Những năm 1969-1970, tuyến Trường Sơn Tây ở khu vực Nam Lào-tuyến dọc Đường 128 chi viện cho chiến trường miền Nam bị địch đánh phá rất ác liệt, trong đó có trọng điểm đèo Bô Phiên-ngầm Sekaman thuộc Binh trạm 36 Trường Sơn. Các lực lượng công binh, cao xạ... chiến đấu rất dũng cảm để bảo vệ con đường, song ta cũng bị tổn thất không nhỏ. Trạm phẫu thuật của binh trạm-nơi công tác của y sĩ Nguyễn Mạnh Hùng ngày nào cũng có thương binh. Chốt ngay trên khu vực đỉnh đèo, y sĩ Hùng luôn ở tư thế sẵn sàng đứng mổ cứu chữa thương binh. Nhiều chiến sĩ bị thương đã được mổ cấp cứu. Có ca phải phẫu thuật vùng bụng rất nặng, không thể chuyển tuyến, y sĩ Hùng đứng mổ, ca mổ thành công. Sau ít ngày điều trị, thương binh được chuyển tuyến an toàn. Y sĩ Hùng còn sẵn sàng nhận nhiệm vụ cơ động mổ cấp cứu trên tuyến, nhất là vào khu vực trọng điểm ngầm Sekaman. Với khả năng chuyên môn vững vàng nên ngay từ những ngày đầu khi Bộ tư lệnh (BTL) Khu vực 471 Trường Sơn thành lập, Nguyễn Mạnh Hùng được điều động về làm trợ lý quân y. Tôi cũng được điều động về cơ quan BTL Khu vực 471 công tác.
Cùng là trợ lý nên tôi và Hùng thường được cử đi công tác với nhau. Khi thì chốt ở sở chỉ huy tiền phương hoặc các đoàn tiền trạm của BTL xác định vị trí đóng quân cho các đơn vị trực thuộc. Chính vì thế mà cả tôi và Hùng đều đặt chân tới đất Lào và Campuchia, chúng tôi trở nên thân thiết. Hùng hay gọi tôi là “chuẩn úy Đông Dương”. Chả là khi nhập tuyến, tôi quên số hiệu sĩ quan nên khi đồng đội lên quân hàm đều đặn thì tôi vẫn là chuẩn úy. Hùng cũng vậy, vì nhiều lý do, người cùng thời được cử đi học bác sĩ, còn Hùng vẫn cứ đi tiền phương, tiền trạm như tôi. Vì thế mà tôi réo gọi Hùng là “y sĩ Đông Dương”. Gọi miết thành quen, chả thấy ai truy hỏi đúng sai.
|
|
Tác giả và y sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội đại biểu Hội Trường Sơn Sư đoàn 471, tháng 7-2022.
|
Tuy chưa có bằng bác sĩ ngoại khoa song những ca mổ phức tạp, Hùng đều được mời cầm dao mổ. Khi BTL Khu vực 471 lật cánh về Đông Trường Sơn đóng quân ở Bến Giàng, Viện 46 thuộc BTL Khu vực 471 đóng quân gần Ban Quân y. Các ca mổ khó, y sĩ Hùng lại đứng mổ. Nhớ nhất là ca mổ ung thư cho nữ cán bộ Quảng Đà tên Kưu. Hùng đứng mổ, ca mổ kéo dài, phức tạp và thành công tốt đẹp. Đồng đội tặng anh những lời khen ngợi...
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đầu năm 1976, tôi ra Hà Nội học đại học rồi tu nghiệp ở Liên Xô. Năm 1985 về nước, tôi lại gặp Hùng ở nhà ăn C38 của Tổng cục Hậu cần. Tôi ở Cục Quân trang, Hùng là quân y Cục Hậu cần của Tổng cục. Gặp nhau, Hùng cầm tay tôi đặt lên mấy vết sẹo trên người và nói: “Bọn FULRO biếu tớ, may là vẫn còn sống”...
Thì ra khi tôi học đại học ở Hà Nội thì đơn vị tôi chuyển sở chỉ huy về Gia Nghĩa, Đắk Nông nhận thêm quân. BTL Khu vực 471 lúc bấy giờ là Sư đoàn 471 chuyển nhiệm vụ làm lâm nghiệp: Trồng rừng, khai thác rừng, đồng thời chống bọn FULRO. Vết sẹo mà Hùng mang trên người là bị FULRO phục kích trên đèo Phượng Hoàng tháng 7-1977. Khi được điều ra Bắc để có điều kiện học lấy bằng bác sĩ thì Hùng lại bị quá tuổi. Thành thử “y sĩ Đông Dương” vẫn là y sĩ cho đến khi được nghỉ hưu.
Nghỉ hưu nhưng tâm thế của người thầy thuốc vẫn khiến Hùng không ngừng cống hiến. Y sĩ Hùng vẫn đến với đồng đội để tư vấn giữ gìn sức khỏe; dự các buổi gặp mặt giao lưu với đồng chí, đồng đội, luôn động viên nhau giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng của Bộ đội Trường Sơn. Ở nơi cư trú, y sĩ Hùng luôn gương mẫu đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Ở tuổi 83, hằng ngày, ông vẫn giữ thói quen dậy từ 4 giờ ngồi thiền, tập thể dục rồi cầm chổi quét đường phố, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, được nhân dân yêu mến.
Còn chúng tôi, có chuyện vui buồn đều tìm đến nhau và cái tên “y sĩ Đông Dương” đã trở thành “thương hiệu” của đồng đội tôi.
NGUYỄN KIM CHÚC