Niềm tự hào lớn lao

Ôn lại về truyền thống 72 năm đoàn kết xây dựng, trưởng thành, Đại tá, Tiến sĩ (TS) Đặng Vũ Hải, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7 tự hào khi kể về ngày 30-5-1957, bệnh viện được Bác Hồ đến thăm và căn dặn. Khi đó, Viện Quân y 7, Quân khu Tả Ngạn (Bệnh viện Quân y 7 ngày nay) đóng quân ở thành phố Hải Phòng. Đây là bệnh viện cấp chiến dịch duy nhất của quân đội được Bác Hồ đến thăm. Các đồng chí: Bác sĩ Hồng Văn Bảy, nguyên Viện trưởng; Lê Chính, nguyên Chính ủy viện, được đón Bác Hồ ngày đó kể lại, Bác đến bệnh viện, đi thăm các thương binh, bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện. Bác còn đi thăm cụ thể nơi sinh hoạt, bếp ăn, công trình vệ sinh của bệnh viện. Bác căn dặn đồng chí Viện trưởng phải học tập chuyên môn giỏi và không ngừng học tập chính trị.

Đối với đồng chí Chính ủy viện, Bác dặn phải lãnh đạo tốt và học tập thêm chuyên môn, phải tạo điều kiện cho chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ. Rồi Bác nắm hai bàn tay vào nhau, giơ lên trước mặt, lắc lắc và nói tiếp: “Vậy thì hai chú phải đoàn kết với nhau lãnh đạo đơn vị, phục vụ anh em thương binh, bệnh binh được tốt hơn!”. Khi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, thầy thuốc, nhân viên, chiến sĩ, bệnh nhân trong bệnh viện, ai cũng chăm chú lắng nghe: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các cô, các chú. Bác giao nhiệm vụ cho các cô, các chú phải đoàn kết, thương yêu nhau, hết lòng, hết sức phục vụ thương binh, bệnh binh. Anh em thương binh, bệnh binh là những người có công với nước, nay bị thương, bị bệnh trở về đây, thì các cô, các chú phải thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc anh em cho chóng khỏi bệnh. Còn các chú thương binh, bệnh binh phải nghe lời các bác sĩ để chữa bệnh cho chóng khỏi, vết thương chóng lành, tay chân chóng lành”... Bác nói chuyện xong, cả hội trường vỗ tay vang dội, ai cũng tự nhủ phải học tập và làm việc thật tốt theo lời Bác căn dặn.

leftcenterrightdel

Bác Hồ đến thăm Viện Quân y 7. Ảnh tư liệu 

Từ hai Đội Quân y AVT1 và AVT2, những đơn vị tiền thân của Bệnh viện Quân y 7 thành lập tại xã Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) ngày 20-10-1950, sau phát triển thành Phân viện 1 và Phân viện 2, rồi hợp nhất thành Phân viện 12, nâng cấp thành Viện Quân y 7 năm 1957 đến Bệnh viện Quân y 7 ngày nay là quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên, chiến sĩ của bệnh viện. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện không chỉ làm tốt việc cấp cứu, thu dung điều trị tại bệnh viện, mà còn đi theo các đơn vị kịp thời cứu chữa thương binh, bệnh binh, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Bệnh viện nhiều lần cơ động, đóng quân ở các địa phương khác nhau như Thái Nguyên, Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh), Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương và tham gia phục vụ nhiều chiến dịch lớn như Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ... Từ năm 1960 trở lại đây, bệnh viện được giao nhiệm vụ công tác tuyến trên địa bàn các tỉnh Quân khu 3 và huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), đồng thời còn cử nhiều đoàn công tác dài ngày lên các đơn vị, địa phương biên giới phía Bắc Tổ quốc để khám, chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân. Qua hoạt động chuyên môn, nhiều bác sĩ giỏi, trách nhiệm cao của bệnh viện đã nổi danh toàn quốc như: Cố Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Đặng Đình Huấn, Lê Xuân Ty; Chiến sĩ thi đua: Hoàng Thị Hồ, Nguyễn Thị Hàn, Nguyễn Thị Kim...

Trung tướng, TS Đinh Ngọc Duy, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 7 giai đoạn 1988-1998 kể: “Trưởng thành từ bác sĩ điều trị, là chủ nhiệm khoa, phó viện trưởng và 10 năm (1988-1998) là viện trưởng (nay là giám đốc), nhưng trước khi về công tác tại viện, tôi là... bệnh nhân của viện. Các thầy thuốc của viện đã đưa tôi “từ cõi chết trở về” sau lần sốt rét thập tử nhất sinh năm 1981, do di chứng sốt rét từ chiến trường Tây Nguyên và những ngày làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Truyền thống “Đoàn kết-vượt khó-sáng tạo” của viện là động lực thôi thúc tôi nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, quản lý, góp phần đưa viện phát triển. Ở đây, niềm tự hào nhất với tôi và các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên, chiến sĩ của viện là được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội về thăm và ghi nhận những chiến công, đóng góp của viện. Đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1996); Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 5-1994); Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 1995)...”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, ngày 20-12-1994, Viện Quân y 7 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Xây dựng bệnh viện chính quy, hiện đại

Tự hào là bệnh viện cấp chiến dịch duy nhất của quân đội được Bác Hồ về thăm và căn dặn, các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7 luôn nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, nâng cao trình độ, chất lượng chuyên môn, uy tín trong khám bệnh, điều trị và xây dựng bệnh viện chính quy, hiện đại. Đại tá, TS Đặng Vũ Hải thông tin: Từ tháng 3-2019, bệnh viện được công nhận là bệnh viện hạng 1 theo quy định xếp hạng của Bộ Y tế. Là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Quân khu 3, đến nay, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của viện có hơn 80% có trình độ sau đại học-tiến sĩ và thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II. Cán bộ chuyên môn, kỹ thuật viên của bệnh viện thường xuyên được đào tạo, tập huấn, chuyển giao và làm chủ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại. Phát huy thế mạnh về đội ngũ, bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thành hàng chục đề tài nghiên cứu các cấp hằng năm và hầu hết sản phẩm khoa học, công nghệ đưa vào ứng dụng chẩn đoán, điều trị và quản lý, điều hành bệnh viện. Hiện nay, ngoài các kỹ thuật quy định theo tuyến, bệnh viện triển khai hiệu quả và làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu thuộc phạm vi tuyến trên như các phẫu thuật nội soi ổ bụng có can thiệp nhiều tạng; phẫu thuật nội soi khớp gối, đóng đinh nội tủy có chốt ngang; phẫu thuật nội soi tai-mũi-họng, tiết niệu, sản khoa; phẫu thuật  sọ não, tán sỏi tiết niệu ngược dòng, phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp háng đường mổ nhỏ ít xâm lấn; phẫu thuật thay thể thủy tinh bằng phương pháp Phaco...

leftcenterrightdel

 Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 7 thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: DUY LOÃN

Phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, những năm qua, Bệnh viện Quân y 7 được trên đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp, đồng bộ cơ sở hạ tầng hậu cần, kỹ thuật và lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Bệnh viện hiện nay có các tòa nhà 5, 7 và 9 tầng, quy hoạch hợp lý, thuận tiện khai thác, vận hành. Bệnh viện được trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế, có nhiều loại máy móc hiện đại như: Máy siêu âm 4D, máy chụp CT Scanner, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động... “Với cơ sở hạ tầng hậu cần, kỹ thuật, trang thiết bị y tế đồng bộ, tiên tiến và đội ngũ kỹ thuật viên, y, bác sĩ chất lượng cao, bình quân hằng năm bệnh viện khám hơn 130.000 lượt bệnh nhân, cấp cứu gần 5.000 trường hợp, thu dung điều trị gần 20.000 bệnh nhân, phẫu thuật hơn 5.000 ca các loại. Kết quả điều trị của bệnh viện đạt cao, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Bệnh viện còn tích cực, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào quản lý bệnh viện, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân, triển khai chương trình hội chẩn và đào tạo, khám, chữa bệnh từ xa (telehealth, telemedicine), bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 hiệu quả. Những kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán, điều trị bệnh đã nâng cao uy tín của bệnh viện, là điều kiện để tiếp tục xây dựng, phát triển bệnh viện theo hướng chính quy, hiện đại và là cơ sở y tế mẫu mực trong thời gian tới”-Đại tá, TS Đặng Vũ Hải khẳng định.

HƯƠNG HỒNG THU