Một giọng thơ hồn hậu trẻ trung và hết sức ưu thời nhập thế cùng cảnh nông gia mà ông đã bày ra một cách tuyệt diệu, trước sau không ai có thể bày biện sắm sanh công phu thuyết phục hơn ông: “Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”... (Phiên chợ Tết). Quả là những câu giản dị nhưng ám ảnh.

Nhiều lúc tôi tự hỏi cái hay, cái đẹp của thơ là gì nếu như không phải là những tình cảm bền bỉ của độc giả dành cho nó. Thơ hay không nhất thiết phải đại chúng hóa nhưng điều kiện đầu tiên của thơ hay là phải có người đọc. Các trang báo Tết bây giờ thơ khá nhiều nhưng kiếm tìm một “Phiên chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ thì rất trống vắng. Những câu: “Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô/ Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”... là những phác thảo, nét bút tài tình, cái tình nhiều chục năm không dễ thấy ở những người làm thơ và đến câu thần bút: “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” thì chúng ta có thể khẳng định luôn, trước sau khó có một người nào có thể vượt Đoàn Văn Cừ về sự tài tình trong thơ khi mô tả một phiên chợ Tết.

leftcenterrightdel
Chợ hoa xuân Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu 

Tại sao thơ của ông nhẹ nhàng nhưng da diết vang sâu đến vậy. Tại sao thơ của ông luôn luôn là những bức tranh đầy đặn đường nét nhưng không chật chội, đông nhưng không dày, đậm nhưng không đặc, nhộn nhịp nhưng vô cùng sinh động, không hỗn loạn, trong ấy là cả một thế giới linh hoạt khiến người xem cảm thấy mình đột nhiên thanh thản, tươi trẻ và yêu đời: “Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rợi/ Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa/ Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”...

Thơ ông, dường như không có chỗ nào không ổn, mọi sự rất ổn ở một mặt bằng cao cho thấy nội lực trầm hậu của người cầm bút, cho thấy một tấm lòng son với quê hương xứ sở.

Đoàn Văn Cừ yêu quê hương, đất nước mình, xóm làng, họ mạc mình, đình chùa, chợ búa mình một cách vô cùng tự nguyện và từ đó đưa ra những vần thơ rất đỗi tự nhiên: “Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh/ Đón tôi về xem hội ở làng bên/ Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội/ Những thằng cu tha hồ khoe áo mới/ Và tha hồ nô nức kéo đi xem/ Các cụ già uống rượu mãi gần đêm/ Tổ tôm điếm chơi đều không biết chán” (Đám hội)... đều hiện lên sự yên ấm, những nếp làng nếp xóm, những thuần phong mỹ tục, tập tục mà các nhà thơ khác chưa thể hiện được.

Làm thơ như ông, câu nào cũng mới mẻ, mỗi câu một vẻ đẹp riêng, mỗi câu một sức sống riêng: “Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn/ Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao/ Các cô bạn bằng tuổi cũng xinh sao/ Hai má thắm ngây thơ nhìn trời biếc/ Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc/ Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh” (Đám cưới mùa xuân), thì ta có thể khẳng định, một trong những điều làm nên sức sống của thơ Đoàn Văn Cừ chính là chất liệu thật từ cuộc sống đã được ông khéo léo nếu không muốn nói là nghệ thuật sắp xếp một cách ảo diệu.

Những Tết này, những Tết sau, những Tết của người Việt ở trong nước hay ngoài nước, khi mà cuộc sống vật chất và những sức ép tốc độ ngày càng hằn vào mỗi người đang sống, để loại trừ ra những thứ dông dài, phù phiếm thì thơ Đoàn Văn Cừ vẫn mãi còn, còn bằng sự bình dị nhưng đặc sắc của ông.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI