Hai ngày trước khi Mỹ giội bom, các lực lượng đã được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Bấy giờ, tôi là trực ban tác chiến phòng không tại Tổng hành dinh nên được chứng kiến và trực tiếp báo cáo một số nhiệm vụ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi máy bay B-52 trút bom xuống Thủ đô đêm 18-12-1972, Đại tướng đã có nhiều mệnh lệnh chỉ thị về công tác phòng không nhân dân. Khoảng 19 giờ 10 phút ngày 18-12, trong phòng làm việc của Đại tướng tại Tổng hành dinh, tiếng chuông điện thoại vang lên từ một trong 4 chiếc máy có chế độ ưu tiên số 1. Tiếng đồng chí trực ban tác chiến: “Báo cáo thủ trưởng, B-52 đã cất cánh... Nhiều tốp bay dọc sông Mê Công lên phía Bắc... Các lực lượng phòng không-không quân (PK-KQ) đã sẵn sàng vào cấp 1”. Mấy phút sau, còi báo động rú từng hồi... Đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ điện về: “Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361), tháng 1-1973. Ảnh tư liệu 

Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-52 tại xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Tin chiến thắng đã xé toang bầu không khí căng thẳng. Tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng chỉ huy. Trở vào, Đại tướng gọi điện thoại cho đồng chí Trần Văn Giang, Chính ủy Sư đoàn 361 (Quân chủng PK-KQ): “Bộ đội vừa qua đánh tốt, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Cần phát huy thành tích tiếp tục bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Cả nước đang hướng về Hà Nội! Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội! Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các đồng chí phòng không bảo vệ Hà Nội”.

Ngày 22-12-1972, tôi được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trận địa Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361) ở Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm). Đây là đơn vị lập công xuất sắc bắn rơi nhiều máy bay B-52. Đại tướng khen ngợi, động viên, siết chặt tay từng cán bộ, chiến sĩ thi đua để có thêm nhiều cách đánh tối ưu, diệt thêm nhiều B-52 của địch. Cũng trong ngày hôm đó, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh bài diễn văn của Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1972), qua đó bác bỏ tin bịa đặt của một số hãng thông tấn phương Tây về sự thiệt hại trong các trận bom B-52.

Sau này, tôi thật sự xúc động khi đọc cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tập hồi ký” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2011, trong đó có đoạn: “Đứng giữa sân Tổng hành dinh, tôi vô cùng xúc động nhìn thấy cảnh tượng hào hùng ấy. Trở vào, tôi gọi điện cho Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội. Nghe tiếng trả lời quen thuộc của đồng chí Phó tư lệnh, tôi hỏi: Trần Nhẫn đấy à? Khỏe không?... Đêm nay, đánh như thế là tốt đấy. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí! Cần chú ý rút kinh nghiệm và giữ gìn tốt lực lượng tên lửa để đánh lâu dài...”.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể chuyện những ngày trực chiến ở Tổng hành dinh. Ảnh: LINH GIANG 

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc đã kiên cường, mưu trí giáng cho địch những đòn đích đáng từ trận đầu và đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của chúng. Trong Tổng tập hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đó là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển nổi, của sự hy sinh không bờ bến của toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đó là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của các quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ, tạo thành một lưới lửa các tầm, các cỡ, áp đảo và chiến thắng kẻ địch...”.

NGUYỄN KIÊN THÁI (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu)