“Tôi là học viên khóa đào tạo đại học đầu tiên (1977-1982) của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Ra trường, tôi được cấp trên điều động lên công tác tại Đồn Biên phòng Mường Nhé”, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng chia sẻ. 

Những năm 80 của thế kỷ 20, ở Mường Nhé có những rừng nứa, tre, vầu mênh mông xanh thẳm, đường đi lại điệp trùng, muôn vàn gian khó. “Đường vào Mường Nhé nhiều vùng vắt xanh, vắt đen, ruồi vàng nhiều vô kể, vừa đi vừa phải dùng dao găm gạt vắt bám vào người nên những người lính ở đây có câu “mỏ vắt Quang Lâm, suối lũ Tà Hàng”. Từ thị xã Lai Châu, chúng tôi đi bộ mất 6-7 ngày mới đến Đồn Biên phòng Mường Nhé. Vào mùa đông, trời rét cắt da cắt thịt, phải lội qua nhiều con suối nước ngập sâu đến bụng; mùa hè thì mưa rừng, suối lũ... Tôi gần như năm nào cũng bị sốt rét mấy trận, người gầy đen nên anh em thường gọi “Thắng đen”, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng nhớ lại.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng chụp ảnh cùng gia đình ông Giàng Văn Hom (năm 2013). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Khi chúng tôi nhắc tới mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng giọng sôi nổi: “Cuối tháng 10-1983, lúc đó, tôi là Phó chỉ huy trưởng quân sự Đồn Biên phòng Mường Nhé, dẫn bộ đội gặt lúa giúp đồng bào dân tộc Thái ở bản Mường Toong. Từ đồn đến bản Mường Toong gần 20km đường rừng. Hôm đó, tôi cùng chiến sĩ Quàng Văn Khếnh đến bản thì trời bắt đầu nhập nhoạng tối. Dừng trước ngôi nhà ở đầu bản có cắm cành lá xanh, bà mế trông thấy chúng tôi đã vội xua tay: “Nhà này đang có ma, bộ đội không được vào đâu, không ngủ nhờ được đâu!”. Một lúc sau, người đàn ông đi làm nương về thấy chúng tôi liền kiên quyết ngăn lại: “Nhà mình có ma, cán bộ không ngủ đây được đâu, con gái mình đang bị ốm...”. Sau một hồi thuyết phục, ông Giàng Văn Hom-chủ nhà đồng ý để chúng tôi ở đó. Vào nhà, tôi thấy cháu gái gần một tuổi đang sốt cao, ho liên tục. Qua thăm khám, tôi xác định cháu bị viêm phế quản. Tôi nói với bố mẹ cháu bé không phải nhà có ma và khẳng định tôi sẽ chữa khỏi bệnh cho cháu. Tôi lấy một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc bổ đưa cho bố cháu và hướng dẫn cách cho cháu uống. Quả nhiên, sáng hôm sau, cháu bé đỡ sốt và không còn ho nhiều như trước, bệnh dần thuyên giảm. 4-5 ngày sau đó, cháu bé khỏi bệnh, cả gia đình mừng rỡ và từ đó không tin vào ma quỷ nữa mà tin vào thuốc của cán bộ. Một tuần sau, bộ đội hoàn thành nhiệm vụ cắt lúa giúp dân. Hôm chia tay, lãnh đạo, chính quyền xã Mường Toong mời chúng tôi ra UBND xã để liên hoan nhưng bố cháu bé nhất quyết giữ tôi ở lại nhà ăn cơm cùng gia đình. Ông Giàng Văn Hom bảo tôi buộc chỉ cổ tay và đặt tên mới cho con gái rồi nhận tôi là bố nuôi của Giàng Thị Thai”.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng kể tiếp: “Cuộc sống và nhiệm vụ cứ cuốn đi, mãi 26 năm sau, năm 2009, tôi lên công tác ở Mường Nhé và ghé thăm gia đình ông Giàng Văn Hom. Cháu bé Giàng Thị Thai năm xưa đã lấy chồng và có một con trai. Lần thứ hai là dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, tôi cùng với đoàn công tác của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và đoàn cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tới tặng quà quân-dân huyện Mường Nhé và cũng ghé thăm vợ chồng con gái nuôi.

Chúng tôi đang trò chuyện, bất ngờ có chuông điện thoại của Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng. Phía người gọi là con gái nuôi của ông, giọng nhỏ nhẹ, ngập ngừng. Qua câu chuyện giữa họ, chúng tôi được biết, con trai của chị Giàng Thị Thai đang học lớp 12 và có nguyện vọng trở thành Bộ đội Biên phòng, mong muốn góp sức mình bảo vệ biên cương Tổ quốc...

THÁI DÂN AN