Tết quê, ngoài màu sắc, âm thanh, phẩm vật... còn có một mùi rất Tết. Tất cả đã làm nên cái “hồn” của Tết làng xưa. Dân gian bảo: “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”, “vui như Tết”, “buồn đến chết, Tết cũng phải vui”... khi Tết đến xuân về. Những cơ cực, lo toan, phiền muộn cũng tạm thời được cất đi vào thời điểm vui đón Tân niên.

Nhớ đến Tết xưa, nói đến Tết làng không hiểu sao tôi lại nhớ đến nhà văn Lê Lựu và cái truyện ngắn đầu tay của bác ấy-truyện ngắn “Tết làng Mụa” (in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số Tết Giáp Thìn, tháng 2-1964).

leftcenterrightdel

Bìa cuốn Văn nghệ Quân đội in tác phẩm “Tết làng Mụa”. 

Để có cái truyện ngắn (in lần đầu ghi là hồi ký) đầu tay, Lê Lựu từng phải chịu nhiều thất bại, thất bại đến “thảm hại”. Ông từng kể, ông mơ ước thành nhà báo từ ngày học lớp 5 và viết như điên, viết hàng chục tin bài gửi báo tỉnh, nhưng càng gửi... càng mất hút. Năm 1959, ông xung phong đi bộ đội vì muốn được đi nhiều, học hỏi để viết báo. Ông cứ hì hục viết, đến hơn 50 tin gửi Báo Quân Tả Ngạn, nhưng số phận chẳng khác hàng chục cái tin ngày học cấp 1, chẳng ai trả lời. Nhưng rồi “tác phẩm đầu tay” của ông cũng được in trên báo quân khu, đó là cái tin chỉ vẻn vẹn 26 chữ với cái tít là: “Đại đội 25-Đoàn Sông Thao đã diệt được 38 vạn con ruồi”. Ông bảo, đó là ông làm tròn số thế thôi, chứ có ai mà đếm nổi, kiểm tra từng ấy con ruồi đã chết! Có lẽ vì người ta thương hại “cái thằng nhà quê” chúi mũi chúi mắt cộng tác nên đã đăng? Thế cũng là vui lắm rồi, từ đấy ai cũng gọi ông là nhà báo, khiến ông thích lắm. Ông cắt mảnh báo bỏ vào ví, đi đâu cũng khoe, thỉnh thoảng chỗ vắng người bí mật giở ra xem. Thì ra lâu nay viết dài lê thê, tả mây, tả gió, tả trời, tả biển, nay rút kinh nghiệm ông viết ngắn. Đại loại như ai nhặt được tiền, đại đội nào làm được nhiều phân xanh, tiểu đội nào chăm cắt tóc là viết. Viết thế dễ “ăn”!

leftcenterrightdel
 Nhà văn Lê Lựu (bên phải) và nhà văn Ngụy Ngữ tại Mỹ (năm 1987). Ảnh do nhà văn Lê Lựu cung cấp

Tháng 9-1963, ông sung sướng khi được Quân khu Tả Ngạn mời tham dự trại viết kéo dài 3 tháng. Trại viết khoảng 20 người, toàn những nhà văn có tên tuổi đến dạy. Cứ nghĩ đến một thằng lính “chân đất mắt toét” 21 tuổi mà được nhìn thấy, được nghe các nhà văn Xuân Thiêm, Xuân Sách, Vũ Sắc, Mai Vui... ở Trung ương, ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phòng Tuyên huấn quân khu... tới nói cho nghe về nghề mà bụng dạ đã như được mở cờ!

Lần đó ông có hỏi chuyện một tiểu đoàn trưởng người Phú Thọ và viết hồi ký “Trận đánh cuối cùng” xảy ra trong kháng chiến chống Pháp. Các trại viên khen lắm, ai cũng bảo hay! Nhà văn trẻ đầy tương lai hí hửng, tự hào. Một hôm gặp ông Kiều Kim Trùy, không viết văn nhưng thẩm “tinh”, và nhận xét cũng sâu sắc. Nghe xong hồi ký ông viết, ông Trùy trầm ngâm rồi bảo: “Nghe giống như tường thuật bóng đá ở sân Hàng Đẫy ấy...!”. Ông cụt hứng, hoang mang tột độ, buồn và đi lang thang ra biển Đồ Sơn đến tận chiều tối mới về đến trại!

Thật may mắn tối hôm ấy, ông gặp được nhà phê bình văn học Nhị Ca. Ông ấy khuyên: “Cậu còn tí tuổi, đã biết cái gì về càn, về đánh nhau đâu mà viết. Đừng viết chống càn, viết đánh nhau nữa... Hãy viết cái gì quen thuộc, ví như chuyện làng chuyện xóm nhà cậu, chuyện ở ngay đơn vị, ở nơi đóng quân chẳng hạn”... Vậy là sau đó ông viết “Tết làng Mụa” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 2-1964, từ trang 24 đến trang 30; họa sĩ Văn Đa minh họa.

