Chúng tôi gặp nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên, sinh năm 1945, ở nhà riêng (xóm Vân Cốc 3, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Trước khi nghe ông kể chuyện chiến đấu và cuộc đời đứng trên bục giảng, ông tặng tôi bản thảo tập thơ “Vừa đánh giặc vừa làm thơ” và bảo: “Đây là nhật ký bằng thơ, tôi đã viết trong thời gian quân ngũ. Đó là kỷ niệm những tháng năm huấn luyện, chiến đấu ở chiến trường và ghi lại những chiến công của đồng đội”.

Tập bản thảo thơ khá dày dặn, mở đầu là bài thơ viết vào tháng 2-1968, kết thúc là bài thơ viết năm 1973, trước khi ông xuất ngũ, trở lại bục giảng vào tháng 1-1974. Theo giới thiệu của ông, tập bản thảo thơ viết từ chiến trường này, ông đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Theo mạch hồi ức, ngày 15-2-1968, ông chia tay Lớp 7A, Trường cấp 2 Quang Trung (Hà Bắc) mà ông làm chủ nhiệm để lên đường nhập ngũ cùng các nhà giáo trong Đại đội Ngô Gia Tự 2 (tỉnh Hà Bắc) ngày 18-2-1968. “Những ngày ấy, tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở miền Nam sục sôi khiến những nhà giáo, lớp thanh niên chúng tôi đều mong muốn được nhập ngũ, ra trận chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi tình nguyện làm đơn nhập ngũ khi đang là giáo viên và được chấp thuận”, ông Nguyễn Quang Khuyên kể. Bấy giờ, Ty Giáo dục tỉnh Hà Bắc chủ trương thành lập các đại đội nhà giáo nhập ngũ, bổ sung cho Quân đội. Tháng 7-1967, Ty Giáo dục tỉnh Hà Bắc thành lập Đại đội Ngô Gia Tự 1 gồm 155 người; đến tháng 2-1968, thành lập Đại đội Ngô Gia Tự 2 với 175 người, chủ yếu là cán bộ, giáo viên và sinh viên, giáo sinh các trường sư phạm của tỉnh. Ngày 18-2-1968, Đại đội Ngô Gia Tự 2 sau khi bàn giao cho Sư đoàn 338, Quân khu Tả Ngạn, thì hành quân ngay trong đêm về đơn vị để huấn luyện quân sự. Trải qua những tháng ngày huấn luyện gian khổ, vất vả, thường xuyên vai đeo ba lô, trang bị nặng hơn 25kg hành quân dã ngoại, quãng đường hàng chục cây số; rồi huấn luyện bắn súng, kỹ thuật chiến đấu cá nhân, với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, Đại đội Ngô Gia Tự 2 đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành khóa huấn luyện từ tháng 2-1968 đến tháng 5-1968. Ngày 18-5-1968, cả Đại đội cùng các đại đội huấn luyện khác của Sư đoàn nhận lệnh lên đường đi B, vào miền Nam chiến đấu.

leftcenterrightdel

Cựu nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng đội đọc lại những bài thơ viết ở chiến trường. 

Đại đội hành quân ròng rã hàng tháng trời qua những vùng “đất lửa” miền Trung thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vượt Đèo Ngang vào Quảng Bình, băng rừng Trường Sơn vào Mặt trận Quảng Trị cuối tháng 6-1968. Ngay sau đó được bàn giao cho Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc-đơn vị vừa hành quân vào chiến trường, tiếp quản các trận địa của Sư đoàn 304. Ông Khuyên được biên chế về Đại đội 15 công binh thuộc Trung đoàn 246. Trong những năm 1968-1969, đơn vị ông Khuyên làm nhiệm vụ mở đường ở Lao Bảo (Quảng Trị); bố trí các trận địa mìn phục kích đánh địch ở Đường 9... Tại chiến trường, Nguyễn Quang Khuyên vẫn làm thơ, ghi lại những công việc, trận đánh, chiến công của đơn vị và đồng đội. Điển hình là các trận đánh mìn phục kích địch ngày 13-1-1969 tiêu diệt hơn 30 tên địch; trận đánh ngày 25-1-1969 tiêu diệt 3 xe tăng cùng hàng chục binh lính địch... Ở chiến trường không có giấy, ông lấy giấy truyền đơn của địch, ghi ở mặt sau. Như bài “Lại đánh mìn” viết ngay sau trận đánh ngày 25-1-1969: Dây mìn nắm chắc trong tay/ Phục bên Đường 9 chờ ngày diệt xe.../ Hiệp đồng trong khói mịt mù/ Tiêu diệt lính dù Mỹ-ngụy trên xe... Cùng đơn vị và đồng đội lập công, năm 1969, Nguyễn Quang Khuyên được bầu là Chiến sĩ thi đua và được tặng hai danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ Quyết thắng.

