Chiến công và nỗi đau

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, khi tuổi thơ, Nguyễn Văn Ái đã chứng kiến cảnh tang thương chết chóc, với những trận càn quét, đàn áp, bắt bớ, tra tấn người dân của kẻ thù. Vì lẽ đó mà ông luôn căm thù và nung nấu ý chí đánh giặc, cứu nước. Năm 1965, khi vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Văn Ái gia nhập lực lượng vũ trang Bến Tre. Hai năm sau đó, ông tham gia Biệt động Sài Gòn-Gia Định, chiến đấu trong lòng địch. Ban đầu ở vùng ven, sau đó hoạt động sâu vào trung tâm Sài Gòn. Đây là thời điểm đế quốc Mỹ điên cuồng thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân Mỹ là lực lượng chủ yếu, trực tiếp tác chiến cùng quân ngụy.

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường, Đại tá Chín Ái không nói về chiến công của bản thân mà ông luôn khắc khoải về sự hy sinh, mất mát của những người thân. Đó là ngày 12-6-1967, chiếc máy bay phản lực F-4H lao xuống cắt bom. Với khẩu súng trường trong tay, chớp thời cơ ông đã bắn trúng máy bay địch. Chiếc máy bay bốc cháy rơi xuống trúng nhà của người chị dâu, khi chị đang mang thai. Hai mẹ con chị và sinh linh chưa kịp chào đời đã vĩnh viễn ra đi. Lập được chiến công lớn nhưng trái tim người dũng sĩ diệt máy bay địch như thắt lại. Ông khóc không thành tiếng. Cũng từ nỗi đau ấy, trong lòng Chín Ái rực lửa căm hờn. Ông nung nấu lời thề “Nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trả thù cho chị dâu và hai cháu”. Cho đến tận bây giờ, mặc dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng nỗi đau thương ấy vẫn mãi ám ảnh tâm trí ông...

leftcenterrightdel

Đại tá, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ái. 

Năm 1972, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt thay cho quân viễn chinh Mỹ. Thực hiện cùng lúc 3 hình thức chiến tranh: Giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt, nhằm mục tiêu trọng tâm là “bình định” miền Nam Việt Nam.

Ngày 21-12-1972, trong trận đánh quân ngụy càn quét, Chín Ái đã cơ động chiến đấu dũng mãnh, tiêu diệt 10 tên địch rồi bị thương, nhưng may mắn được đồng đội băng bó kịp thời. Ngày 22-12-1972, 3 chiếc  trực thăng của địch (còn gọi là trực thăng cá rô) quần thảo bắn phá ác liệt. Mặc dù vết thương trên cơ thể còn chưa tháo băng nhưng Chín Ái đã gọi đồng chí liên lạc đưa khẩu súng AK và ông đã bắn rơi một chiếc trực thăng tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi trong sự cảm phục của đồng đội và niềm hân hoan của người dân địa phương. Chiến công năm đó cũng chính là món quà chào mừng 28 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1972).

Dù mang trên mình nhiều vết thương nhưng ông vẫn cùng đồng đội bám chiến trường chiến đấu, xông pha trận mạc mong ngày quê hương được giải phóng. Có thể nói cuộc đời binh nghiệp của ông chưa lúc nào ngơi nghỉ. Sau khi tham gia Quân tình nguyện Việt Nam trong đội hình Trung đoàn Gia Định giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, ông trở về nước và được cử đi học tại các trường quân đội, sau đó đảm nhiệm các cương vị chỉ huy từ Ban CHQS quận đến Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu, năm 2006.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Chín Ái chia sẻ, ông có hai người mẹ đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đó là mẹ ruột và mẹ kế của ông.

Nặng ân tình với gia đình liệt sĩ, người có công

Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, đến nay đã hơn 70 tuổi, nhưng người thương binh hạng 3/4 ấy vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Năm xưa mọi người biết đến ông với những chiến công đánh giặc, cứu nước thì nay lại nghe nhắc nhiều về ông bởi những công việc nặng nghĩa tri ân. Sau khi nghỉ hưu, ông Chín Ái tập hợp nhiều anh em trong Câu lạc bộ biệt động Sài Gòn và tổ chức rà soát, vận động giúp đỡ những anh em thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh, phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể tại địa phương để chăm lo cho thân nhân các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 2019, trước yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhiều thân nhân liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam có kế hoạch thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Đại tá Chín Ái là một trong những người đầu tiên tham gia Ban vận động thành lập Hội.

