người và các anh hùng liệt sĩ. Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này, bà con địa phương tự nguyện phối hợp cùng bộ đội tổ chức giỗ. Chúng tôi, những CCB trực tiếp chiến đấu ở nơi đây từ năm 1972 đến 1975, hầu như năm nào cũng về dự giỗ và là thành viên ban tổ chức.
    |
 |
Thỉnh chuông tưởng nhớ Bác Hồ và các liệt sĩ tại đền thờ Long Khốt. Ảnh: THẾ LONG |
Dần dần, ngày giỗ Bác Hồ tại đền thờ Long Khốt trở thành ngày hội, nét đẹp văn hóa của không chỉ bà con, LLVT vùng Vĩnh Hưng, Đồng Tháp Mười mà của cả khu vực Tây Nam Bộ và nhân dân cả nước. Những năm đầu, chỉ vài trăm người về dự. Gần đây, có chừng trên dưới nghìn người từ khắp nơi đến thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Lễ giỗ diễn ra trong hai ngày. Ngày 18-5, bà con Thái Bình Trung, Thái Trị tự nguyện mang trâu, bò, lợn, gà, tôm, cá và sản vật “cây nhà lá vườn” đến góp giỗ. Buổi tối tại khu vực đồn Long Khốt, sau lễ cúng cáo và thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt, nơi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã hy sinh, là cuộc giao lưu lửa trại giữa bà con địa phương và khách về dự giỗ. Các CCB-nhân chứng lịch sử, kể chuyện đánh giặc; còn thanh niên và nhân dân địa phương kể chuyện về Bác Hồ và báo cáo trước bàn thờ Bác những việc đã làm được, về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. 10 giờ ngày 19-5, lễ giỗ bắt đầu. Sau bài diễn văn của đại diện chính quyền địa phương ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ là lễ trao học bổng, quà tặng gia đình người có công và bà con nghèo vùng căn cứ kháng chiến cũ. Trong số cả nghìn người về dự giỗ, chúng tôi thấy có đại diện chính quyền và LLVT địa phương Campuchia vùng giáp biên.
Việc tình nghĩa khôn nguôi
Lễ giỗ Bác Hồ và giỗ trận liệt sĩ tại đền thờ Long Khốt ngày càng có đông khách thập phương và bạn bè quốc tế tham dự. Để ghi ơn công đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây, năm 1997, UBND tỉnh Long An đã công nhận Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2018, theo đề xuất của Ban liên lạc truyền thống CCB Trung đoàn 174 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sưu tầm tư liệu, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu vực đồn Long Khốt là Di tích Quốc gia. Năm 2019, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và giỗ liệt sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận khu vực đồn Long Khốt là Di tích Quốc gia. Ngày 21-12-2019, tại đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ Long Khốt, UBND tỉnh Long An làm lễ đón nhận danh hiệu cao quý này...
TRẦN THẾ TUYỂN - Đại tá, Trưởng ban Liên lạc truyền thống CCB Trung đoàn 174 tại TP Hồ Chí Minh