“Ở chiến trường cũng có những lúc xảy ra chuyện ngoài ý muốn”-ông Khuyên kể tiếp. “Như vào khoảng cuối tháng 8-1970, trong một lần địch càn quét vào khu vực đơn vị đóng quân ở khu rừng thuộc Hướng Hóa (Quảng Trị), một tổ 3 người gồm tôi, đồng chí Việt là chiến sĩ thông tin và đồng chí Bạn bị lạc đơn vị. Ba anh em chỉ có hai bơ gạo, một gói muối. Bị lạc trong rừng 7 ngày, không dám đi ra đường lớn sợ gặp địch. Đến ngày thứ bảy, chúng tôi gặp được một tổ trinh sát của Trung đoàn, nhận ra bộ đội cùng đơn vị, họ cho gạo ăn, đưa về Trung đoàn. Trong thời gian chúng tôi bị lạc, đơn vị có thông tin về địa phương để phối hợp tìm kiếm. Thế là ở quê loan tin tôi theo giặc, chiêu hồi. Gia đình tôi rất xấu hổ với dân làng, thầy u tôi thì cãi nhau. Đến khi về được đơn vị, chúng tôi được minh oan và Trung đoàn viết thư thông báo về địa phương. Hai tháng sau, chính quyền địa phương và thầy u tôi nhận được thư, xác nhận tôi không phải bỏ ngũ theo địch, không chiêu hồi, liền phấn khởi mang thư đi khắp làng để báo cho dân làng biết!”.

Tháng 12-1970, Trung đoàn 246 trở ra miền Bắc. Một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn được bàn giao và biên chế cho các đơn vị bạn, tiếp tục chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị (B5). Nguyễn Quang Khuyên được biên chế về Đại đội 8, Tiểu đoàn 15 (K15) thuộc B5. Ông được cử làm Trung đội trưởng, có nhiệm vụ đánh xe tăng, xe bọc thép của địch. Ngày 21-3-1971, trung đội của ông nhận nhiệm vụ đi chuẩn bị kho cho đơn vị dự trữ vật chất hậu cần để tiểu đoàn đánh thọc sâu vào hậu phương địch. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, ông Khuyên trúng bom tọa độ địch đánh phá, bị đất đá vùi lấp và bị thương ở đầu do mảnh bom. Ông được đồng đội lôi lên từ lòng đất và đưa đi Viện 43 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) để điều trị. Mấy ngày sau, vết thương khá ổn định, sợ anh em chưa làm xong kho tàng theo yêu cầu thời gian của trên, ông xin ra viện về đơn vị. Khi về với trung đội, anh em rất vui mừng.

Ông Khuyên tiếp tục câu chuyện: “Sau này, tôi được cử làm Chính trị viên Đại đội 8, K15 và trong thời gian này, tôi bị thương lần nữa. Đó là trận Mỹ ném bom vào vùng giải phóng của ta ở Quảng Trị, tháng 10-1972, tôi bị sức ép của bom nên điếc tai tạm thời. Đơn vị đưa về điều trị tại Viện 43, sau đó đi an dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4. Tháng 2-1973, sau khi điều trị xong, tôi về nhận nhiệm vụ phụ trách hậu cần của K15, B5 đến tháng 1-1974 xuất ngũ về địa phương”...

Hơn 5 năm trong quân ngũ gắn bó với chiến trường Quảng Trị, nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, nhiều lần được công nhận Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ Quyết thắng. Rời quân ngũ, ông lại trở về đứng trên bục giảng, làm giáo viên của Trường cấp 2 Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1975, ông được cử làm Hiệu trưởng nhà trường. Do điều kiện sức khỏe, vết thương nhiều lần tái phát, năm 1987, ông xin nghỉ chức vụ Hiệu trưởng và đảm nhận chức vụ Phó hiệu trưởng Trường THCS Vân Trung, đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Hiện nay, ông Khuyên là Trưởng ban liên lạc Đại đội nhà giáo Ngô Gia Tự 2 và thường xuyên gặp mặt đồng đội, các cựu giáo chức để ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc đời nhà giáo Nguyễn Quang Khuyên đẹp, dung dị và đầy tự hào như những câu thơ ông viết ở chiến trường...

Bài và ảnh: XUÂN GIANG