Năm 1968, chưa đầy 18 tuổi, Nguyễn Xuân Diệu nhập ngũ. Sau một thời gian ngắn ở đơn vị bộ binh, ông được điều sang Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 31, Bộ Tham mưu Quân khu 4. Năm 1970, Tiểu đoàn Đặc công 31 sang giúp nước bạn Lào với tinh thần quốc tế cao cả. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, Tiểu đoàn Đặc công 31 đã thể hiện vai trò của một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ với nhiều trận đánh xuất sắc. Đồng chí Nguyễn Xuân Diệu kể: “Đại đội tôi có nhiệm vụ đánh chiếm lại Mường Mọc, tỉnh Xiangkhouang (Lào), nơi có khoảng hai tiểu đoàn địch chiếm đóng. Hôm ấy mưa to, gió lớn, hết gạo, đói lắm nhưng tinh thần của bộ đội ta rất cao, không sợ gian khổ, hy sinh. Quân địch dùng máy bay thả bom bi, đốt pháo sáng. Chúng nghĩ bộ đội ta không thể tiến vào được. Nhưng chúng không thể ngờ rằng đơn vị tôi vẫn quyết tâm ngụy trang, vượt qua nhiều lớp hàng rào dây thép gai, áp sát mục tiêu, nổ súng và tiêu diệt gọn 186 tên địch...”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/06/12/kienthai/34 1.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Diệu (thứ ba, từ phải sang) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 31, Bộ Tham mưu Quân khu 4. |
Tháng 5-1972, Đại đội 3 rời chiến trường Thượng Lào về tập kết ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Nhà báo Nguyễn Xuân Diệu bồi hồi: “Ngày ấy, tôi vừa đánh trận, vừa làm thơ, viết một số bài tường thuật trận đánh. Sau này tham gia chiến trường Trung Lào, tôi bị thương, rồi về an dưỡng ở Đoàn 70. Tôi không thể nào quên một buổi trưa nóng như đổ lửa, anh Đậu Kỷ Luật, phóng viên Báo Quân khu 4 đến tìm tôi. Thay mặt tòa soạn Báo Quân khu 4, anh gửi cho tôi “nhuận bút” mấy bài thơ được đăng là cuốn sổ cỡ 10x15cm, có lời chúc sức khỏe, động viên tôi xốc tới lập công và cộng tác với báo. Cuốn sổ nhuận bút ấy đã phải “đuổi” theo qua bao trận đánh và trao đến tận tay tôi, làm tôi xúc động quá!”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/13/2022/06/12/kienthai/34 2.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Diệu (đứng thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-2020). |
Năm 1974, Nguyễn Xuân Diệu được Quân khu 4 cử tham gia trại viết văn của Trung ương. Hai tác phẩm “Bên bờ suối ma” và “Chớp lửa đỏ” của ông đã gây ấn tượng với nhiều độc giả. Ngay trong năm đó, truyện ký “Chớp lửa đỏ” in trên Báo Quân đội nhân dân, trở thành một trong những tác phẩm được nhiều bộ đội chuyền tay đọc và yêu thích. Sau đó, Nguyễn Xuân Diệu chính thức trở thành phóng viên Báo Quân khu 4. “Không thể nói hết niềm vui của tôi khi được về tòa soạn. Nhưng tôi hơi giật mình vì gặp toàn những tên tuổi mà lúc ở đơn vị mình vẫn hăng say đọc tác phẩm của họ. Biết suy nghĩ của tôi, các anh động viên: “Chú có vốn sống của người lính trận mạc, là “lính mới” trên mặt trận báo chí nên không tránh khỏi thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp... Phải vững tin ở mình và tích cực học, chú ạ! Khi xuống đơn vị, đến đâu cứ bám lấy anh em cán bộ, chiến sĩ mà khai thác. Vàng cả đấy! Đến nơi, thấy được gì, viết gửi về tòa soạn ngay. Viết tại chỗ cảm xúc mới ngồn ngộn, mới mẻ, bài viết của mình sẽ có sức sống hơn!”, nhà báo Nguyễn Xuân Diệu nhớ lại.
Gần 50 năm viết báo, lăn lộn trên dải đất miền Trung, Nguyễn Xuân Diệu đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng tác phẩm của ông vẫn đều đặn xuất hiện trên các báo từ Trung ương đến địa phương. Hàng chục tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi báo chí và văn học. Gặp chúng tôi, nhà báo Nguyễn Xuân Diệu lúc nào cũng niềm nở, tận tình, truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng viết báo. Ông bảo, niềm hạnh phúc nhất trong đời cầm bút của mình là được viết về đồng đội!
Bài và ảnh: ĐÌNH TRUNG