Trận đánh “ra mắt”

Ở tuổi 90, vị tướng dạn dày trận mạc vẫn thường xuyên ngược xuôi Nam-Bắc để thực hiện những công việc nghĩa tình, đặc biệt là trở lại miền Tây Nam Bộ-mảnh đất mà ông có tới 12 năm gắn bó. Trong đội hình Trung đoàn 1 U Minh (nay thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9), ông cùng đồng đội và nhân dân kiên cường bám trụ, chiến đấu với kẻ thù trên từng xóm ấp, dòng kênh.

Ngày 14-8-1964, cùng hơn 160 đồng đội, Trung úy Phạm Văn Trà chính thức lên đường vào chiến trường miền Nam sau khi từ chối suất đi học tập ở nước ngoài do Tổng cục Chính trị triệu tập. Gần 5 tháng hành quân gian khổ, ông cùng đồng đội mới vào đến chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Lúc này, đoàn chỉ còn khoảng 100 người. Sau một tháng nghỉ ngơi, tìm hiểu, làm quen với địa hình, ông chính thức biên chế về Trung đoàn 1 U Minh-trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ. Được điều về đơn vị có truyền thống chiến đấu anh dũng của Quân khu ngay từ buổi ban đầu, với niềm vinh dự, tự hào, đồng chí Ba Trà quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phạm Văn Trà. Ảnh: TUẤN TÚ 

Những năm ở chiến trường miền Tây, đồng chí Ba Trà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trước hết là cuộc “thử lửa” đầu tiên để đồng đội công nhận khi ông được bổ nhiệm là Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309 của Trung đoàn vào đầu tháng 6-1966. Dịp ấy, Tiểu đoàn tiến hành Đại hội Đảng bộ. Qua tìm hiểu lý lịch và được sự giới thiệu của Trung đoàn, các đồng chí Tư Bằng (tức Vưu Hoài Thanh), Chính trị viên và Sáu Hà (tức Lê Tấn An), Tiểu đoàn trưởng muốn đưa ông tham gia Đảng ủy Tiểu đoàn. Nhưng khi đại hội, một số cán bộ đại đội thẳng thắn bày tỏ quan điểm, dù Ba Trà trưởng thành từ chiến sĩ, đã kinh qua chiến đấu nhưng với chiến trường miền Tây thì hoàn toàn là tân binh, cần phải thử thách. “Tính cách người miền Tây là vậy, bộc trực, thẳng thắn và chân tình. Nghe được những lời ấy, tôi không hề tự ái, trái lại rất thiện cảm, đồng thời cũng ý thức rằng phải cố gắng, tranh thủ thời cơ để chứng minh bản thân. Và không phải đợi lâu, tôi đã được tham gia trận đánh đồn Thứ Bảy ngay sau đại hội”, ông kể.

Trận đầu tiên “ra mắt” Tiểu đoàn 309 của Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà diễn ra vào một đêm đầu tháng 8-1966. Ông đi cùng mũi chủ yếu, tấn công hạ đồn Thứ Bảy nằm trên kênh xáng Xẻo Rô và trục đường từ Rạch Giá đi vào. Đây là điểm chốt ở ranh giới giữa vùng địch kiểm soát với căn cứ U Minh của ta. Trước khi nổ súng, ông đã tổ chức cho bộ đội đi trinh sát kỹ đồn. Hôm đó, lợi dụng trời mưa, bộ đội đột nhập mục tiêu khá thuận lợi. Nhưng khi tiếp cận cắt dây thép gai tạo cửa mở, bất ngờ một quả mìn phát nổ khiến quân địch nghi ngờ và bắn pháo sáng đầy trời. Diễn biến tình huống lúc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của vị tướng già. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi biết anh em hoang mang, có đồng chí cho rằng đã bị lộ và đề nghị cho rút. Nhưng tôi vẫn kiên trì, lệnh cho tất cả nằm im. Mặc dù là trận đầu chỉ huy Tiểu đoàn diệt đồn địch nhưng trước đó, tôi đã tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ anh Sáu Hà. Theo đó, nếu ta nằm im, địch sẽ phỏng đoán theo hai hướng: Ta chạm mìn, biết bị lộ đã tìm cách tháo lui; hoặc không phải Việt cộng mà chỉ là con gì đó chạy vướng mìn. Như vậy chúng sẽ yên trí bỏ qua”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Văn Trà (bên phải) tại căn cứ U Minh, tháng 6-1968. 

Quả nhiên sự việc diễn ra đúng như những gì anh Sáu Hà chỉ bảo. Kiên nhẫn chờ đợi, không thấy địch động tĩnh gì, đồng chí Ba Trà lệnh cho bộ đội tiếp tục nằm im hơn một giờ đồng hồ. Trời vẫn đổ mưa, bộ đội tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh và dầm mình trong nước. Đến khoảng 12 giờ đêm, Tiểu đoàn phó Ba Trà phát lệnh tiếp tục cắt rào, mở cửa. Đơn vị giải quyết đồn nhanh gọn, diệt và bắt toàn bộ đại đội địch, nhanh chóng thu vũ khí. Trước khi trời sáng, bộ đội đã về vị trí tập kết an toàn. Tâm sự với chúng tôi, Đại tướng Phạm Văn Trà bảo rằng, trận đánh đồn Thứ Bảy tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa với ông trong việc tích lũy kinh nghiệm tổ chức hành quân chiến đấu trên chiến trường sông nước cũng như cách xử trí tình huống mở cửa bị lộ; đặc biệt là đã phần nào giải tỏa sự nghi ngại của anh em trong đơn vị rằng ông chưa có thực tế ở chiến trường mới. Từ đây, họ bắt đầu truyền tai nhau rằng: Ba Trà ngó bộ dáng học trò mảnh khảnh, thế mà chơi được, chơi ngon!

Nợ ân tình không thể trả hết

Sau trận đầu “ghi bàn”, đồng chí Ba Trà liên tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy bộ đội chiến đấu. Miền Tây đã vào mùa khô, Trung đoàn 1 U Minh là lực lượng chủ công, đảm trách nhiệm vụ chủ yếu trên địa bàn. Chi khu Ngan Dừa, Chi khu Long Mỹ, đồn Cái Đuốc... thường xuyên bị quân ta tấn công, uy hiếp. Bên cạnh những chiến thắng, tất nhiên cũng có trận đánh không thành công, thậm chí cả những lần chết hụt. Trong đó, Đại tướng Phạm Văn Trà không bao giờ quên ân nghĩa, sự hết lòng cưu mang của nhân dân khi ông bị thương.

Tháng 11-1966, thực hành trận đánh Chi khu Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), ông không đi cùng mũi chủ yếu mà phụ trách 2 phân đội dự bị. Đồn địch nằm ngay bờ kênh xáng nên bộ đội hành quân tới vị trí tập kết bằng xuồng. Đêm cuối tháng, đang là cao điểm mùa khô, sao trời sáng tỏ. Khoảng 2 giờ sáng, trận đánh bắt đầu. Lực lượng chủ công ào ạt tập kích căn cứ dã ngoại của Tiểu đoàn 3 ngụy. Nhưng bất ngờ, bộ đội ta gặp phải sự phản kích quyết liệt của địch. 30 phút, rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, tình hình vẫn chưa khả quan. Tâm trạng của bộ phận dự bị ngồi ôm súng, thấy đồng đội quần nhau với địch mà chưa thể làm gì thật bồn chồn khó tả. Thế rồi, Tiểu đoàn trưởng Sáu Hà lệnh cho 2 phân đội dự bị xung trận, nhưng vẫn không thành công, địch phản kích dữ dội. Sau hội ý chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Ba Trà ở lại giải quyết công tác thương binh, liệt sĩ. Đại bộ phận còn lại của Tiểu đoàn nhanh chóng rời khỏi địa bàn.

Trong bom đạn dày đặc của địch, quá trình cơ động, Ba Trà không may bị một mảnh đạn pháo găm vào chân. Vết thương tuy không nguy hiểm nhưng rất đau đớn. Biết nếu cùng đi dễ bị địch bắt cả hai, ông kiên quyết hạ lệnh cho chiến sĩ liên lạc rút lui trước, còn mình cắn răng lết từng đoạn, tránh xa trục lộ và bờ kênh, rồi lả dần. Giữa cơn nguy khốn, một cậu bé đã phát hiện ra ông. Cậu lập tức quay về ấp, chừng hai giờ đồng hồ sau thì quay lại, mang theo một cái rổ có đĩa xôi, nửa con gà và bình nước cho Ba Trà. Khi chiều dần buông, cậu trở lại, theo sau có người mẹ trẻ. Họ cùng dìu ông về nhà. Mặc dù nhà gần đồn địch, ngày ngày “lính Quốc gia” vào ra mua rượu nhưng ông vẫn được mẹ con chị kín đáo giấu trong buồng và hầm để chăm sóc, chữa trị vết thương. Tuy nhiên, vết thương bị nhiễm trùng nặng. Nếu cứ nằm lại sẽ có nhiều bất lợi, đồng chí Ba Trà đề nghị chị Sáu (tên người mẹ) đưa mình đi. Biết là sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng trước nguyện vọng của người chiến sĩ trẻ muốn trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, chị Sáu kỹ lưỡng chuẩn bị và nhờ thêm người thân đưa ông ra xuồng. Vẫn là người bán rượu mỗi ngày, chị lấy lý do ông là em nuôi bị bệnh cần đưa đi chữa trị mà khéo léo qua được các trạm gác của địch. Sau đó, ông được đưa về vùng du kích ở Long Mỹ, rồi trở về đơn vị an toàn. 

Sau lần bị thương ấy, trong quá trình chiến đấu, đồng chí Phạm Văn Trà còn bị thương thêm 3 lần nữa. Những lúc khó khăn, nguy hiểm như thế, ông luôn được bà con nhân dân che chở, đùm bọc, cưu mang. “Hồi ấy, bộ đội thường trú đóng ở những vườn cây ven kênh rạch, sông ngòi. Để giúp đỡ bộ đội, bà con lấy cớ đi làm đồng, làm vườn, mang gạo ra cho chúng tôi và cung cấp tin tức về địch. Dần dần, địch nghi ngờ, khám thấy dân đi làm đồng lại mang theo gạo, chúng bắt nhúng nước hoặc thu hết. Nhưng bà con vẫn tìm mọi cách để tiếp tế cho bộ đội. Đêm đêm, bộ đội vẫn ra ruộng, ra vườn lấy gạo, thực phẩm của nhân dân giấu sẵn. Những ân tình này, biết bao giờ tôi trả hết!”, Đại tướng Phạm Văn Trà xúc động nói.    

 leftcenterrightdel

Đại tướng Phạm Văn Trà (hàng sau, thứ năm, từ phải sang) và người dân Long Mỹ, Hậu Giang

đã cưu mang, che chở ông trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Chúng tôi được biết, hầu như năm nào Đại tướng cũng về lại mảnh đất nơi có những con người đôn hậu mà ông không bao giờ quên. Trong khả năng của mình, ông đã giúp họ cải thiện cuộc sống, có việc làm ổn định. Ông cũng đã tìm được gia đình cậu bé Gương từng cứu sống mình năm xưa. Hôm chúng tôi đến, gia đình ông có khoảng 10 cháu là con em nhân dân miền Tây đang được ông cưu mang, hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Khi chia tay ra về, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh vị tướng già vội dừng cuộc phỏng vấn, tất tả đi nhanh ra ngoài chỉ để dặn các cháu: Nhà có chục cân gạo nếp ngon, nhớ mang lên Hà Nội mà nấu ăn phòng khi nhỡ nhàng nhé!

THƯ BÌNH