Những ngày ấy, hình ảnh thầy giáo Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) như sống lại trong ký ức của đồng nghiệp và hiển hiện trong trí tưởng tượng của sinh viên toàn trường. Hội Cựu chiến binh nhà trường gấp rút hoàn thiện bản thảo xuất bản nhật ký của liệt sĩ Ca Lê Hiến. Cuốn sổ ghi nhật ký của thầy Ca Lê Hiến đến năm ấy đã phai màu mực. Thầy Hiến lại viết tắt, viết chen bằng mấy thứ tiếng: Nga, Pháp, Anh và cả tiếng Trung, vì vậy công việc đánh máy bản thảo giống như một công trình khảo cổ, giải mã “ngũ ngữ”. Có dòng chữ ban biên soạn phải tra cứu, thảo luận mấy ngày liền mới đi đến thống nhất nội dung chính xác của diễn ngôn mà tác giả muốn thể hiện.
Để thêm tiếng nói mới, một tài liệu khoa học mới, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm có ý nghĩa trù bị cho Hội thảo khoa học “Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân-Cuộc đời và sự nghiệp”. Một vấn đề được đưa ra trong một cuộc tọa đàm, xuất phát từ tuyên ngôn nghệ thuật bất hủ của Platon: “Thà làm một anh hùng cho nhà thơ ca ngợi còn hơn làm nhà thơ ca ngợi các anh hùng”. Tuyên ngôn trên đã trở thành một câu hỏi không ít trăn trở đối với các nhà thơ năm xưa ra trận. Anh hùng hay thi sĩ? Khi thầy Ca Lê Hiến, một giảng viên trẻ 26 tuổi, từ chối quyết định đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, tình nguyện vào Nam, trở lại quê hương chiến đấu có phải băn khoăn lựa chọn nhiều không? Chắc không thể không có, vì đó là sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết, giữa sự bình yên, danh vọng và gian khổ, hy sinh. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó chỉ có ý nghĩa tương đối trong những thời khắc quyết định khi nhà thơ, nhà giáo Ca Lê Hiến đeo ba lô trèo đèo, lội suối vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Vì danh hiệu anh hùng và nhà thơ không nằm cùng một hệ giá trị, còn nếu đặt cùng chung một hệ thì ở đây cũng không thể phân hạng thấp, cao.
    |
 |
Nhà thơ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân. Ảnh tư liệu |
Chính nhà thơ Lê Anh Xuân đã kiến tạo hình tượng một anh hùng trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Bài thơ được viết năm 1968, trước ngày Lê Anh Xuân hy sinh hai tháng và viết về một dũng sĩ hy sinh trước đó hai năm. Tác giả không kịp nhìn thấy bài thơ được in và không được nghe bài hát phổ thơ mình. Bài thơ ban đầu tác giả đặt tên là “Anh Giải phóng quân”, lúc đem in, nhà văn Anh Đức đã sửa thành “Dáng đứng Việt Nam”. Tên mới của bài thơ gần như đã làm mờ đi tính chất báo chí, tính thời sự của bài thơ. Một câu hỏi tu từ trong bài thơ khiến người đọc trăn trở, từ đó mở ra bao điều cần kiến giải: “Anh tên gì hỡi anh yêu quý”. Chắc chắn thực tế người lính ấy có đầy đủ tên họ. Nhưng khi kẻ địch lục lọi thi thể chiến sĩ đã không tìm thấy một tấm ảnh, một phiên hiệu đơn vị hay họ tên gì, ngay cả lý lịch đựng trong lọ thủy tinh dự phòng ngày đi tìm hài cốt cũng không có.
Người chiến sĩ hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất năm ấy hoàn toàn “vô danh”. Nhưng nhà thơ Lê Anh Xuân đã nâng hình ảnh người chiến sĩ hy sinh trong tư thế tiếp tục bắn quân thù thành hình ảnh biểu tượng của đất nước kháng chiến, với “dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam”. Bài thơ sau khi được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là sau khi được phổ nhạc đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim hàng triệu độc giả, khán thính giả của nhiều thế hệ. Sức lan tỏa của hình tượng chiến sĩ Giải phóng quân chưa biết tên đó đạt đỉnh cao tới mức nhiều khi chúng ta đồng nhất nhân vật trữ tình anh Giải phóng quân với chính bản thân tác giả. Sự hy sinh của nhân vật trong thơ như một điềm báo không lành về sự hy sinh của nhà thơ hai tháng sau đó.
Có một số tham luận trong hội thảo đặt vấn đề nghi ngờ: Việc chưa truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nhà thơ phải chăng xuất phát từ sự so sánh tư thế hy sinh của nhà thơ và nhân vật? Đối lập với hình ảnh người chiến sĩ đứng như bức thành đồng chĩa súng về phía quân thù giữa một không gian phi trường cao rộng là cái chết âm thầm, “rất lạ” (nói theo lời nhà văn Lê Văn Thảo), trong hầm bí mật.
Theo đồng đội của nhà thơ kể lại, Lê Anh Xuân tham gia đợt hai của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với tư cách của một cán bộ của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam đi thực tế. Anh đi, trong tay không vũ khí, chỉ có cây bút và cuốn sổ nhỏ trong người. Không may, nhà thơ rơi vào khu vực địch càn quét, phải rút xuống hầm bí mật. Vì là vùng đất trũng, lòng hầm dễ ngập nước nên du kích địa phương phải dùng chum chôn xuống làm chỗ ngồi. Lỗ thông hơi của hầm phải làm rất nhỏ, có nắp ngụy trang, buộc mỗi người trú trong hầm phải thường xuyên chọc lỗ dế thông khí. Sơ đồ hệ thống hầm bí mật không được thông tin rộng rãi. Người nằm hầm chỉ biết hầm mình, không biết vị trí hầm khác. Chính vì vậy, khi du kích tìm ra hầm thì đã quá muộn, nhà thơ đã vĩnh viễn ngủ yên. Có nhiều giả thiết về cái chết của nhà thơ: Một là hầm bị quân địch hạ trại, đặt lên nắp, hai là trong chum quá nhiều khí độc, ba là do tranh thủ sáng tác, nhà thơ ngủ lịm đi, bồng bềnh trong... nhịp điệu thơ ca.
    |
 |
Giấy chứng minh của nhà giáo Ca Lê Hiến. Ảnh chụp lại |
Bản tổng kết hội thảo vang lên lời kêu gọi thống thiết, hướng về Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương: “Các liệt sĩ anh hùng không bao giờ chọn trước cho mình một tư thế hy sinh. Thế giới tâm hồn Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân là sự tích hợp nhiều phẩm chất và năng lực: Nhà giáo-nhà báo-nhà thơ và một anh hùng. Một người anh hùng đích thực thì ngay cả khi đang sống cũng không bao giờ thiết tha với các thứ huy chương, danh hiệu, không cần các thứ phù hoa. Danh hiệu anh hùng là cái cần cho chính chúng ta, những người đang sống. Có danh hiệu anh hùng Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân là chúng ta có thêm một lá cờ chuẩn, lá cờ vẫy gọi, chỉ đường. Có thêm danh hiệu ấy, đất nước như thêm một ngọn hải đăng nho nhỏ để chúng ta tránh lạc đường, tránh xa những điều thấp hèn, ô trọc, bảo toàn nhân cách, để tuổi trẻ học đường và các thế hệ thanh niên mai sau có thêm sức mạnh mà giữ gìn biên cương, hải đảo, để một ngày “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”, như lời thơ tiên đoán.
Trước khi diễn ra cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân. Ngày 22-11-2011, Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân.
Cũng trong năm 2011, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng cho người chiến sĩ không tên, “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ”. Nguyên mẫu trong bài thơ của Lê Anh Xuân được xác định là Trung đội phó Nguyễn Văn Mao thuộc Tiểu đoàn 6-Bình Tân, hy sinh ngày 4-12-1966. Nhờ bài thơ, liệt sĩ “vô danh” được trả lại tên tuổi. Và cũng qua bài thơ, độc giả nhận ra phẩm chất anh hùng của một nhà thơ chiến trận. Như vậy, bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” cũng là một kiểu hồ sơ, một bức “hồ sơ nghệ thuật”-nơi gặp gỡ và lưu lại dấu tích của những anh hùng.
PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG