Khi cùng đồng đội công tác và chiến đấu ở Trung đoàn, tôi chịu khó ghi nhật ký. Đến năm 2006, tôi mạnh dạn gửi nhật ký thời kỳ tôi ở Trung đoàn 284 đến một số cơ quan báo chí, xuất bản và thấp thỏm chờ đợi. Bỗng một ngày chuông điện thoại của tôi reo vang, đồng đội ở đơn vị cũ báo tin: Có bài viết dài về Ngọc trên Báo Tiền phong số 153, đúng ngày 27-7-2006. Tôi vội đến bưu điện mua ngay tờ báo về đọc, trong lòng đầy xúc động. Nhà báo Đặng Vương Hưng viết rất rõ về tôi. Nhà báo còn chia sẻ, thông cảm với tôi về điều kiện kinh tế sau thời kỳ bao cấp, cuộc sống còn khó khăn, chỉ dựa vào trợ cấp thương tật nên phải nuôi lợn, chăn gà trong khu tập thể của vợ và đi xe lai kiếm thêm thu nhập nuôi 3 con ăn học. Bài báo còn có lời kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ để cuốn nhật ký chiến tranh lấy tựa đề “Trời xanh không biên giới” của tôi được xuất bản.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2023/06/13/kienthai/41 1.jpeg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Tác giả Đặng Sỹ Ngọc và các tác phẩm được xuất bản của mình. Ảnh: THANH HUYỀN
|
3 ngày sau khi bài báo được in, một chiếc xe con của Quân chủng Phòng không-Không quân về quê tìm tôi-thương binh hạng 1/4 Đặng Sỹ Ngọc. Một “đồng nghiệp” cùng làm nghề xe lai chỉ vào tôi, nói: “Đó là Ngọc điếc đấy!”. Nghe vậy, người cán bộ mang quân hàm thượng tá vừa bước xuống xe vui mừng bắt tay tôi và giới thiệu:
- Cháu là Bùi Quốc Tuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 284. Đọc bài viết trên Báo Tiền phong ngày 27-7, cháu rất xúc động và mong được gặp chú.
Tôi khá bất ngờ. Qua trò chuyện một hồi, tôi được biết cháu Bùi Quốc Tuấn là con trai của Tư lệnh Bùi Đăng Tự, người chỉ huy Sư đoàn 673 của chúng tôi năm xưa (khi đó Trung đoàn 284 thuộc Sư đoàn 673, nay là Lữ đoàn 673, Quân đoàn 2). Đồng chí Tự đã anh dũng hy sinh trước lúc vào cửa ngõ Sài Gòn cuối tháng 4-1975. Ôn chuyện cũ, hai chú cháu ôm nhau xúc động. Mãi sau, Tuấn mới nói tiếp: “Cho cháu thay mặt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chúc chú mạnh khỏe và gửi tặng chú cuốn lịch sử Trung đoàn 284. Cháu sẽ báo cáo cấp trên, nếu nhật ký chiến tranh của chú có nội dung tốt, chúng cháu sẽ xin tài trợ để xuất bản”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2023/06/13/kienthai/41 2.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Bìa cuốn nhật ký "Trời xanh không biên giới" của tác giả Đặng Sỹ Ngọc. |
Tôi rút vội trong ba lô đựng kỷ vật chiến tranh một chiếc dù pháo sáng mà tôi còn cất giữ, tặng phòng truyền thống Trung đoàn. Đây là chiếc dù pháo sáng còn nguyên trong ống từ máy bay F-4 của địch bị Trung đoàn 284 bắn hạ tại miền Tây Quảng Trị vào mùa xuân năm 1972 và cũng là chiếc máy bay thứ 223 của Mỹ mà Trung đoàn bắn hạ.
Rất mừng là ngay trong năm đó, cuốn nhật ký chiến tranh “Trời xanh không biên giới” của tôi đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản, ra mắt bạn đọc. Tôi rất vui mừng vì những ghi chép chân thật của mình đã đến tay bạn đọc cả nước, để thế hệ trẻ hiểu thêm về chúng tôi, về Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
ĐẶNG SỸ NGỌC