Thiếu tướng, CCB Nguyễn Nhật Kỷ sinh năm 1953, quê ở làng Dòng, xã Xuân Lũng (Lâm Thao, Phú Thọ). Ông đã cùng tôi hành quân vượt Trường Sơn ròng rã suốt nhiều tháng trời; những đêm thức trắng, nắm cơm vắt với rau rừng chan nước suối; những trận đánh mịt mù bom đạn... Ông bảo: “Với tôi, trận đánh khốc liệt nhất, gian khổ và hy sinh nhiều nhất là trận đánh giải phóng quận lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi) năm 1972”. Đó là mùa hè đỏ lửa, một mùa hè “máu nhuộm đỏ cây rừng Quảng Ngãi”, một mùa hè tàn khốc, đau thương và chết chóc. Khi ấy, ông vừa được giao phụ trách Trung đội trưởng...

Để giải phóng căn cứ biệt kích Đá Bàn (Ba Tơ) và triển khai nhiều mũi tấn công chặn quân địch kéo đến giải vây ở vòng ngoài, lực lượng ta phải huy động tổng lực Trung đoàn 52, tổ chức bao vây, lấn dũi từng mét chiến hào trong suốt 45 ngày đêm (từ 16-9 đến 30-10-1972). Trận chiến diễn ra khốc liệt. Hàng nghìn chiến sĩ ta đã đổ máu, hy sinh. Sư đoàn trưởng và trung đoàn trưởng hy sinh tại trận địa. hầu hết chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, trung đội và chiến sĩ trực tiếp chiến đấu đều bị thương hoặc vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Bản thân Nguyễn Nhật Kỷ cũng hai lần bị thương nặng. Trong trận đánh, ông được vinh danh là chiến sĩ thi đua “đánh hay, đánh giỏi”... Một vinh dự lớn đến với ông, vào đêm 4-10-1972, giữa lúc cuộc chiến ở giai đoạn ác liệt nhất, Nguyễn Nhật Kỷ được kết nạp Đảng ngay dưới làn đạn bom quân thù. Ông kể: “Đêm hôm ấy, tôi được Chính trị viên Lê Văn Tiếp tổ chức lễ kết nạp Đảng ngay dưới hầm trước cửa mở căn cứ của địch. Trong căn hầm, ở phía trên treo tấm ảnh Bác Hồ bằng lụa và một lá cờ bằng khổ giấy A4. Anh Tiếp đọc quyết định kết nạp, tôi nói lời tuyên thệ giữ cửa mở đến cùng. Lễ kết nạp chỉ có 3 người, diễn ra chóng vánh, sau đó mọi người ngay lập tức trở lại vị trí chiến đấu”...

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Nhật Kỷ (ngoài cùng, bên trái) cùng đoàn công tác đến báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc xác định Ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị, năm 1999. Ảnh: TRẦN LƯU 

Năm 1979, Nguyễn Nhật Kỷ được cử đi học tại Học viện Chính trị. Năm 1980 ra trường với kết quả giỏi, ông được cấp trên điều động về công tác tại TCCT. Hơn 70 tuổi đời, 43 năm quân ngũ, trong đó có 33 năm công tác tại TCCT; từ một người lính binh nhì trở thành một vị tướng-Cục trưởng cương nghị và bản lĩnh, một nhân cách được đồng chí, đồng đội và bạn bè tin yêu, quý trọng. Với ông, công việc luôn đặt lên hàng đầu. Dù ở bất cứ cương vị nào, làm gì ông cũng quyết tâm đến cùng. Một con người luôn vì người khác, bình tĩnh, nhẫn nại, có ý chí và nghị lực; sống ân tình, ân nghĩa với đồng đội, anh em và tận tâm dâng hiến...

Hồi đang công tác ở TCCT, có một sự kiện mà ông nhớ mãi. Đó là vào năm 1999, TCCT có chủ trương xác định ngày truyền thống của TCCT. Thời điểm đó có hai luồng ý kiến khác nhau: Một là lấy ngày 25-3-1946, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 34 thành lập Chính trị Cục thuộc Bộ Quốc phòng; hai là lấy ngày 11-5-1946, ngày Bộ Quốc phòng ra Nghị định 27 thành lập Cục Chính trị thuộc Quân sự ủy viên Hội (thời điểm đó Đảng rút vào hoạt động bí mật nên gọi là Hội). Khi ấy, đồng chí Nguyễn Nhật Kỷ được giao thực hiện nhiệm vụ này. Ông đã cùng anh em trong cơ quan tranh thủ mọi thời gian, ngày đêm rốt ráo tìm đọc tài liệu ở mọi nơi, đồng thời tham khảo ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và TCCT qua các thời kỳ. Ông kể: “Khi đã tập hợp đủ tài liệu cần thiết, tôi và anh em cơ quan đến xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tôi trình bày xong, Đại tướng bảo: Ngay khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã thành lập cùng lúc Chi bộ đảng và Ban công tác chính trị của Đội... Tiếp thu ý kiến của Đại tướng, chúng tôi đề xuất cấp trên lấy ngày 22-12-1944 là Ngày truyền thống của TCCT. Được cấp trên ra quyết định, cả cơ quan ai cũng phấn chấn vì đã hoàn thành một công việc lớn, nhiều ý nghĩa. Từ đó, ngày 22-12-1944 trở thành Ngày truyền thống của TCCT”.

Tiếp đó, ông cùng cơ quan tham mưu phối hợp giúp thủ trưởng TCCT tổ chức lần đầu kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống TCCT (22-12-1944 / 22-12-2000). Trong thư gửi TCCT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “... việc TCCT lấy ngày 22-12-1944 làm Ngày truyền thống đã phản ánh đúng một sự thật lịch sử: Có Quân đội là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác chính trị, một nhân tố thuộc về bản chất của Quân đội cách mạng”.

Sau lễ kỷ niệm lần đầu Ngày truyền thống TCCT, nhất là từ khi làm Cục trưởng Cục Chính trị, ông lại cùng cơ quan chuẩn bị giúp thủ trưởng TCCT tổ chức viết lịch sử về TCCT; biên tập xuất bản sách, ảnh; phát động viết và xuất bản sách “Kỷ niệm sâu sắc về TCCT”; tổ chức sáng tác và sản xuất biểu trưng (logo); soạn thảo nội dung văn bia chỉ huy TCCT trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên... Với khối lượng công việc nhiều như thế, bên cạnh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, nếu không phải là người hết lòng tận tâm, tận lực làm việc không quản ngày đêm, không quản khó khăn, vất vả thì khó có thể hoàn thành.

Năm 2013, Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ nhận quyết định nghỉ hưu. Dù là thương binh loại 2, mất sức 62%, trên cơ thể còn nhiều mảnh đạn, nhưng ông vẫn chịu đựng, vượt lên bệnh tật để hoàn thành những công việc mà ông ấp ủ bao năm chưa thực hiện được. Ông dành thời gian, công sức đi tìm đồng đội xưa, tập hợp họ lại sinh hoạt trong Ban liên lạc Trung (Lữ) đoàn 52, nhằm động viên, an ủi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tìm kiếm thông tin về đồng đội hy sinh. Suốt nhiều năm liền, ông tự bỏ tiền túi vào tận Quân khu 5, làm việc với Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, Ban CHQS huyện Ba Tơ, Minh Long... Ông cũng nhiều lần vào làm việc với Thường trực Tỉnh ủy; đến các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi, tìm gặp những người hoạt động cùng thời chiến tranh để xác định danh sách liệt sĩ đã hy sinh từ năm 1972 đến 1975. Khi đã có bản danh sách liệt sĩ, ông đề nghị chính quyền địa phương lập văn bia, khắc tên liệt sĩ. Mặt khác, ông và đồng đội bổ sung nhiều chi tiết quan trọng về các trận đánh vào lịch sử xã, huyện, tỉnh. Từ đó xác lập xây dựng bia di tích, đề nghị Nhà nước công nhận các di sản văn hóa quân sự cấp quốc gia.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ cùng gia đình. Ảnh: LÊ HUYỀN 

Cho đến nay, di tích ở chiến trường Quảng Ngãi như Ba Tơ, Đình Cương (Nghĩa Hành)... đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia; nhiều di tích khác xếp hạng cấp tỉnh... Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ đã trực tiếp sưu tầm đầy đủ thông tin cá nhân và nơi chôn cất ban đầu của 634 liệt sĩ. Trong số đó, ông đề nghị để địa phương cho xây dựng 4 bia, vinh danh 392 liệt sĩ. Cũng do có được thông tin này, hàng trăm gia đình và thân nhân đã xác minh được thông tin chính xác về liệt sĩ; rất nhiều trường hợp tìm được mộ và nơi chôn cất ban đầu. ông còn trực tiếp đi tìm và xác minh 15 liệt sĩ đã đưa vào nghĩa trang hoặc thông báo cho gia đình đưa về quê. Nhiều năm qua, ông đã kết nối với các địa phương, tổ chức các hoạt động kỷ niệm để đưa hàng trăm CCB của đơn vị về thăm lại chiến trường xưa và dự kỷ niệm Ngày giải phóng huyện Minh Long, Ba Tơ...

Mới đây, nhân kỷ niệm Ngày giải phóng huyện Minh Long, tôi mời ông đi uống cà phê. Ông bảo vừa đi viện về, vết thương cũ tái phát hành hạ suốt đêm. Tay run run cầm cốc cà phê, mắt xa xăm hướng về phía chiến trường, nơi tôi và ông đã để lại một phần xương máu, ông bảo: “Còn nhiều việc lắm, nhiều đồng đội vẫn chưa tìm được hài cốt, nhiều ngôi mộ ở các nghĩa trang Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành chưa có thông tin, bao việc nghĩa tình chưa thỏa lòng mong ước. Hy vọng trời cho sức khỏe để tìm được anh em đưa về với gia đình, đồng đội”. Tôi thoáng thấy đôi mắt ông rưng rưng. Trên gương mặt người lính già đã bắt đầu nhăn nheo, chùng xuống theo tuổi tác mà lòng còn ngổn ngang bao nỗi!

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI