Những ngày đầu, tổ chúng tôi có nhiệm vụ lặn xuống sông dò gỡ mìn do địch gài lại dưới trụ cầu Phò Trạch thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sự việc này, nhà báo Ngô Thụ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã có bài đăng trên Báo QĐND. 6 năm sau, năm 1981, tôi có duyên về làm phóng viên Báo QĐND và được chính nhà báo Ngô Thụ hướng dẫn đi tác nghiệp.

Đến giữa tháng 7-1975, chúng tôi lại được giao nhiệm vụ gấp rút dò gỡ bom, mìn thuộc xã Bình Điền, huyện Hương Trà (nay là xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi phát hiện một quả bom của Mỹ nằm lộ thiên trong bụi lau trên triền đồi, chúng tôi làm biển báo nguy hiểm, rồi tiến hành khảo sát, xác định loại bom và tìm phương án phá bom. Cuối cùng, cả 3 thống nhất tiến hành tháo kíp nổ của quả bom chứ không phá nổ để tránh chấn động và gây sát thương người dân trong vùng. Chúng tôi dùng bánh thuốc nổ TNT 400g, ốp vào đuôi bom rồi lắp kíp, điểm hỏa từ xa để phá đuôi bom. Việc buộc thuốc nổ vào bom là nguy hiểm nhất. Trước khi vào trận, Hinh nói: “Để mình vào!...”. Yên cũng không chịu: “Thôi, các ông để tôi!...”.

leftcenterrightdel

 Anh hùng LLVT nhân dân Trần Kim Xuân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93 (giữa) tặng hoa các cựu chiến binh

(từ trái qua: Đào Văn Sử, Nguyễn Đức Hinh) năm 2019. Ảnh: ĐÌNH SOẠN

Trước tinh thần quả cảm của đồng đội, tôi thực sự xúc động nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn: “Tôi biết các đồng chí rất dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, nhưng phải tôn trọng tổ chức. Tôi là tổ trưởng, quyết định: Hai đồng chí làm nhiệm vụ cảnh giới. Tôi vào!...”. Nghe đến đây, Hinh ôm lấy tôi: “Sử ơi, mình biết cậu thương mẹ lắm! Nếu có chuyện gì, mẹ cậu chẳng sống được đâu! Mẹ mình thì mất rồi!... Thôi, Sử để mình vào!...”.

Tôi ôm chặt vai Hinh. Còn Yên vốn ít nói, lặng thinh, mắt đỏ hoe. Tôi nhanh tay cầm bánh thuốc nổ TNT và dụng cụ điểm hỏa bước đi dứt khoát. Nhưng khi cách quả bom khoảng 10m, tôi bỗng nhiên run bắn lên, tim đập mạnh, chân như ríu lại... Sau vài giây, tôi trấn tĩnh lại, rồi tiếp tục bước nhanh hơn. Tới chỗ quả bom, tôi không còn biết sợ nữa.?Tôi liên kết chặt bánh thuốc nổ vào đuôi bom rồi quay về hố công sự chúng tôi đã đào sẵn và điểm hỏa. Sau tiếng nổ,  Hinh và Yên từ phía xa chạy ào lên, định xem kết quả. Tôi ngăn lại: “Khoan đã, xuống hố, chờ một lúc xem sao...”. Chờ khói tan hẳn, chúng tôi chạy lên, kiểm tra thấy vỏ đuôi bom bị nứt toác một đường dài hơn 5cm. Tôi liền tháo đầu nổ ra, giơ cao lên, hét to: “Xong rồi Hinh, Yên ơi!...”. Cả ba vui sướng ôm nhau hò hét mà nước mắt chảy tràn trên gương mặt...

leftcenterrightdel

 Bài đăng Báo Quân đội nhân dân ngày 23-2-1976. Ảnh chụp lại

Hơn một tháng sau, Đại úy Trần Kim Xuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93 (sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) từ miền Bắc vào kiểm tra đơn vị, đã đem đầu nổ ấy về trao cho Bộ tư lệnh Công binh. Riêng tôi và Hinh được Quân khu Trị Thiên phong cấp hạ sĩ sớm nhất đơn vị và sau đó được kết nạp Đảng đợt đầu tiên.

Hiện nay, đồng đội của tôi đều còn khỏe. Đại tá Nguyễn Đức Hinh, nguyên Chính ủy Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô đã về hưu, hiện sống tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), còn Phạm Văn Yên về hưu, ở quê, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, tôi không bao giờ quên việc chúng tôi từng giành nhau nhận phần hiểm nguy, gian khó về mình.

ĐÀO VĂN SỬ