QĐND - “Ngôi nhà được dựng lên rất đơn sơ. Bên trong lập một bàn thờ, hằng ngày khói hương nghi ngút. Phía trước sân là giàn hành xanh mướt, thường xuyên được chăm tưới cẩn thận. Phía sau có một chuồng nuôi heo. Xung quanh nhà có một con kênh nhỏ. Dưới bờ kênh chôn nhiều chiếc chum”.
Hơn 40 năm trước, khi vừa bước qua tuổi 20 đầy mộng mơ và hoài bão, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Sỹ, nguyên phóng viên chiến trường hãng phim Giải Phóng nhận nhiệm vụ ghi lại hình ảnh về phong trào nổi dậy của quần chúng khu vực Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Chính trong chuyến công tác năm đó, ông bị thương và may mắn được cứu chữa bởi các chiến sĩ quân y tiền phương. Đó là vào đầu tháng 3-1970, khi ông đi thực tế cùng Tiểu đoàn 7, Quân Giải phóng tỉnh Mỹ Tho, thì gặp quân ngụy Sài Gòn đi càn. Bất chấp nguy hiểm, ông Sỹ ra khỏi vị trí ẩn nấp cầm máy quay tác nghiệp. Ông kể: “Lúc bấy giờ, giao tranh diễn ra rất ác liệt, tiếng đạn nổ chát chúa, mùi thuốc súng khét lẹt. Tôi nhìn thấy rõ từng tên địch đang điên cuồng xả súng về phía mình. Bụng bảo dạ, đây thực sự là thước phim tư liệu quý giá, không thể rời máy quay”.
 |
Phóng viên chiến trường Nguyễn Tiến Sỹ say sưa kể lại chuyện “tác nghiệp”. Ảnh: Minh Nguyệt
|
Sau gần một giờ, mũi càn của địch bị đẩy lùi. Cùng lúc ấy, Nguyễn Tiến Sỹ cảm thấy tay trái của mình buốt, lạnh. Cúi xuống nhìn, thấy máu loang thấm ướt cả cánh tay áo. Ngồi xuống, tựa vào thành hào, anh đưa tay trái lấy cuộn băng nhưng cánh tay không còn làm theo sự chỉ đạo của anh nữa. Định nhấc cánh tay phải lên thì cũng thấy máu đã thấm đẫm ra cả vùng cánh tay. Máu loang khắp người. Trong khoảnh khắc giành giật giữa sống và chết, Sỹ thèm một ngụm nước. Anh nhớ, anh Cường quân y (quê ở Hưng Yên) mở bình tông rót cho anh một thìa nước. Uống thìa nước mà Sỹ không cảm nhận được nước đã chảy vào miệng. Sỹ đòi được uống thêm. Cường ôm anh vào lòng rưng rưng nước mắt nói: “Anh bị mất máu nhiều quá, muốn về ngoài Bắc với gia đình, vợ con thì không được uống nước nữa”. Nghe Cường nói vậy, Sỹ không đòi uống nước nữa rồi dần dần lịm đi...
Khi tỉnh dậy, Nguyễn Tiến Sỹ thấy mình nằm trên một tấm phản đặt trong ngôi nhà lợp mái lá ở ấp 1, xã Thanh Hưng, Cái Bè, Mỹ Tho. Sỹ hết sức bất ngờ vì thời gian trước đi quay phim anh đã qua đây nhiều lần nhưng không phát hiện ra đây là bệnh xá quân y, điều trị và cất giấu thương binh. Bệnh xá đặc biệt ấy đến nay, dù mấy chục năm đã trôi qua, ông vẫn nhớ như in. Đó là ngôi nhà được dựng lên rất đơn sơ. Bên trong lập một bàn thờ, hằng ngày khói hương nghi ngút. Phía trước sân là giàn hành xanh mướt, thường xuyên được chăm tưới cẩn thận. Phía sau có một chuồng nuôi heo. Xung quanh nhà có một con kênh nhỏ. Dưới bờ kênh chôn nhiều chiếc chum. Đây là những chiếc chum đặc biệt, có cùng kích cỡ, vừa đủ diện tích để một người ngồi. Miệng chum có nắp đậy, trên mặt có cửa và bốn lỗ thông khí ra bên ngoài. Thời gian này, ở xã Thanh Hưng có ba bốt của địch, ngày đêm đều có lính tuần tra canh gác cẩn thận. Ban ngày địch thường xuyên tổ chức đi càn. Những lúc đó, y, bác sĩ dẫn thương binh vào chum ẩn nấp, các thương binh nặng được đưa lên những chiếc ghe nhỏ giấu vào lùm cỏ tranh. Chum cũng là nơi bệnh xá dùng để cất giấu thuốc và dụng cụ y tế. Ông Sỹ do bị gãy cả hai tay nên khi lánh nạn được đưa lên ghe, cất giấu ở đám cỏ tranh.
Chỉ vào những vết sẹo chi chít hai bên sườn, ông kể: “Tôi nằm trong đám cỏ, đàn kiến đánh hơi thấy mùi máu, kéo đến cắn quanh vết thương. Đau, buốt, ngứa, toàn thân tê dại. Không thể nhấc tay lên được, tôi đành phải chấp nhận để bầy kiến hành hạ. Tôi nhớ về gia đình, nhớ miền Bắc thân yêu, nhớ tới những người đồng đội chiến đấu bên tôi ngã xuống tay vẫn nắm chắc khẩu súng, nỗi đau vơi đi và chìm lắng xuống”.
Năm 1974, ông Sỹ ra Bắc với hai bàn tay đầy thương tật, chỉ còn mấy ngón của bàn tay trái cử động được. Ông kiên trì tập viết, tập đi xe và tập cầm lại máy quay với niềm say nghề cháy bỏng. Mặc dù thương tật hơn 81% nhưng ông vẫn viết đơn tình nguyện trở lại ngành và công tác tại hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương. Trong suốt thời gian còn lại gắn bó với điện ảnh, ông Sỹ làm việc tại Phòng Tuyên truyền quảng cáo. Giờ đã ở cái tuổi gần bảy mươi, nhưng ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Ông cùng với các thương binh thôn Đình Thôn thành lập Hội thương-bệnh binh Đình Thôn. Trên cương vị là hội trưởng, ông cùng các thương binh vận động bà con trong thôn xây dựng nếp sống văn hóa. Ông liên hệ với HTX Mỹ Đình tổ chức cho hội viên lao động, chăm sóc nghĩa trang, nạo vét kênh mương, gây quỹ để thăm hỏi mỗi khi có hội viên ốm đau.
PHẠM VĂN TUẤN