Tại khu rừng ấy, chúng tôi tiếp tục được huấn luyện bổ sung để đi chiến đấu. Tôi được thăng quân hàm từ Binh nhì lên Binh nhất và tháng 11-1967 được bổ nhiệm làm Tiểu đội phó Tiểu đội 2, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn 1). Được bồi dưỡng về chính trị, huấn luyện bổ sung về kỹ thuật, chiến thuật, sức khỏe bộ đội được nâng lên, tinh thần anh em rất hăng hái, mong chờ ngày xuất quân vào chiến trường. Nhưng càng đợi càng chưa thấy lệnh. Trong khi đó, Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) đã lên đường từ lâu. Ai cũng sốt ruột... Đúng lúc đó thì có lệnh của trên: Làm nhà và chuẩn bị đón Tết tại nơi đóng quân. Vậy là còn ở lại rừng dài dài rồi!

leftcenterrightdel

 Đồng chí Nguyễn Đức Sơn những ngày đầu quân ngũ. Ảnh do tác giả cung cấp 

Dù có đôi chút tâm tư nhưng “quân lệnh như sơn”, cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ là mỗi tiểu đội làm một nhà 3 gian, mỗi gian tầm 20m2, đủ cho một tiểu đội ngủ nghỉ, sinh hoạt và có nơi để vũ khí. Tiểu đội tôi, dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Trần Hữu Dân, sinh năm 1937, là lính tái ngũ, ở quê nhà đã từng làm thợ mộc nên việc làm nhà khá thuận lợi, chừng nửa tháng thì hoàn thành. Đại đội tổ chức đoàn đi tham quan nhà của các tiểu đội (10 nhà). Không khí rất vui vẻ, phấn khởi.

Làm xong nhà thì cũng sát Tết Nguyên đán. Đơn vị vẫn trong trạng thái sẵn sàng lên đường vào chiến trường bất cứ lúc nào. Dù vậy, công tác chuẩn bị vui xuân, đón Tết vẫn được quan tâm chu đáo. Trong đó có hai việc khá vui và thú vị, đó là nấu ăn và hội diễn văn nghệ.

Chuẩn bị ăn Tết, trên bồi dưỡng mỗi người một hộp thịt. Đơn vị tổ chức cho anh em làm một số loại thức ăn. Tôi thấy hấp dẫn và thú vị nhất là làm bún. Chúng tôi hầu hết là lính trẻ, chưa từng biết cách thức làm bún bao giờ nên rất háo hức. Được các anh cán bộ và những người có kinh nghiệm hướng dẫn, trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi tham gia vào quy trình làm bún để ăn Tết. Bún do chính tay chúng tôi làm ra ăn với thịt hộp nên cảm thấy rất ngon. Sau này, mỗi khi có dịp, tôi vẫn tự mình làm món bún theo quy trình đã được thực hành trong quân ngũ để mời gia đình, bạn bè.

Việc thứ hai chuẩn bị cho Tết là luyện tập và hội diễn văn nghệ cấp tiểu đoàn. Tôi không có năng khiếu gì trong lĩnh vực này nên được “sung” vào đội múa sạp của Đại đội. Tình huống đặt ra là múa sạp thì phải có nam, có nữ. Mà đơn vị toàn nam, chọn ai đóng giả nữ bây giờ? Bàn đi tính lại, cuối cùng chỉ huy Đại đội quyết định, tôi và một số anh em nhìn trắng trẻo hơn một chút được chọn đóng giả nữ. Chúng tôi liên hệ với địa phương mượn quần áo của bà con để hóa trang.

Sau một thời gian tập luyện nghiêm túc, rồi ngày hội diễn cũng đến. Hôm ấy là mồng Hai Tết Mậu Thân 1968. Toàn Tiểu đoàn tập trung tại một khu đất trống trong rừng để tham gia và cổ vũ cho các tiết mục của hội diễn. Ngoài màn múa sạp rất vui nhộn, được bộ đội thích thú, tán thưởng, còn có nhiều tiết mục khác khá độc đáo. Như anh Phố là Trợ lý Hậu cần, người con quê lúa Thái Bình đọc tấu bài “Tôi là CKC”. Anh Phền, Đại đội phó Đại đội 3 (sau này là Phó giám đốc về hậu cần của Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) nhìn bộ dạng rất hài hước nên khi hát bài “Trước ngày hội bắn”, bộ đội cười nghiêng ngả... Từ các tiết mục ấn tượng của hội diễn năm đó mà đến tận bây giờ, anh Phố có thêm biệt danh là “CK Phố”; anh Phền được gọi là “công chúa Phền”... Những ngày đón xuân mới, qua đài báo và thông báo của các cấp, chúng tôi biết được tin chiến thắng ở khắp các chiến trường. Miền Nam đang tổng tiến công và nổi dậy. Tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và lên đường chiến đấu của đơn vị chúng tôi lên rất cao. Ai cũng nóng lòng được xung trận, giết giặc, lập công.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã trải qua nhiều cương vị quản lý, chỉ huy bộ đội và được thăng quân hàm Trung tướng. Năm tháng phục vụ Quân đội có nhiều kỷ niệm sâu đậm nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi những ngày vui xuân ở rừng Tân Lạc...

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN