Trưa ấy, tôi ngạc nhiên khi nhận ra một thương binh bị thương vào chân đang ngồi dựa lưng vào thành đá đọc tờ báo Quân Giải phóng của Bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền (B2). Qua tay nhiều người đọc, các trang báo đã nhàu nhưng được vuốt lại thẳng thớm. Những thông tin về chiến thắng của quân dân Nam Bộ in trên tờ báo không còn mới nhưng vẫn làm tôi chú ý. Điều làm tôi xúc động nhất là sự xuất hiện của tờ báo ở nơi vừa xảy ra chiến sự ác liệt. Cũng tại Hang Hòn này, tôi còn được thấy cuốn sách “Tổ tiên ta đánh giặc” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Người chiến sĩ quê Nam Bộ khi đọc cuốn sách đã nói với tôi rằng: Cha ông ta thật tài tình và mưu lược, đã làm thất bại bao cuộc xâm lăng của giặc phương Bắc. Nếu không có những cuốn sách như vậy thì làm sao ngày nay ta đánh thắng được kẻ địch mạnh gấp bao nhiêu lần. Không biết đường đi của cuốn sách, nhưng ở đây anh không phải là người đầu tiên đọc nó. Nhiều trang sách bị nhàu rách, bung chỉ, ai đó đã kỳ công đóng lại.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Mùa mưa năm 1972, trong một lần cùng bộ đội ra thay quân chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 cho đơn vị bạn, tôi rất bất ngờ khi bắt gặp cảnh tượng có thể nói là hiếm có ở mặt trận. Cuộc thử sức đẫm máu giữa ta và địch đã kéo dài 150 ngày đêm. Địch phải tìm mọi cách “nhổ” bật chốt Tàu Ô và chúng đã huy động tối đa lực lượng B-52, phi pháo đêm ngày oanh tạc vào trận địa ta. Trong phạm vi chừng hơn một cây số vuông, mỗi ngày đêm chúng giội hàng trăm tấn bom đạn. Nhưng dựa vào những căn hầm chữ A, quân ta vẫn thay nhau trụ bám, đánh lui nhiều đợt tấn công của chúng. Dưới sức công phá của bom đạn địch, khu vực Tàu Ô đã trở thành bình địa. Nhưng từ trong đống đổ nát ngổn ngang đó, sự sống vẫn tồn tại một cách mãnh liệt. Trên vách hầm, tôi đã nhận ra một tờ báo Quân đội nhân dân. Lâu lắm rồi tôi mới được cầm tờ báo trên tay. Không biết ai đã đem tờ báo ấy từ hậu cứ ra nơi bom đạn hủy diệt này? Chốt vừa phải trải qua một đợt bom B-52, căn hầm sạt lở, đất đá lấp đầy cửa hầm, phải lách người mới chui vào được. Tờ báo không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ lấm bùn, có cả những vết máu đã thẫm màu nhưng nó như một ngọn lửa giữa đêm đông giá lạnh, sức sống phi thường nơi chết chóc. Việc xuất hiện tờ báo Quân đội nhân dân ở tọa độ lửa này có thể coi là một sự kiện hy hữu. Cho tới khi tôi cầm đọc, thời gian đã trôi qua gần 3 tháng kể từ khi xuất bản và tờ báo cũng tham gia chốt chặn với bộ đội nhiều ngày, có chỗ nét chữ đã mờ, nhưng chỉ cần sự có mặt của nó cũng làm ấm lòng các chiến sĩ, truyền sức mạnh, tình cảm của hậu phương miền Bắc cho họ chiến thắng kẻ thù. Thú thật, khi nhìn thấy tờ báo giữa tơi bời bom đạn, tim tôi đã nghẹn lại vì xúc động. Một hình ảnh thật hiếm hoi trên chiến trường. Bao nhiêu đồng đội của tôi, những người thay nhau giữ chốt đọc nó, có người đã hy sinh nhưng sự cổ vũ của tờ báo thì vẫn nguyên giá trị. Và tờ báo vẫn cứ “sống”, chiến đấu cùng chiến sĩ cho tới khi kết thúc những ngày chốt chặn. Giờ đây nghĩ lại, thật tiếc nuối. Giá hồi ấy mình mang được tờ báo ấy về trao tặng phòng truyền thống của Báo Quân đội nhân dân thì quý biết bao nhiêu. Nhưng chiến tranh nay đây mai đó, điều ấy thật khó thực hiện...

LÊ VĂN VỌNG