Những ngày đầu, Hội chưa có văn phòng, Đại tá Chín Ái đã tự nguyện cho Hội mượn nhà riêng tại khu phố 8, phường Linh Đông, TP Thủ Đức để đặt văn phòng làm việc. Dù công việc không lương, không phụ cấp nhưng ông rất hăng say, nhiệt huyết, bởi ông tâm niệm mình còn nợ đồng đội nhiều lắm. “Nhiều anh em lên Sài Gòn hoạt động, chiến đấu cùng tôi rồi hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tôi được sống đến ngày hôm nay cũng là nhờ hương linh đồng đội phù hộ, che chở. Còn sống, còn khỏe ngày nào, tôi còn phải làm trọn nghĩa tình với đồng đội”-ông tâm sự.

leftcenterrightdel

Đại tá, CCB Nguyễn Văn Ái (thứ năm, từ trái qua) cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh bàn giao nhà tình nghĩa tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Bến Tre. 

Tuổi ngày một cao, những vết thương trên thân thể thường xuyên hành hạ khi trái gió trở trời, nhưng nhiều năm qua, trên cương vị Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, Đại tá Chín Ái đã cùng Hội tổ chức nhiều chuyến về nguồn để chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng và tham gia tìm kiếm thông tin, hài cốt liệt sĩ tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương ở Nam Bộ. Đến nay, ông đã kết nối, vận động xây dựng, sửa chữa hàng chục căn nhà tình nghĩa tại các vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, trong đó có nhiều căn ở Củ Chi, nơi ông từng chiến đấu.

Từ trước đến nay, công việc gì vào tay ông cũng đều chu toàn, bởi ông luôn dồn hết công sức, làm hết trách nhiệm của người đang sống với người đã khuất. Đơn cử như việc xây dựng nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bọ (96 tuổi) ở Bến Tre, Đại tá Chín Ái vừa là người đề xuất vừa là người kết nối, theo dõi mọi việc đến ngày bàn giao. Trước đó, trong các buổi làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thường nghe ông nói về hoàn cảnh của mẹ Bọ và liên tục đốc thúc để tổ chức sửa chữa, bàn giao nhà tình nghĩa. Mẹ đã già yếu. Ông lo nếu làm không kịp, lỡ mẹ ra đi thì sẽ ân hận lắm. Đến khi đoàn có mặt tại ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn ở ấp Phước Thiện, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và gặp mẹ Bọ thì chúng tôi mới hiểu tại sao Đại tá Chín Ái lại nôn nóng cho công việc nghĩa tình này đến vậy. Ngày bàn giao nhà, ông cầm tay mẹ Bọ, rưng rưng nước mắt. Ông nói với chúng tôi: “Hội biết đến hoàn cảnh của mẹ muộn quá. Lúc tiến hành sửa sang lại nhà cửa thì mẹ đã yếu, chỉ nằm một chỗ. Dù sao chúng ta cũng còn được an ủi, khoảng thời gian cuối đời, mẹ được sống trong ngôi nhà mới!”.

Trong các hoạt động, Đại tá Chín Ái luôn đưa ra những đề xuất, kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt hơn sứ mệnh của Hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Theo ông, công tác đền ơn đáp nghĩa, xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là một hành trình dài lâu, do đó, phải vận động toàn dân cùng tham gia, trong đó nòng cốt là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, không chỉ tổ chức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà phải nhân rộng ra các địa phương khác. Làm công việc nghĩa tình phải nhanh chóng, kịp thời, bởi nếu chậm trễ thì các gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ không còn quỹ thời gian để chờ đợi.

Là người gần gũi Đại tá Chín Ái, Đại tá Trần Thế Tuyển, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Anh Chín Ái là một con người bình dị, một thương binh gương mẫu, luôn tận tâm, tận lực vì việc nghĩa”.

Bài và ảnh: KIM SÁNG