Gặp nhà báo Nguyễn Hữu Phách tại cuộc họp cộng tác viên Báo Hải Dương vào tháng 5-2023, ông bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng làm báo sôi nổi của mình. Nhà báo Nguyễn Hữu Phách sinh năm 1935. Trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp, ông từng có hai năm làm giáo viên và có nhiều tác phẩm báo chí, truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí của Trung ương, địa phương và là cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân từ cuối thập niên 1950.

Ngày 1-12-1961, Báo Hải Dương ra số đầu tiên, Nguyễn Hữu Phách là một trong 5 phóng viên làm số báo đó. Say nghề báo, ông lăn lộn thực tế để lấy tư liệu, viết bài tuyên truyền về gương người tốt-việc tốt, phát hiện và phản ánh điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động, sản xuất ở địa phương. Những năm 1965-1969, trên miền Bắc có nhiều phong trào thi đua như: “Tay búa, tay súng”; “Tay cày, tay súng”; học tập gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Viết Xuân...

Năm 1969, ông sáng tác hai bài thơ: “Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ”; “Trên cánh đồng năm tấn Nguyễn Văn Bé” và gửi dự thi thơ của Tuần báo Văn nghệ hai năm 1969-1970. Hai bài thơ này của ông được Tuần báo Văn nghệ trao giải Ba, chỉ đứng sau các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc-những người đoạt giải Nhất, giải Nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ khi đó.

leftcenterrightdel

Nhà báo Nguyễn Hữu Phách (thứ hai, từ phải sang) nhận khen thưởng của Báo Hải Dương dành tặng cộng tác viên tích cực năm 2015. Ảnh: THÀNH ĐÔNG 

Nhà báo Nguyễn Hữu Phách kể: “Bài thơ “Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ”, tôi lấy nguyên mẫu bà Đỗ Thị Thìn, sinh năm 1940, quê ở thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương). Bà Thìn khi đó là cô giáo nuôi dạy trẻ, có nhiều sáng kiến trong nuôi dạy trẻ thơ. Ngày 15-2-1965, khi Bác Hồ về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang, Hải Dương), cô giáo Đỗ Thị Thìn được cử cùng với đoàn cán bộ xã đi tham dự đón Bác Hồ. Niềm vinh dự đó trở thành động lực để bà phấn đấu làm tốt công việc chăm sóc trẻ thơ, giúp bố mẹ các cháu yên tâm làm việc, lao động sản xuất. Năm 1966, cô giáo Đỗ Thị Thìn được công nhận là cô nuôi dạy trẻ giỏi và được cử đi dự hội nghị cô nuôi dạy trẻ tiêu biểu toàn miền Bắc tại Hà Nội. Tại hội nghị đó, cô giáo Đỗ Thị Thìn đại diện cho các cô giáo tỉnh Hải Dương phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng trao tặng Huy hiệu Bác Hồ”.

Nhà báo Nguyễn Hữu Phách hiện trú tại số nhà 40 Phan Chu Trinh, phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ở tuổi 88, ông vẫn minh mẫn, say sưa đọc sách, viết báo, làm thơ và cộng tác với nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Suy nghĩ trong buổi đón Huy hiệu Bác Hồ

Huy hiệu Bác Hồ sáng rực

Cài lên ngực áo mẹ xong

Trăm bàn tay ran ran vỗ

Trăm cặp mắt nhìn ước mong.


Các cụ nhớ vườn ươm nhỏ

“Bác dạy toàn dân gắng trồng”

Các cháu vẫy nhau giao hẹn

“Chăn trâu phải sạch ve mòng”.


Bác lực điền hơi ân hận

“Mình còn để lỏi sá trong”

Mấy cô khúc kha khúc khích

“Cấy dày nhích lại hàng sông”.


Đồng chí bí thư hỏi lớn:

“Bà con thi với mẹ không?”

Mắt mẹ gặp trăm cặp mắt

Mắt nào cũng sáng như gương.


Trăm bàn tay ran ran vỗ

Trăm tay kia đều có công

Mẹ nghĩ: “Mình trông cháu nhỏ

Thấm đâu bà con ngoài đồng”.


Ngực mẹ lung linh huy hiệu

Không, đây là phần thưởng chung.

DƯƠNG NAM HÒA