“Lửa” trong lòng địch
Ngày 9-9-1972, sân bay Biên Hòa, căn cứ hậu cần lớn của không quân Mỹ-ngụy bị tấn công. Một vụ nổ kinh hoàng từ kho bom lan sang sân đỗ của các loại máy bay quân sự khiến một khối lượng lớn hệ thống vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... ở sân bay biến thành tro bụi. Vụ nổ gây choáng váng cho quân đội Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, chấn động cả Lầu Năm Góc. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đồng loạt đưa tin, đặt nghi vấn sân bay bị lực lượng biệt động tinh nhuệ của Việt Cộng tấn công bằng pháo kích. Tuy nhiên, sự thật là tác giả của vụ nổ kinh thiên động địa ấy chỉ có một người, hoạt động tình báo đơn tuyến ngay trong lòng địch. Người đó chính là Hai Thôn.
Vừa qua, chúng tôi được gặp ông tại một chương trình tiếp lửa truyền thống do Quận ủy Tân Bình tổ chức. Là người anh hùng đã lập được chiến công vang dội, đi vào sử sách nước nhà; được nhiều người nể trọng, mến mộ nhưng ông rất giản dị, khiêm nhường. Sau 51 năm kể từ trận đánh ấy, người anh hùng đã bước vào tuổi 75 nhưng vẫn rất mạnh khỏe, tráng kiện, phong cách Nam Bộ rổn rảng. Ông kể:
- Tôi sinh năm 1949, tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cô ruột của tôi là Thái Thị Kim Hồng, nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Tiền Giang. Năm 16 tuổi, tôi được cô hướng dẫn cho đi theo cách mạng, làm giao liên, nắm tình hình hoạt động của tụi ác ôn, bọn chiêu hồi trong vùng, bí mật báo cho các cô chú cán bộ để có biện pháp đối phó, trừ khử mối nguy cho cách mạng...
Đầu năm 1970, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Đỗ Trung Dũng (Tư Dũng), cán bộ binh vận Trung ương Cục về huyện Cai Lậy tuyển chọn một số con em của các gia đình cách mạng, tìm cách cài cắm vào hàng ngũ địch nhằm tạo nguồn lực cho công tác binh vận ngay trong lòng địch.
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thôn. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hai Thôn là một trong những gương mặt ưu tiên được chọn. Thế là Hai Thôn tình nguyện đi lính, được biên chế vào Sư đoàn 3 không quân ngụy, đóng ở sân bay Biên Hòa. Sau thời gian huấn luyện, Hai Thôn được cử đi học chuyên ngành vũ khí không quân và trở thành nhân viên chuyên đảm nhiệm trang bị bom, rốc két cho các loại máy bay chiến đấu. Trong quá trình thao tác kỹ thuật, nhiều lần Hai Thôn bí mật tháo kíp nổ các loại bom. Nhờ vậy mà khi máy bay mang bom đi ném, bom không nổ, tránh được những thiệt hại to lớn cho cách mạng. Quá trình hoạt động ngầm trong lòng địch, Hai Thôn chịu sự chỉ đạo từ đồng chí Tư Dũng. Hai Thôn thuê một căn nhà nhỏ ở ngay cổng sân bay Biên Hòa. Chị Sáu Ánh, vợ anh Tư Dũng hóa trang thành người chị bà con của Hai Thôn, giữ vai trò cầu nối liên lạc giữa Hai Thôn và Tư Dũng.
Giữa năm 1972, Hai Thôn nhận mật lệnh tìm thời cơ, tổ chức đánh phá kho vũ khí và máy bay địch trong sân bay Biên Hòa nhằm phá hủy tiềm lực quân sự của địch, tạo tiếng nổ lớn gây hoang mang cho chúng, kích thích tinh thần chiến đấu cho đồng đội trên các chiến trường. Sau một thời gian điều nghiên, tính toán kỹ lưỡng các phương án, Hai Thôn quyết định tác chiến một mình bằng cách kích nổ bom. Để tránh sự nghi ngờ của lực lượng canh gác kho bom, Hai Thôn thường xuyên rủ tụi này đi nhậu để kết thân. Nhờ vậy mà mỗi lần theo xe vào kho chở bom, rốc két ra gắn lên máy bay, Hai Thôn gần như ra vào tự do. Rồi thời cơ cũng đến.
Đầu tháng 9-1972, địch tăng cường về sân bay Biên Hòa rất nhiều máy bay chiến đấu và các loại phương tiện, khí tài, trang bị mới cùng số lượng rất lớn các loại bom, rốc két. Chúng tập kết ở bãi trang bị, lần lượt phân loại, nhập kho, tổ chức lực lượng canh phòng thành nhiều lớp. Hai Thôn suy tính, đây là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức trận đánh lớn. Anh báo cáo và được cấp trên đồng ý. Chị Sáu Ánh đến nhà Hai Thôn chơi, mang cho anh một giỏ trái cây và ít đồ nhậu. Thuốc nổ, kíp nổ được ngụy trang khéo léo bên trong các loại trái cây. Hai Thôn nhồi thuốc nổ vào hai tuýp kem đánh răng.
Sáng 9-9-1972, Hai Thôn theo xe của đơn vị vào kho mang bom ra treo lắp lên máy bay. Anh “tiện tay” nhanh chóng gắn hai tuýp kem đánh răng vào hai quả bom trọng lượng 500kg. Mọi việc diễn ra rất mau lẹ, không ai để ý hay có bất cứ mảy may nghi ngờ gì. Xong việc, Hai Thôn rủ những tên lính gác thân cận đi uống cà phê nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm rồi về nhà mình nấu cơm. Vừa cho gạo vào nồi thì những tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ sân bay. Ngay lập tức, khu vực kho bom ở sân bay mịt mù lửa khói, mùi khói bom nồng nặc, hàng loạt tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả thành phố Biên Hòa. Vụ nổ đã làm hơn 500 tên địch thương vong, trong đó có nhiều phi công chiến đấu của quân đội Mỹ- ngụy; phá hủy hơn 200 máy bay cùng hàng trăm tấn vũ khí, trang thiết bị các loại...
Hai Thôn trở thành đối tượng bị điều tra, nhưng với những bằng chứng ngoại phạm thuyết phục, anh thoát khỏi sự nghi ngờ của địch.
Bản lĩnh anh hùng và phẩm chất nêu gương
Tháng 2-1974, một người trong hàng ngũ binh vận bị địch bắt. Do không chịu nổi các đòn tra tấn nên đã khai ra manh mối vụ đánh phá sân bay Biên Hòa. Hai Thôn bị địch bắt và bị xử 15 năm tù (10 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo) vì tội “phản nghịch”. Do bị liệt vào danh sách tù nhân “đặc biệt nguy hiểm” nên trong thời gian ở khám Chí Hòa (Sài Gòn), Hai Thôn bị giam cạnh những tên tội phạm khét tiếng, trong đó có tướng cướp xộ khám Lâm “chín ngón”. Trong tù, Lâm “chín ngón” thể hiện rõ vị thế của một đại ca giang hồ khét tiếng, hạ thủ nhiều đối thủ sừng sỏ để thống lĩnh thế lực ngầm. Mỗi lần chạm mặt Lâm “chín ngón”, bất cứ tù nhân nào cũng phải e dè, kiêng nể. Có lần Hai Thôn giáp mặt Lâm “chín ngón”. Không thấy Hai Thôn khúm núm chào hỏi như những người khác, Lâm “chín ngón” ức lắm, bèn hất hàm hỏi:
- Mày vào đây vì tội gì?
- Đánh bom! - Hai Thôn đáp.
- Đánh ở đâu? Lúc nào? - Lâm “chín ngón” gằn giọng.
- Sân bay Biên Hòa, năm 1972.
Lâm “chín ngón” liếc nhìn Hai Thôn từ đầu đến chân rồi lẳng lặng bỏ đi. Khi đám đàn em hỏi vì sao không dạy cho thằng kia một bài học, Lâm “chín ngón” chép miệng:
- Tao chỉ giỏi ăn cướp thôi, còn nó dám “làm gỏi” cả cái sân bay gây chấn động đến tận nước Mỹ. Nó không cùng hệ với tao và tụi mày.
Nhớ lại ký ức những năm tháng tù ngục, ông Hai Thôn cười rổn rảng:
- Thời đó tôi rất đô con, giỏi võ. Là người chiến sĩ, được giáo dục, rèn luyện thì dù ở hoàn cảnh nào mình cũng phải thể hiện tư thế đường hoàng. Thực tiễn hoạt động trong lòng địch đã rèn luyện cho mình bản lĩnh gặp khó khăn không nản chí, gặp nguy biến không sờn lòng.
Quả đúng vậy! Dù hiện nay đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng Anh hùng Hai Thôn vẫn vẹn nguyên phong thái con nhà võ, vẹn nguyên khí chất của người chiến sĩ mưu trí, dũng cảm, ngôn phong lập luận sắc sảo.
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thôn. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh phường 14, quận Tân Bình, ông luôn là tấm gương mẫu mực về tinh thần cống hiến, giữ vững phong cách, lẽ sống Bộ đội Cụ Hồ, nêu gương sáng cho con cháu và người dân địa phương. Đặc biệt, mặc dù tuổi cao nhưng ông luôn có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt và tham gia các hoạt động của hội. Từ khi quen biết ông, ngày nào chúng tôi cũng nhận được thông tin, hình ảnh, clip về tình hình thời sự, nét đẹp cuộc sống thường ngày, những lời hay, ý đẹp do ông sưu tầm, gửi qua Zalo. “Còn sức làm việc là còn cống hiến. Chia sẻ cho nhau những ý tưởng hay, việc làm tốt, lối sống đẹp chính là cách ta nuôi dưỡng, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống”, ông tâm sự.
Đồng chí Đặng Bình Yên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình cho biết: Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, những tấm gương như Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thôn thực sự là vốn quý. Ngọn lửa của tinh thần cách mạng, bầu nhiệt huyết của lòng yêu nước, phong cách chuẩn mực của người chiến sĩ cộng sản từ người thật, việc thật có sức cảm hóa, lay động, thuyết phục vô cùng to lớn.
Chiến sĩ tình báo, binh vận Nguyễn Văn Thôn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2011.
THẾ TRUNG - HÀ TRẦN