Những “lần đầu tiên” của Tiểu đoàn 64
Lật nhanh bản thảo cuốn lịch sử “Tiểu đoàn 64 một thời hào hùng”, ông Uy hào hứng trải lòng: “Tôi sinh năm 1936, tại Thái Bình. Năm 17 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ, sau đó được cử đi học chuyên ngành tên lửa ở Liên Xô. Về nước, tôi vinh dự được chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn Tên lửa 236, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ. Từ sĩ quan điều khiển, tôi nhanh chóng trưởng thành và được giao giữ cương vị Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64. Có lẽ nhờ sát cánh chiến đấu với đơn vị mà tôi nhận ra một điều: Tiểu đoàn 64 có nhiều “lần đầu tiên” rất ấn tượng”.
Tiểu đoàn 64 là đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn 236-trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân chủng PK-KQ. Ngày 24-7-1965, lần đầu tiên ra quân đã cùng với Tiểu đoàn 63 tiêu diệt tại chỗ 1 máy bay địch, làm nên Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Không chỉ là đơn vị đầu tiên chuyển bắn bằng phương pháp điều khiển 3 điểm (T/T) trong trận đánh ngày 11-11-1965, Tiểu đoàn 64 còn gợi mở phương pháp đánh nhanh có chuẩn bị, diệt tại chỗ 1 chiếc máy bay ở Quảng Giao (Thanh Hóa) ngày 18-2-1966. Cũng tại trận địa này, lần đầu tiên Tiểu đoàn 64 đánh phục kích giữa trưa nắng, khẳng định việc có thể đánh địch ở mọi thời điểm. Tiểu đoàn 64 cũng là đơn vị đầu tiên đụng đầu với nhiễu râu của không quân Mỹ và đã hạ gục 1 chiếc máy bay gây nhiễu râu này vào ngày 19-7-1966... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 16-8-1969, Tiểu đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Còn rất nhiều “lần đầu tiên” khác như: Bắn rơi tại chỗ máy bay trinh sát KNL bay cao 18km; bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái bay thấp dưới 1km... Điều đó thể hiện trình độ điều chỉnh chính xác khí tài của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 64. Đặc biệt, Tiểu đoàn 64 vinh dự phát hỏa đầu tiên, diệt máy bay địch trong ngày mở màn Chiến dịch Trị-Thiên (30-3-1972).
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn 64 đã cơ động hàng nghìn cây số, trực tiếp chiến đấu trong các đợt tác chiến phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... Toàn Tiểu đoàn đánh 151 trận, phóng 212 quả đạn tên lửa, bắn rơi 48 máy bay địch, trong đó có 20 chiếc rơi tại chỗ; xuất sắc trở thành đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất Trung đoàn 236 anh hùng.
... và những kỷ niệm sâu sắc
Kể đến đây, giọng Đại tá Phạm Trương Uy bỗng chùng xuống: “Chiến công thì rực rỡ nhưng cũng ác liệt và mất mát nhiều lắm”. Trong trận đánh mở màn Chiến dịch Trị-Thiên ngày 30-3-1972, Tiểu đoàn 64 tiêu diệt 1 chiếc máy bay địch. Ngay trong đêm ấy, đơn vị đã cơ động sang trận địa Mễ Tre, Vĩnh Linh để tiến gần hơn với đội hình chiến đấu bảo vệ Quảng Trị. 14 giờ 10 phút ngày 2-4-1972, Tiểu đoàn nhận lệnh vào cấp 1, tích cực đánh máy bay địch ở phía Đông Nam. Chỉ 4 phút sau đã bắn rơi 1 chiếc F-4. Ngày 3-4, Tiểu đoàn đánh ba trận, diệt 3 máy bay địch đều bằng một tên lửa vì chỉ còn một bệ. Ngày 6-4, Tiểu đoàn phóng một quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay F-4. Biết địch đã phát hiện ra trận địa, chỉ huy Tiểu đoàn hội ý và nhanh chóng quyết định trụ lại để đánh địch. 9 giờ 43 phút ngày 7-4-1972, Tiểu đoàn 64 bắn rơi một chiếc máy bay OV-10 bằng hai quả đạn tên lửa. Ngay lập tức, nhiều tốp máy bay địch từ các hướng lao vào đánh phá trận địa. Ngồi trên xe chỉ huy, ông Uy chỉ kịp chuyển micro cho Chính trị viên Trương Trọng Tĩnh động viên bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu, còn mình thì liên hệ với các đơn vị pháo cao xạ yêu cầu hỗ trợ. Tinh thần chiến đấu của bộ đội lên rất cao, nhưng vì số lượng máy bay oanh tạc nhiều nên đã đánh hỏng cả hai bộ khí tài, 7 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn bị thương và hy sinh. Chính trị viên Trương Trọng Tĩnh đang động viên bộ đội thì bị mảnh bom văng trúng đầu, gục xuống mép bàn viko, trên tay vẫn nắm chắc micro. Riêng Khẩu đội trưởng bệ Đỗ Văn Khảm hy sinh khi đang nạp đạn, mãi 3 ngày sau đơn vị mới tìm thấy thi thể...
Sau lễ truy điệu các liệt sĩ, Tiểu đoàn tập trung cứu chữa thương binh, sửa chữa khí tài, nhanh chóng ổn định đơn vị để vượt sông Bến Hải, bảo vệ đội hình quân, binh chủng hợp thành của chiến dịch. Tiếp đó là trận đánh rạng sáng 9-6-1972. Hôm ấy xuất hiện nhiều tốp máy bay địch, chúng thay nhau quần thảo và thả pháo sáng. Riêng tiếng máy bay thì ầm ì như xay lúa, cứ xuất hiện là ném 3 dải bom chạy dài suốt cánh rừng. Sau loạt bom B-52, một số xe xích, xe T3M bị hỏng, xe tiếp sức bẹp cabin, gãy, hỏng anten... Một dải bom khác chạy sát trận địa, đất đá trùm lên lấp kín căn hầm của tổ hậu cần, 6 đồng chí anh dũng hy sinh...
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy.
|
Hơn hai tháng ròng rã khôi phục sức chiến đấu trong điều kiện khó khăn, ác liệt, 0 giờ 40 phút ngày 20-8-1972, kíp chiến đấu gồm: Phạm Trương Uy, Tiểu đoàn trưởng; Văn Kim Công, Chính trị viên; Lê Văn Khánh, Đại đội trưởng Đại đội 1; Nông Văn Năng, Đại đội trưởng Đại đội 2; Đinh Công Lý, sĩ quan điều khiển; 3 trắc thủ Thạ, Xuân, Hợp; Nguyễn Văn Diễn, tiêu đồ 5x5; Phan Quang Sáng, trắc thủ chuẩn bị đạn; Nguyễn Đình Cường, chiến sĩ thông tin; Nguyễn Đăng Sơn, trực ban tác chiến, cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 64 đã phóng 3 quả đạn, bắn rơi 1 chiếc B-52. Trận đánh đã góp phần chi viện cho bộ đội hợp thành chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Ông Uy nói, năm tháng qua đi nhưng những ngày tháng chiến đấu hào hùng trong Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 mãi mãi là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 64. Sau mỗi trận chiến đấu, ông thường ghi chép, phân tích những điểm yếu, điểm mạnh giữa ta và địch, tập hợp thành cuốn “Cẩm nang xạ kích”. Qua đó đúc rút kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu nhằm phát huy tối đa khả năng chiến đấu của đơn vị.
Riêng sự kiện ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 3-9-1973, Đại tá Phạm Trương Uy chia sẻ rất giản dị: “Đây là chiến công chung của cả tập thể, tôi chỉ thay mặt anh em nhận niềm vinh dự này thôi. Với tôi, cao hơn tất cả những phần thưởng là tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 64”.
QUỲNH VÂN