Tiên phong xóa “điểm nghẽn” làm đường
Cuối tháng 4-2023, trong chuyến công tác ở tỉnh Hòa Bình, chúng tôi được gặp Thiếu tướng Bùi Đình Phái tại nhà riêng thuộc xã Độc Lập, TP Hòa Bình. Ông kể, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông nhớ mãi chuyện đi thuyết phục nhân dân đồng ý bàn giao đất để các lực lượng chức năng giải phóng mặt bằng (GPMB) làm Đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Những năm 2005-2006, dự án xây dựng Đường Hồ Chí Minh đi qua một số huyện của tỉnh Hòa Bình bị gián đoạn, nhiều đoạn ách tắc do người dân tái lấn chiếm, ngăn cản các chủ đầu tư thi công. “Đến đầu năm 2007, Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo vận động quần chúng để GPMB, xóa “điểm nghẽn” trên địa bàn các huyện Kim Bôi (gần 5km), Yên Thủy (hơn 2km), Lạc Sơn (gần 500m)... ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân xuất hiện những “điểm nghẽn” là do người dân khiếu kiện bởi việc đền bù GPMB chưa thỏa đáng. Trước thực trạng trên, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm đếm, nắm chắc thông tin về các hộ gia đình nằm trong khu vực GPMB. Tháng 4-2007, tôi xuống vận động khoảng 100 hộ dân ở xã Cao Dương (huyện Kim Bôi) và các hộ thuộc hai huyện Yên Thủy, Lạc Sơn nằm trong khu vực GPMB...”, Thiếu tướng Bùi Đình Phái nhớ lại.
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” GPMB, Thiếu tướng Bùi Đình Phái đã đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình xem xét điều chỉnh thành phần Ban chỉ đạo GPMB, đưa đồng chí bí thư huyện ủy các huyện làm trưởng ban thay thế các đồng chí chủ tịch UBND huyện. Cùng với đó, chỉ định thêm một số cán bộ thuộc các ban, ngành vào Ban chỉ đạo như: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Huyện đoàn, Hội Người cao tuổi, Kho bạc... để gắn trách nhiệm cá nhân vào việc vận động quần chúng nhân dân. Đồng thời, ông bố trí lực lượng trinh sát cải trang xuống nằm vùng ở địa phương để nắm chắc đối tượng cầm đầu, thành phần xấu kích động...
|
|
Thiếu tướng Bùi Đình Phái. Ảnh: BẢO NGỌC
|
Điểm mấu chốt trong việc tháo “điểm nghẽn” là nắm chắc từng đối tượng “ném đá giấu tay”, kích động nhân dân không nhận tiền đền bù GPMB. “Với những đối tượng này, chúng tôi thông tin trên đài phát thanh huyện, đài truyền thanh xã về từng trường hợp hộ gia đình đã có những phát ngôn, hành động chống đối, kích động nhân dân, gây cản trở việc GPMB trên địa bàn. Với những lý lẽ thuyết phục, các hộ gia đình đó từng bước đồng tình, ủng hộ chủ trương GPMB... Song song với việc tuyên truyền cho nhân dân, chúng tôi mời cơ quan báo chí về viết bài, đưa tin để tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ việc GPMB.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị lãnh đạo, chính quyền huyện viết thư, ký tên, đóng dấu gửi cho tất cả con em đang công tác xa nhà có bố mẹ, người thân trong diện GPMB để họ cùng tham gia vận động gia đình chấp hành nghiêm chính sách, quy định của địa phương về việc nhận tiền đền bù, tạo điều kiện sớm thông Đường Hồ Chí Minh...”, Thiếu tướng Bùi Đình Phái chia sẻ kinh nghiệm.
Với những gia đình đồng ý nhận tiền đền bù, cơ quan chức năng cấp tiền tại chỗ. Nếu gia đình nào chưa nhận tiền đền bù thì Ban chỉ đạo thông báo để họ lên Kho bạc Nhà nước huyện nhận tiền, với điều kiện phải có đơn và chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương. Trước khi khởi công, Ban chỉ đạo triển khai các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chặt chẽ khu vực GPMB. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra giao thông thông báo cho các phương tiện giao thông đi đường vòng tránh, chặn lối đi lại. Triển khai cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... chuẩn bị cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu: “Nhiệt liệt đón đoàn thi công về giải phóng mặt bằng”; “Thi công bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả”. Sau chưa đầy 7 tháng, các nhà thầu đã hoàn thành tuyến đường 8km qua huyện Kim Bôi và 3km qua huyện Yên Thủy.
