"Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành"
Cuối tháng 4-2021, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Đại tá Phùng Quý Liệu (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 220, một trong những đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Công binh 28 ngày nay). Lật giở cuốn lịch sử của đơn vị, ông tự hào giới thiệu về những công trình mang dấu ấn "Công binh 28" đã đi vào lịch sử của bộ đội PK-KQ. Đó là 183 trận địa tên lửa, ra-đa, pháo phòng không từ các tỉnh phía Bắc đến Quân khu 4, Bắc Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, Đường 20-Quyết Thắng... bảo vệ Đường Hồ Chí Minh, đáp ứng kịp thời cho đơn vị bạn chiến đấu; là công trình K12B, K18 đáp ứng cho yêu cầu chỉ huy chiến đấu và bảo vệ Trung ương Đảng trong thời kỳ chiến tranh diễn ra ác liệt; là sở chỉ huy chiến đấu của Trung đoàn Không quân 921 (trung đoàn không quân đầu tiên của Quân đội ta), sân bay Nội Bài, sân bay Vinh, sân bay Sao Vàng... Gần 10 năm gắn bó, trưởng thành từ cương vị là trung đội trưởng cho đến khi là người đứng đầu đơn vị, đồng chí Phùng Quý Liệu đã chứng kiến bao đổi thay với nhiều kỷ niệm sâu sắc. "Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những năm đầu đất nước mới giải phóng. Thời kỳ này, trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu thốn, hầu như mọi công việc đều được chúng tôi làm thủ công. Trên công trường, dưới thời tiết khắc nghiệt, các chiến sĩ phải làm việc liên tục để công việc hoàn thành hiệu quả. Đêm đến, quên hết mệt nhọc, anh em lại ngồi trao đổi và chuẩn bị công việc cho ngày mai...", Đại tá Phùng Quý Liệu kể.
Đến Lữ đoàn Công binh 28, chúng tôi được Đại tá Hoàng Bá Phương, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 28 cho biết thêm về nhiệm vụ đặc thù của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn thường xuyên làm việc trong điều kiện độc lập, phân tán, gian khổ, độc hại, nguy cơ mất an toàn luôn rình rập. Từng trực tiếp chỉ huy lực lượng của đơn vị tham gia thi công đường tuần tra biên giới đoạn qua khu vực huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum từ năm 2008, đến nay, Đại tá Hoàng Bá Phương vẫn đầy ắp kỷ niệm. Anh cho biết, công trình nằm xa vị trí đặt sở chỉ huy của lữ đoàn nên việc kiểm tra, chỉ đạo, giám sát gặp khó khăn. "Bộ đội đóng quân ở trên núi cao hiểm trở, cách đường biên giới khoảng 50m. Đơn vị đã đưa một lực lượng dò mìn, mắc võng nghỉ ngay trên đỉnh núi. Đường sá hiểm trở nên việc bảo đảm hậu cần rất khó khăn. Đội hậu cần phải dừng ở lưng chừng núi để tổ chức nấu nướng. Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng, đồ ăn được đóng vào túi nilon rồi cho vào ba lô. Khoảng 12 giờ trưa, anh em mới mang được đồ ăn tới nơi bộ đội đóng quân. “Khi lên đến nơi thì cơm đã nguội, vữa rất khó ăn. Vậy nhưng suốt một thời gian dài thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện ấy, bộ đội vẫn chấp hành tốt, tư tưởng ổn định, hoàn thành đúng tiến độ đề ra với chất lượng bảo đảm. Đó là một trong những minh chứng sống động, góp phần khẳng định, tiếp bước thế hệ cha anh, bằng tinh thần tích cực, chủ động, những người lính Công binh 28 hôm nay luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao", Đại tá Hoàng Bá Phương chia sẻ.
Phát huy bản lĩnh người lính công binh
Năm 2021, Lữ đoàn Công binh 28 được chọn là đơn vị điểm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” của Quân chủng PK-KQ. Chúng tôi theo Thiếu tá Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 28 đi tham quan đơn vị, và cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi ở tất cả các tiểu đoàn, phòng, ban...
Là người từng trải qua nhiều cương vị chỉ huy nên Thượng tá Trương Văn Tiến, Chủ nhiệm Kỹ thuật lữ đoàn thấu hiểu những vất vả của cán bộ, chiến sĩ trong thi công các công trình. Chính vì thế, mặc dù đơn vị còn khó khăn nhưng anh luôn say mê tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo một số loại thiết bị giúp giải phóng sức lao động của cán bộ, chiến sĩ, tăng tiến độ thi công và chất lượng công trình, bảo đảm an toàn trong lao động. Anh chia sẻ: “Với đặc thù của một đơn vị công binh, thường xuyên nhận nhiệm vụ thi công những công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chúng tôi luôn xác định bảo đảm tốt trang thiết bị kỹ thuật, đồng thời cải tiến, nâng cấp những trang bị hiện đại, giúp giảm lao động thủ công và nâng cao tính an toàn trong thi công”. Qua trao đổi với Thượng tá Trương Văn Tiến, chúng tôi được biết, do được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại nên hiện nay thời gian để hoàn thành một công trình ngầm có thể rút ngắn từ 4 năm xuống chỉ còn 2 năm. Hay như một chiếc máy khoan trước đây chỉ khoan được sâu 1,5-1,8m, khi khoan khiến bụi mù mịt ảnh hưởng tới sức khỏe của chiến sĩ. Hiện nay, máy khoan hiện đại được trang bị cho đơn vị có thể khoan sâu tới 5m, có đường nước thổi vào để bụi không bay ra môi trường. Thời gian khoan cũng được rút ngắn. Cùng với củng cố trang bị kỹ thuật, lữ đoàn thường xuyên quan tâm xây dựng, tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao. Đặc biệt, trong những năm qua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, lữ đoàn và cá nhân đồng chí Tiến đã đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi kỹ thuật từ cấp lữ đoàn, quân chủng đến cấp toàn quân.
Xác định nhiệm vụ của lữ đoàn là tham gia thi công các công trình khó và vất vả, những năm qua mỗi cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn trên từng cương vị, chức trách được giao luôn rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đồng đội, với đơn vị, công việc. Nhiều cá nhân đã thể hiện tinh thần phát huy sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Đại tá Đoàn Văn Liêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 28 tự hào cho biết, từ năm 2016 đến nay, lữ đoàn tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thi công các công trình quan trọng, các sân bay: Bạch Mai, Kép, Nội Bài, Nà Sản...; phục vụ diễn tập bắn đạn thật cho Bộ Quốc phòng, quân chủng và tham gia xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ đột xuất, cuối năm 2019, đơn vị được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.
NGUYỄN VŨ