Bay đêm...

“Mới đó mà đã 50 năm. Thời gian trôi nhanh quá, nhà báo ạ!”-ông Bùi Doãn Độ nhỏ nhẹ nói với tôi. Một thoáng tiếc nuối thời gian trong đôi mắt của ông.

“Tôi quê ở Thái Bình, nhưng năm 1954 theo bố mẹ ra Hải Phòng sinh sống. Tôi lớn lên ở đó. Năm 1966, lúc mới 16 tuổi, tôi trúng tuyển phi công và vào đơn vị dự khóa bay của không quân. Năm 1967, tôi sang Liên Xô học bay L-29, sau đó học bay và tốt nghiệp lái MiG-21”-Đại tá phi công Bùi Doãn Độ kể.

Về nước cuối năm 1970, chàng trai Bùi Doãn Độ được biên chế vào Trung đoàn 921 thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân đóng ở Nội Bài. Một thời gian sau, trên chọn một số phi công có kỹ thuật bay tốt vào Phi đội 5 (Đại đội 5) bay đêm của Trung đoàn. Phi đội 5 bay đêm đã thành lập từ trước đó, lớp đầu tiên là các phi công Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Nguyễn Đăng Kính... Lớp thứ hai là Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều và nhiều phi công khác. Đến chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, phi đội được tách làm hai: Một nửa ở lại Trung đoàn 921, số còn lại chuyển sang Trung đoàn 927 đóng ở sân bay Kép (Bắc Giang).

Ông kể tiếp: “Đầu năm 1971, tôi được biên chế vào biên đội (tương đương trung đội) do anh Trần Mạo là Biên đội trưởng thuộc phi đội bay đêm mà anh Đinh Tôn làm Phi đội trưởng. Sau khi anh Trần Mạo hy sinh, anh Phạm Tuân lên thay. Một biên đội thường biên chế 4 máy bay. Tôi nhớ, biên đội bay đêm của tôi lúc đó có các phi công Phạm Tuân, Đinh Trọng Kháng, anh Cần và tôi”.

- Vậy bay đêm có khác bay ban ngày không?-tôi hỏi.

- Khác nhau nhiều chứ!-Bùi Doãn Độ đáp-Điều kiện cất, hạ cánh bay đêm trong chiến tranh phức tạp hơn bay ban ngày rất nhiều. Ví dụ như trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, vì địch khống chế các sân bay nên phi công ta phải hạ cánh bằng đèn pha chiếu trên máy bay xuống, còn nếu bật sáng đèn pha của sân bay thì đó là mục tiêu để không quân Mỹ đánh phá. Hoặc gặp lúc thời tiết xấu như trời mù, nhiều mây, phi công rất khó chịu, dễ có cảm giác sai. Lúc đó phải tỉnh táo, tập trung vào đồng hồ chỉ dẫn, nếu không có kinh nghiệm sẽ dẫn đến những tình huống xấu. Khi bay đêm, cất cánh, hạ cánh, tiếp cận mục tiêu hoàn toàn do mặt đất (sở chỉ huy) dẫn đường, phi công không thể tự bay được. Nếu không có dẫn dắt của mặt đất thì không thể nào gặp địch. Chỉ khi phát hiện được mục tiêu, phi công xin vào công kích thì khi đó mới tự mình quyết định đánh hay không, bắn tên lửa rồi thoát ly ra sao, sau đó báo cho sở chỉ huy để dẫn dắt bay về.

leftcenterrightdel

Phi công Bùi Doãn Độ sau Chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh do nhân vật cung cấp

Người “khóa đuôi”

Theo lời kể của phi công Bùi Doãn Độ, trước Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972, Phi đội 5 đã được Quân chủng tổ chức bay huấn luyện cất, hạ cánh trong điều kiện sân bay ngắn hẹp; cất, hạ cánh bằng đường băng dã chiến; cất cánh bằng tên lửa bổ trợ; tiếp cận B-52 trên tầng cao bằng khí tài radar kết hợp với mắt thường; sử dụng IL-18 để làm mục tiêu huấn luyện. Cả phi đội sôi nổi bàn cách đánh B-52. Được huấn luyện một thời gian khá dài nên bước vào chiến dịch, tất cả phi công của Phi đội 5 đều rất thành thục các bước khi bay đêm. Phi đội 5 bay đêm sau này được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân có cả thành tích từ những ngày đầu thành lập, như phi công Đinh Tôn bắn rơi 4 chiếc máy bay, phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương B-52... Kể về chiến công bắn rơi chiếc F-4 của Mỹ trong đêm cuối cùng chiến dịch này, phi công Bùi Doãn Độ nhớ lại:

- Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972, tôi xuất kích 4 lần, nhưng chỉ gặp B-52 bay ở trên đầu. Đêm 29-12, tôi lái chiếc MiG-21 cất cánh từ sân bay Kép. Sau khi mặt đất dẫn dắt để tìm mục tiêu B-52 nhưng không gặp, trên đường về, tôi nghe tiếng của đồng chí Trần Hanh, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Không quân từ sở chỉ huy: “Chú ý không kích. Địch cách 7 cây số, bay từ phải qua trái”. Tôi nhìn ra, thấy đèn của máy bay địch chớp chớp, rồi nó bay qua đầu máy bay tôi. Tôi bật tăng lực và vòng bám theo. Do bật tăng lực nên máy bay tôi mỗi lúc lại tiếp cận gần máy bay địch, có thời điểm không thấy đèn chớp nữa, nghĩa là rất gần, buộc tôi phải tắt tăng lực, giảm tốc độ. Vài giây sau, tôi phát hiện máy bay Mỹ trước mặt, cự ly có thể cho phép hạ mục tiêu. Tôi bật lại tăng lực toàn phần, vòng ép vào và đưa máy bay địch vào vòng ngắm. Cự ly giữa tôi và địch lúc đó khoảng 1km, tôi nhìn rõ buồng đốt động cơ của nó có ánh lửa hồng hồng. Đã đủ điều kiện, tôi bấm nút phóng liền hai quả tên lửa. Bắn xong, tôi báo cáo sở chỉ huy: “Tôi thoát ly bên phải”. Tiếng của Phó tư lệnh Trần Hanh: “Không, thoát ly bên trái!”. Làm theo lệnh của chỉ huy, tôi nhìn thấy chiếc máy bay Mỹ đang cắm xuống một góc khoảng 40 độ, phía sau là chùm lửa kéo dài. Chiếc máy bay bị bắn cháy lúc đó chỉ cách máy bay MiG-21 khoảng 150m, tôi còn nhìn rõ chiếc F-4 đuôi dưới hơi cúp xuống, cánh cong lên. Tôi liếc nhìn đồng hồ: 23 giờ 30 phút. Lấy độ cao, tôi báo cáo sở chỉ huy máy bay địch đã bị bắn hạ và về hạ cánh an toàn. Ngày hôm sau, Quân chủng Phòng không-Không quân thông báo chiếc máy bay do tôi bắn rơi ở vùng Tam Nông, Phú Thọ.

leftcenterrightdel

Đại tá Bùi Doãn Độ kể lại tình huống bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: BẢO LÊ 

Chiếc máy bay F-4 mà Trung úy phi công Bùi Doãn Độ bắn hạ là chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị rơi trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972, cũng là chiếc cuối cùng Không quân nhân dân Việt Nam hạ không lực Mỹ. Chàng trai 22 tuổi Bùi Doãn Độ hồi đó đâu biết rằng, chỉ mấy tiếng sau, 7 giờ sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom, chấp nhận quay trở lại đàm phán. Gần một tháng sau, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tại Paris (Pháp).

Sau năm 1975, Đại tá Bùi Doãn Độ tiếp tục phục vụ trong Quân chủng Phòng không-Không quân, có thời gian ông sang Campuchia làm chuyên gia huấn luyện bay cho bạn. Năm 1995, ông chuyển sang làm việc cho Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho đến khi nghỉ hưu. Nối nghiệp cha, con gái và con trai ông đang phục vụ trong ngành hàng không Việt Nam.

HỒNG SƠN