Đang học thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bùng nổ, anh xung phong nhập ngũ, chuyển sang học lớp thợ pháo X5, Quân khu 3. Sau đó, anh được điều động về làm thợ pháo cho Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284, Sư đoàn 673 (nay là Lữ đoàn 673, Quân đoàn 2) rồi cùng đơn vị cơ động vào địa bàn Quân khu 4. Tôi kém anh 5 tuổi đời, 2 tuổi quân. Sau khi bị thương, tôi đi điều dưỡng ở Đoàn 200, Quân khu 4. Khỏi vết thương, tôi được điều về làm pháo thủ cho Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, đơn vị anh đang công tác.
Thấy tôi hiền lành, vui vẻ, tích cực nên anh rất quý. Ngoài những giờ học chung với tập thể, tôi còn được anh chỉ bảo riêng về tính năng, tác dụng của khí tài phòng không. Qua trò chuyện, biết tôi mồ côi bố từ nhỏ, ở quê chưa có vợ, chỉ có mẹ và một em gái nhỏ nên anh luôn gần gũi, động viên. Anh rất vui khi thấy tôi thao tác thuần thục đủ các số của khẩu đội pháo.
Rồi tôi được điều làm chiến sĩ nuôi quân, sau đó là tiểu đội trưởng hậu cần. Ít lâu sau, tôi được thăng quân hàm Trung sĩ ngang với quân hàm của anh và được giao làm quản lý của đại đội. Mà quản lý và quân khí đều ở chung trong bộ phận hậu cần nên anh vẫn luôn giúp đỡ tôi nhiều việc. Tôi đi nhận hàng về mệt nhọc, anh sắp xếp kho lương thực giúp. Có đêm tôi phải thức để cân bằng sổ sách cho kịp báo cáo, anh nhắc tôi giữ gìn sức khỏe. Nhiều đêm, tôi được phân công gác bảo vệ, thấy tôi mệt mỏi, anh gác thay. Anh dành cho tôi sự yêu thương, giúp đỡ thật chân thành. Một hôm, tôi thủ thỉ đề nghị cùng anh kết nghĩa anh em. Anh vui vẻ trả lời: “Nhưng không được bướng bỉnh đấy!”, rồi anh đưa ngón tay trỏ ngoắc vào ngón tay tôi hứa hẹn như trẻ con.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/07/11/phamthuthuy/received_98232135236204185104211am.jpeg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Tấm ảnh đồng chí Nguyễn Văn Minh gửi lại được tác giả lưu giữ cẩn thận hơn 50 năm qua. Ảnh do tác giả cung cấp |
Cuối năm 1968, Tiểu đoàn 15 được điều động lên phía tây Trường Sơn bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559. Có khi chúng tôi phải nổ súng ngay trên đường hành quân. Các trang bị vũ khí cũng bị tổn thất, hư hỏng nhiều. Nhưng về súng đạn, anh Minh vẫn cùng cấp trên bảo đảm đầy đủ cho đơn vị chiến đấu. Anh còn có năng khiếu về hội họa, âm nhạc, luôn vui vẻ với mọi người.
Ngày 1-10-1971, Đại đội 10 của tôi được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc, bắn rơi 32 chiếc máy bay Mỹ. Một lần, tôi đi công tác dân vận trở về, thấy vẻ mặt anh buồn buồn. Tôi hỏi anh: “Có việc gì vậy?”. Anh nói: “Mình không được ở với Ngọc nữa rồi. Cấp trên điều Ngọc ra đơn vị trinh sát chỉ huy pháo!”. Công việc của tôi càng nặng nề, dồn dập hơn. Nhất là sau đó, đơn vị có lệnh cùng các quân, binh chủng hợp đồng quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Tôi phải đi trinh sát địa hình liên miên để tổ chức cơ động cùng mặt trận. Mỗi lần được về đơn vị nghỉ là đã có hầm anh làm giúp để tôi phòng tránh.
Một ngày cuối tháng 6-1972, trong một trận đánh trả máy bay ở gần cầu Đông Hà, hầm của tôi bị đất vùi chừng 2m. Anh em tập trung đào bới, lôi tôi lên trong lúc địch vẫn còn bắn phá. Thấy mặt mũi tôi bê bết máu nhưng vẫn còn thở, đơn vị khẩn trương đưa tôi đi cấp cứu. Trước khi tôi đi, anh Minh vừa khóc vừa loay hoay chuẩn bị đầy đủ tư trang cho tôi vào ba lô. Anh rút trong túi ra một tấm ảnh, nói:
- Đây là vợ con anh. Chị Phương và cháu Bình hiện ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm (Hà Nam ngày nay). Ngọc ra Bắc điều trị cho lành rồi tìm chị và cháu nhé!
Nhưng tôi không ra Bắc, chỉ điều trị tại bệnh xá trung đoàn ở Vĩnh Chấp chừng nửa tháng. Sức khỏe ổn định, tôi xin bác sĩ trở về đơn vị. Đang giải quyết giấy tờ, bỗng chỉ huy trạm xá cho biết Đại đội 10 của tôi cùng một số đơn vị đánh chiếm sân bay Ái Tử thành công. Nhưng trong trận đánh ấy, anh Minh đã anh dũng hy sinh. Lặng đi vì thương xót anh, rồi tôi lại nhanh chóng trở về đơn vị. Thầm nghĩ đến vợ con anh khi biết tin này, trong lòng tôi càng nặng trĩu.
Tháng 7-1972, tôi bị thương nặng tại Ngã ba Long Hưng, nơi cửa ngõ vào Thành cổ Quảng Trị. Từ đó, tôi phải rời vị trí chiến đấu. Trong quá trình điều trị dài, tôi vẫn luôn nhớ đến người đồng đội, người anh kết nghĩa của mình.
Sau này, tôi đã liên hệ nhiều nơi nhờ tìm thông tin về vợ con anh. Một ngày giữa năm 2015, tôi rất đỗi vui mừng, xúc động khi được đón chị Phương và cháu Bình đến thăm nhà ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Thì ra tấm ảnh kỷ vật anh Minh đưa ngày nào, sau khi tôi gửi đăng trên báo, chị Phương đã phóng to và xác nhận tấm ảnh chụp hai mẹ con. Tôi đã hướng dẫn mẹ con chị vào thắp hương phần mộ anh Minh ở Khu B, Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
ĐẶNG SỸ NGỌC