Nội dung của “Tết làng Mụa” cũng đơn giản. Một đơn vị bộ đội thời chống Pháp bí mật về làng Mụa để chuẩn bị đánh bốt Phương làng bên. Đơn vị chia nhỏ ra mỗi gia đình nhận giúp đỡ vài ba chiến sĩ để vừa giúp dân vừa giữ bí mật. Đồng chí Minh được đơn vị phân công về ở nhà cụ Phong có con gái là cô giáo Huấn. Anh bộ đội Minh trẻ đẹp, chăm chỉ lại có nhiều tài lẻ, gói bánh, giã giò đều khéo, được mẹ cô Huấn rất quý. Năm ấy, làng Mụa tuy thuộc khu du kích, nhưng chỉ cách bốt địch dăm ba cây số nên bà con vẫn lo ngày Tết bọn nó xuống càn. Để khỏi bị chúng cướp bóc, dân làng tổ chức gói bánh, bó giò, sắm sanh cỗ Tết trước, phòng giặc đến thì mang bánh trái, giò, xôi... đi tản cư cùng. Nhà cô giáo Huấn, tuy có hai mẹ con nhưng cũng đụng thịt lợn, làm bánh, gói giò. Mọi việc lo Tết đã có mấy chú bộ đội giúp. Dưới ngòi bút của Lê Lựu, cái Tết làng xưa như dần hiện ra trước mắt người đọc. Anh viết: “...Tôi theo Minh xuống bếp xem có việc gì thì giúp đỡ anh một tay. Nhưng từ vặn nùn rơm để trên nồi bánh, cắt tiết gà, cọ mo gói giò, cọ mâm bát, lau đồ thờ đến vót tăm, chẻ đóm... chẳng có việc gì làm chung được. Mãi lúc gói khoanh giò xào tôi mới mó tay vào giữ một đầu để Minh buộc lạt; và khi gói bánh, tôi cũng chỉ là chân phụ việc lau lá. Còn Minh, hai mắt đã thâm trũng, cái mũi cứ khụt khịt như sắp tắc lại, nhưng vẫn chẳng muốn rời tay. Lúc ngồi gói bánh... đôi môi anh uốn cong lên theo các đường gấp của chiếc bánh khiến tôi có cảm giác như đôi bàn tay anh ấy có sự điều khiển của đôi môi. Về sau, bà cụ chủ nhà chỉ còn biết nhìn cả chục chiếc bánh vuông vức như được cùng đúc ra từ một cái khuôn, xếp ngay ngắn, mới khen lấy khen để và nở nụ cười răn rúm làm chiến sĩ Minh ngượng chín cả người, bẽn lẽn. Còn cô giáo Huấn lúc này cũng đứng đấy không cười, không khen, nhưng cứ nhìn đôi mắt một mí đen dài đưa theo từng cử động của bàn tay Minh thì cũng có thể đoán được rằng cô đang muốn nói với anh: “Anh Minh ạ! Anh gói bánh khéo quá, khéo hơn cả thanh niên của cái làng này!”. Còn tôi, tôi biết từ lúc làm xong việc của mình, Huấn ra đứng ở đây nhẹ nhàng ý tứ thôi, nhưng đã làm cho Minh có phần lúng túng!... Rồi thời gian sau, một đêm đơn vị bí mật lên đường đi đánh bốt Phương, những người lính hẹn đêm Ba mươi Tết, sau khi thắng trận sẽ về ăn Tết với dân làng, với mẹ con cô Huấn... Trận đánh thắng lợi vang dội, ta giải phóng cả một vùng dân rộng lớn, nhưng Minh và 3-4 đồng chí nữa đã không về! Các anh không bao giờ trở về làng Mụa nữa, để lại nỗi xót xa, thương nhớ cho mẹ con cô giáo Huấn, cho cả dân làng!...”. Truyện có thế thôi mà ai đọc xong cũng bùi ngùi nhớ, nhớ Tết, nhớ người! Và truyện được Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đánh giá, đây là truyện ngắn hay!

Sau khi tác phẩm đầu tay này của Lê Lựu được in, tại hội nghị rút kinh nghiệm toàn quân trong Cuộc vận động “Viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”, Lê Lựu được thủ trưởng đơn vị gọi lên... đọc truyện ngắn này. Và ông đã đọc kiểu thuộc lòng (không cần văn bản)! Cả đơn vị vỗ tay khen nhiệt liệt. Về sau truyện ngắn “Tết làng Mụa” được sửa chút ít và in vào tập sách “Sấm Đường 5” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Có người đề nghị Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Thanh Tịnh, có công văn xin đích danh Lê Lựu về đơn vị, thành người của “phố nhà binh”-phố Lý Nam Đế!

Lê Lựu trở thành nhà văn tên tuổi, thành ông đại tá (hưởng lương tướng); từng là Trưởng ban Văn xuôi, Thư ký tòa soạn kiêm Trưởng ban Trị sự-Hành chính Tạp chí Văn nghệ Quân đội; một thời là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa doanh nhân. Nhà văn Lê Lựu đã nhận nhiều giải thưởng văn học như: Giải truyện ngắn Báo Văn nghệ, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật... Ông cũng được xem là người đầu tiên nối lại bang giao giữa các nhà văn, cựu chiến binh Việt Nam và các nhà văn, cựu chiến binh Mỹ (là tác giả của hai tập bút ký một thời đình đám: “Một thời lầm lỗi”, năm 1988 và “Trở lại nước Mỹ”, năm 1989); đồng thời có hẳn một quỹ văn học mang tên ông-“Quỹ Văn học Lê Lựu” dành cho những tác phẩm xuất sắc viết về nông thôn, nông dân!

Thập tam trại, đầu năm 2022

NGÔ VĨNH BÌNH