Cựu chiến binh (CCB) Hoàng Kim Quế sinh ra và lớn lên ở thôn Hin Lạn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái). Ngày 20-9-1966, vừa tròn 17 tuổi, Hoàng Kim Quế cùng 200 thanh niên địa phương nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ trẻ Hoàng Kim Quế được biên chế vào Đại đội 5 thuộc Trung đoàn 2B, Sư đoàn 304B (Quân khu Việt Bắc).
“Những ngày ở Đại đội 5, chúng tôi tiếp tục huấn luyện, công tác, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Thời gian này, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc. Tôi nhớ mãi một ngày tháng 11-1966, những chiếc máy bay của Mỹ đến đánh phá vào khu vực đơn vị trú quân, khiến nhiều đồng bào, chiến sĩ ta thương vong. Đồng chí Tôn, y tá của đại đội tôi trúng mảnh bom, máu ra rất nhiều và hy sinh. Tiễn đưa y tá Tôn về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi thề quyết trả thù cho đồng bào và đồng đội”, CCB Hoàng Kim Quế nhớ lại.
Tháng 4-1967, đơn vị của Hoàng Kim Quế được lệnh bổ sung quân cho các đơn vị ở chiến trường miền Nam. Từ nơi đóng quân, ông và đồng đội hành quân đến ga Phủ Lý (Hà Nam) rồi đi tiếp. Vào đến chiến trường Bình-Trị-Thiên, Hoàng Kim Quế được biên chế về Binh trạm 43, Bộ tư lệnh 559. “Nhiệm vụ của chúng tôi là vận chuyển vũ khí bằng chính đôi vai và lưng của mình. Vì vậy, chúng tôi còn được gọi là “lính gùi”. Bấy giờ, từ Binh trạm 43 về A Sầu, A Lưới... địa hình vô cùng hiểm trở. Dốc đá lởm chởm, gai sắc nhọn, trơn trượt. Tôi khỏe hơn bạn bè cùng trang lứa nên có khi còn mang được tới hơn 50kg. Nhiệm vụ của chúng tôi là “đi vàng, về ngọc”. Có nghĩa là khi đi gùi vũ khí, khi về chuyển thương binh ra. Thông thường cứ 3 người thay nhau cáng 1 thương binh về trạm xá chữa trị, sau đó chuyển các đồng chí thương binh nặng ra Bắc. Lúc xuất phát là sáng sớm, lúc về đã là chiều tối. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, những cơn sốt rét rừng và bom đạn kẻ thù, chúng tôi vẫn lên đường!”-CCB Hoàng Kim Quế kể.
Rồi ông kể tiếp: “Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi được chuyển về đơn vị hỏa lực của Tiểu đoàn 940, Quân khu Trị Thiên, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Dốc Mèo, đỉnh Tà Lời, đỉnh Ca Leng (thuộc Thừa Thiên Huế). Ngày 10-2-1968, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 1971, tôi xung phong về Tiểu đoàn 804, mật danh K4-nơi bộ đội ta vẫn gọi là “K tử” bởi mức độ nguy hiểm, gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và khu vực đảm nhận. Không quản ngại gian khổ, hy sinh, rất nhiều đồng đội của tôi cũng xung phong về đơn vị để được chiến đấu với quân thù. Bởi lẽ với chúng tôi lúc đó, quyết tâm giải phóng đất nước cao hơn tất cả.
Năm 1972, tôi chuyển sang làm Chính trị viên Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 854 thuộc Công trường 5, do đồng chí Thân Trọng Một chỉ huy thay đồng chí Huynh hy sinh. Trận đánh ác liệt đầu tiên của tôi ở đơn vị mới là tại đỉnh Ba Mỏm (trên Đường 14). Quân ta tấn công từ 3 hướng, trong khi địch gài mìn định hướng khắp nơi. Chúng tôi đào công sự suốt ngày đêm. Đào đến đâu ngụy trang kín đến đó. Dọc đường luôn phải xử lý mìn định hướng. Phải nói là công binh của ta dũng cảm thật! Chỉ sơ sểnh một chút là tổn thất rất lớn mà không ai từ nan. Khi 3 hướng tấn công của ta đến vị trí quy định thì trên phát hiệu lệnh tấn công. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã chiếm được đỉnh Ba Mỏm. Trong trận này, 3 đồng chí đơn vị tôi đã anh dũng hy sinh là Hoa và Tuyên (quê Hà Nội), Huynh (quê Thái Bình). Trận đánh thứ hai diễn ra tại cao điểm 560, đường lên Bạch Mã. Lần này, quân ta bắt sống được tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an dân vệ. Cá nhân tôi sau đó được thăng quân hàm từ Chuẩn úy lên Thiếu úy...”.
Phục vụ trong Quân đội cho đến năm 1989, CCB Hoàng Kim Quế nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá, quyền Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn. Về với cuộc sống đời thường, CCB Hoàng Kim Quế tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia công tác của địa phương và các hoạt động nghĩa tình, tri ân đồng đội.
PHẠM THÚY HẬU