Để xóa được “điểm nghẽn” trong quá trình GPMB, theo Thiếu tướng Bùi Đình Phái, trước hết, cán bộ làm công tác vận động quần chúng phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản, chỉ thị, quy định của trên. Đồng thời, cán bộ trực tiếp xử lý vụ việc phải thực sự trong sạch, liêm khiết, không tư lợi; sâu sát, lắng nghe chính quyền, nhân dân đề xuất; đặt mình vào thực tế, vị trí, hoàn cảnh của người dân... thì mới có thể thấu hiểu, cảm thông.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo tham mưu đúng, trúng, phối hợp chặt chẽ tạo sự thống nhất, đồng sức, đồng lòng; giải quyết trên cơ sở công khai, dân chủ, công bằng, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân. Việc làm này, trong hội nghị rút kinh nghiệm về GPMB, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã được Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng biểu dương, khen ngợi vì có cách làm hay và được nhân dân đồng tình, ủng hộ để dự án Đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh bảo đảm triển khai đúng tiến độ, chấm dứt hiện tượng khiếu kiện kéo dài.
Khởi xướng mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng”
Hơn 40 năm công tác trong quân ngũ thì có đến hơn nửa thời gian Thiếu tướng Bùi Đình Phái gắn bó mật thiết với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Những năm tháng ở cùng đồng bào miền núi, ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để giúp bà con dân tộc thiểu số, miền núi thoát khỏi nghèo nàn, xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Cuối năm 2008, ông chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình triển khai Đề án xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh Hòa Bình. Đầu năm 2009, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình bắt đầu triển khai đề án, ban đầu lấy tên mô hình là “Làng văn hóa-quốc phòng”.
|
|
Thiếu tướng Bùi Đình Phái giới thiệu kỷ vật chiến tranh với thế hệ trẻ xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: MẠNH HÙNG |
Theo đó, hằng năm, ban CHQS các huyện xây dựng kế hoạch, lựa chọn một số xã đặc biệt khó khăn, sau đó tiếp tục chọn ra những xóm, làng khó khăn nhất để tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ. Sau mỗi lần diễn tập, đơn vị phải có một số công trình thiết thực, hiệu quả phục vụ nhân dân địa phương, như: Xây dựng hệ thống đường giao thông, mương máng, công trình vệ sinh; giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo tu sửa nhà cửa, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí... Trước đó, có một số địa phương ngại đăng cai tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, nhưng khi thấy hiệu quả của việc xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”, nhiều huyện đã xin tăng thêm số lượng xã tổ chức diễn tập.
Thiếu tướng Bùi Đình Phái kể về tính ưu việt của mô hình: “Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương đã đăng ký tham gia diễn tập. Đây là một công đôi việc, địa phương vừa xây dựng được khu vực phòng thủ vừa có công trình đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Cuối năm 2010, mô hình được rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện với tên gọi “Làng văn hóa-quốc phòng, an ninh”.
Quá trình triển khai thực hiện đề án, các cơ quan chức năng luôn bám sát phương châm “làm từng bước, làm đâu chắc đó”; kịp thời sơ kết, tổng kết từng giai đoạn để rút kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực và tạo niềm tin trong nhân dân. Sau này, các huyện: Kỳ Sơn (nay thuộc TP Hòa Bình), Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu... mỗi huyện lấy một số xã để diễn tập khu vực phòng thủ. Đây cũng là dịp để bộ đội giúp người dân địa phương xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu lâu đời, chuyển đổi giống cây trồng, phát triển kinh tế... Sau mỗi lần diễn tập lại có thêm nhiều công trình thiết thực phục vụ lợi ích của đồng bào, đồng thời bản, làng khang trang, sạch, đẹp, đời sống nhân dân ngày càng tiến bộ, nâng cao.
THÁI KIÊN