Năm 15 tuổi, Trần Đình Dũng tham gia Ban An ninh vũ trang Bình-Trị-Thiên. “Ngày đó, chúng tôi chiến đấu trong lòng địch, bị thám báo, biệt kích lùng bắt ráo riết, nhiều lúc phải trốn lên rừng. Hơn nữa, đơn vị còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực, thực phẩm. Nhiều anh em kiệt sức vì đói, có thời điểm phải sang đất bạn Lào để bảo toàn lực lượng và cho anh em dưỡng thương. Đồng bào Pa Cô của ta cũng như của bạn Lào đều rất thương Bộ đội Cụ Hồ. Dân bản mang củ mì, rau quả, cá suối đến tiếp tế cho chúng tôi. Tôi học tiếng Pa Cô và tiếng Lào để có thể nói chuyện với bà con. Nhờ đồng bào cung cấp tình hình địch, từ đó triển khai công tác bảo vệ, đánh địch rất hiệu quả”, Thiếu tướng Trần Đình Dũng kể.
Khi hòa bình lập lại, Trần Đình Dũng lại miệt mài trên chặng đường bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau nhiều năm chiến đấu, công tác và phấn đấu không mệt mỏi, Trần Đình Dũng được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị. Trước thực trạng biên giới vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, đói nghèo dai dẳng, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Trị tìm cách hỗ trợ sinh kế cho bà con, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển vùng biên giới Quảng Trị.
|
|
Thiếu tướng Trần Đình Dũng bên cột mốc biên giới Việt Nam - Lào tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VIỆT VĂN. |
Để làm thất bại âm mưu phá hoại, lôi kéo, chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào trên địa bàn biên giới của các thế lực thù địch, năm 1994, Chỉ huy trưởng Trần Đình Dũng cùng các cơ quan chuyên trách nghiên cứu, lập đề án khoa học để tham mưu với tỉnh Quảng Trị và chính quyền các tỉnh phía bạn Lào tổ chức “Kết nghĩa bản-bản” cho các cụm bản giáp biên. Kể từ đó, công tác đối ngoại giữa hai quốc gia ở vùng biên trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của các dòng họ hai bên biên giới, bởi đã là anh em kết nghĩa thì mọi mâu thuẫn đều có thể hóa giải thấu tình đạt lý. Sau gần 20 năm, mô hình “Kết nghĩa bản-bản” đã được nhân rộng trên cả nước và có một tên gọi mới là “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” với nhiều hình thức phong phú. Chỉ huy trưởng Trần Đình Dũng còn là người đề xuất và triển khai phối hợp giữa BĐBP tỉnh Quảng Trị với lực lượng công an Lào trong đấu tranh phòng, chống ma túy, chủ động đánh án ma túy từ xa, vừa bảo đảm yếu tố bất ngờ, đạt hiệu quả, đồng thời giúp bạn huấn luyện nghiệp vụ. Từ đó, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn qua biên giới, được Nhà nước Việt Nam và Lào khen thưởng.
|
|
Thiếu tướng Trần Đình Dũng mang giống cây mới tặng nhân dân bản Densavan (Savannakhet, Lào). Ảnh: VIỆT VĂN. |
Cuối năm 2007, đồng chí Trần Đình Dũng được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP và thăng quân hàm Thiếu tướng. Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ông đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Tư lệnh BĐBP chỉ đạo triển khai hoạt động tuần tra song phương trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào và nhân rộng đến các tuyến biên giới khác. Hoạt động này được đánh giá là hết sức hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng và ngày càng đi vào nền nếp.
Năm 2013, Thiếu tướng Trần Đình Dũng nghỉ công tác, song ông vẫn tiếp tục kết nối nhịp cầu hữu nghị, tích cực thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào nghèo nơi biên giới hai nước Việt Nam-Lào. “Tôi luôn cho rằng, nhân dân là người làm chủ vận mệnh quốc gia, là chủ thể vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc. Vì thế, BĐBP phải đứng cạnh người dân để bảo vệ họ, trở thành niềm tin yêu của mọi người dân nơi biên giới để cây cầu hữu nghị đó mãi mãi trường tồn”, Thiếu tướng Trần Đình Dũng nói.
TUỆ LÂM